Thứ Sáu, 18/04/2014 06:42

Phải “lôi” doanh nghiệp vào hiệp định thương mại

Mặc dù doanh nghiệp sẽ né tránh, tuy nhiên phải để doanh nghiệp tham gia đàm phán các hiệp định thương mại thì kết quả đạt được mới hiệu quả.

Ngày 17-4, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) tổ chức thảo luận “Quốc hội với việc đàm phán, phê chuẩn và thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA)”. Trong đó nhấn mạnh việc Quốc hội phải đưa doanh nghiệp (DN) tham gia sâu hơn vào quá trình đàm phán, ký kết FTA.

Vì lợi ích của doanh nghiệp và người dân

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn Đàm phán TPP của Việt Nam, cho rằng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế sẽ có những ngành bị thu hẹp sản xuất do đó phải tạo cơ hội việc làm ở ngành khác để tránh các vấn đề xã hội phát sinh. Nếu chúng ta có quan hệ thương mại với châu Âu, Hoa Kỳ thì có cơ hội xuất khẩu, có cơ hội sản xuất và sẽ giải quyết vấn đề lao động dư thừa.

Bà Silvia Hernández, chuyên gia USAID, nguyên Bộ trưởng Du lịch Mexico, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực ký kết FTA. Bà cho rằng quan trọng nhất là phải đặt lợi ích dân làm trọng tâm, ta phải có thể chế cho người dân nói lên tiếng nói của mình, phải có khả năng thu thập thông tin về mong muốn của người dân.

Bà khẳng định “khi quyết định ký kết FTA thì ta phải đảm bảo tư thế sẵn sàng, ta phải biết thị trường mới như thế nào, có chương trình đảm bảo cho các DN tham gia cuộc chơi. DN cần bộ công cụ để tăng tính cạnh tranh, DN không cần tài chính, không cần ưu đãi đâu”.

Bà chia sẻ một kinh nghiệm: Sau 20 năm Mexico vẫn thấy nhiều công ty tụt hậu, tìm hiểu mới biết “không phải vì DN không có kỹ năng, năng lực, dù chúng tôi từng tưởng vậy, mà vấn đề là do chúng tôi đã không kêu gọi họ tham gia ngay từ đầu”.

Doanh nghiệp phải chủ động

“Việc ký kết các hiệp định là vì DN chứ không vì chính phủ. Vậy làm sao để các hiệp định sát hơn với lợi ích của DN? Phải “lôi” DN tham gia tích cực vào” - bà Silvia Hernández khẳng định.

Bà chia sẻ kinh nghiệm của Mexico trong việc lập một “phòng bên cạnh”. Đây là căn phòng gồm các lãnh đạo DN, đại diện các lĩnh vực sản xuất trong nước đi cùng chính phủ đến trụ sở đàm phán nhằm hỗ trợ các nhà đàm phán. Phòng này đưa ra đáp án cho các câu hỏi phát sinh khi thương thuyết cũng như phản hồi đối với những đề xuất bất ngờ mà bên kia đưa ra.

“DN biết rõ về mình hơn chính phủ. Vì vậy sự tham gia của thành phần này vào quá trình đàm phán là vô giá. DN được cập nhật diễn biến đàm phán, tham gia tích cực vào đàm phán chứ không chỉ nhận các thông tin chung chung, đơn giản về các hiệp định. Nhờ vậy họ có cảm giác FTA là hiệp định của riêng họ” - bà lưu ý.

Thế nhưng có vẻ DN Việt Nam chưa mặn mà với các FTA.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế, kể rằng: “Khi chúng tôi mời DN góp ý, DN nói thôi, chúng tôi lo tìm bạn hàng chứ chính sách thương mại quốc tế thì “gái góa không nói chuyện triều đình”. Năn nỉ họ vẫn từ chối! Đây là lần đầu tiên Hiệp hội Dệt may đi theo đoàn đàm phán, các ngành khác vẫn chưa tích cực. Tôi còn nhớ có người bảo: “Lo gì, gà Úc, bò Úc bở lắm, ăn không chắc thịt bằng gà ta, không hợp khẩu vị đâu, có nhập vào cũng không lo”! Xin thưa, đứng trước giá rẻ, dân ta sẽ đổi khẩu vị!”.

Quỳnh Như

Căng kéo đàm phán

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, được mời tham gia đàm phán từ phiên 17, nay đã đến phiên 20. Ông chia sẻ một số thông tin liên quan đến cuộc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ví dụ trong đàm phán, có lần đưa ra nội dung cấm sử dụng lao động trẻ em trong sản xuất hàng xuất khẩu, nếu một DN vi phạm thì cả ngành bị vạ lây. Ta phải đàm phán là nếu quy định thế này thì chả cơ quan nào dám đi kiểm tra, xử lý DN cả, vì phát hiện một vi phạm sẽ làm ảnh hưởng cả ngành. Cuối cùng họ chịu bỏ nội dung này. Có những nội dung mà người ta rất cương quyết. Ví dụ, họ quy định bộ nào làm chính sách thì không được quản DN. Họ nói với tôi “không thể chấp nhận được Bộ Công Thương vừa làm chính sách công thương lại vừa quản một nhóm DN ngành công thương”. Đừng than khó! Khó mấy các anh cũng phải làm! - ông Tuyển nhắc lại.

Phải khảo sát DN trước

Theo bà Silvia, khi khảo sát DN, Mexico thấy rằng một số ngành công nghiệp đã sẵn sàng chuyển đổi và hào hứng kêu gọi: “Ký FTA đi, ký đi”. Trong khi có ngành sản xuất khác lại bảo: “Chờ đi, chúng tôi chưa đáp ứng được yêu cầu của FTA” và mất 20 năm sau những ngành này mới theo kịp. Khi tham gia FTA, Mexico có lộ trình cho từng ngành, ngành thì hai năm, ngành năm năm, ngành 10 năm. Bà nhấn mạnh việc phải có kế hoạch dài hạn, phải có lộ trình, biết ngành nào cần nhiều thời gian chuẩn bị.

Đặc biệt khi đàm phán là phải “biết người, biết ta”. Ví dụ: Khảo sát hệ thống siêu thị Hoa Kỳ để nhìn ra chúng ta có thể bán cái gì thành công, bán cà chua được không. Nếu cà chua của chúng ta đỏ, ngon, ngọt mà rẻ hơn cà chua Mỹ thì ta “chơi”. Bây giờ trong siêu thị Mỹ có rất nhiều nông sản Mexico, chúng tôi thành công! Trong cuộc chơi, chúng tôi cũng khôn khéo hơn, tính toán hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng từng có những bài học cay đắng. 20 năm trước chúng tôi từng lỡ nhịp khi có chủ nghĩa dân tộc muốn đóng cửa kinh tế. Chúng tôi ước gì chúng tôi mở cửa cách đây 20, 30, thậm chí 50 năm.

Năm hiệp định ta đang đàm phán:

- Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước ở hai bờ Thái Bình Dương

- FTA Việt Nam - EU;

- FTA Việt Nam - Liên minh thuế quan Nga, Kazactan, Belarut;

- FTA Việt Nam - Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu;

- Hiệp định mậu dịch tự do Asean+6 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ, Úc, New zealand).


pháp luật tphcm

Các tin tức khác

>   Hơn 40 doanh nghiệp Nhật Bản đến ĐBSCL xúc tiến đầu tư (18/04/2014)

>   Doanh nghiệp ngừng sản xuất vì hàng chậm thông quan (18/04/2014)

>   1,3 triệu tỷ đồng đi vay đang được quản thế nào? (17/04/2014)

>   TPHCM: Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh (17/04/2014)

>   Chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra (17/04/2014)

>   Quỹ đầu tư Singapore dồn dập đổ vốn vào Việt Nam (17/04/2014)

>   AEC là chìa khóa để Việt Nam giảm gánh nặng nhập siêu (17/04/2014)

>   Triển vọng hợp tác dệt may giữa TP.HCM và Mông Cổ (17/04/2014)

>   Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo sơ kết Nghị quyết T.Ư 6 khóa X tại các tỉnh Miền Trung (17/04/2014)

>   SBIC xin miễn thuế, Vinalines xin “xóa” bớt tàu cũ (17/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật