Nga ra điều kiện hỗ trợ tài chính cho Ukraine
Nga sẵn sàng đàm phán về giúp đỡ tài chính cho Ukraine, với điều kiện Kiev công nhận việc Crimea gia nhập Nga. Tuyên bố này được Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov đưa ra trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC.
* Đụng độ đẫm máu giữa cảnh sát và người biểu tình Ukraine
Trong cuộc trao đổi này, ông Siluanov phủ nhận quan điểm cho rằng, Nga đang tìm cách gây sức ép với Chính phủ lâm thời ở Kiev bằng cách tăng giá khí đốt mà tập đoàn quốc doanh Nga Gazprom bán cho Ukraine.
Căng thẳng ở miền Đông Ukraine đã gia tăng mạnh vào cuối tuần vừa rồi với những cuộc đụng độ gây thương vong giữa các lực lượng thân Nga và phương Tây
|
“Chúng tôi cần thực thi các nghĩa vụ trên hợp đồng. Nếu ai đó cho rằng đây là một sự thông đồng [giữa Moscow và Gazprom], thì tôi không đồng tình”, ông Siluanov nói bên lề cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại thủ đô Washington của Mỹ ngày 13/4.
Theo ông Siluanov, có một vài điều kiện mà Nga đưa ra cho việc hỗ trợ Ukraine về tài chính.
“Các điều kiện này bao gồm cải cách hiến pháp lẽ ra đã phải được thực thi ở Ukraine. Bầu cử tổng thống theo hiến pháp mới, công nhận kết quả trưng cầu dân ý ở Crimea, và giải pháp hòa bình cho tình hình ở miền Đông Ukraine”, người đứng đầu Bộ Tài chính Nga nói.
Năm ngoái, Nga đã bắt đầu một chương trình hỗ trợ tài chính cho Ukraine. Tuy nhiên, chương trình này đã bị ngừng lại sau khi Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bị lật đổ vào tháng 2 vừa rồi.
Tại cuộc họp của IMF, Chủ tịch Ngân hàng Trưng ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đã cảnh báo nguy cơ “rủi ro chính trị” mà cuộc khủng hoảng ở Ukraine đặt ra cho khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone).
Căng thẳng ở miền Đông Ukraine đã gia tăng mạnh vào cuối tuần vừa rồi với những cuộc đụng độ gây thương vong giữa các lực lượng thân Nga và phương Tây.
Phương Tây cho rằng, quân Nga đang tập trung đông ở biên giới Ukraine và sẵn sàng tiến vào nước này bất kỳ lúc nào.
Hiện Chính phủ lâm thời của Ukraine đã đạt một thỏa thuận viện trợ với IMF, với tổng giá trị từ 14-18 tỷ USD. Tuy nhiên, gói cứu trợ này đến nay vẫn chưa được giải ngân.
Ông Tim Ash, người phụ trách mảng nghiên cứu thị trường mới nổi tại ngân hàng Standard Bank, những diễn biến vào cuối tuần vừa rồi ở Ukraine là “thực sự đáng lo ngại”.
“Mối đe dọa rõ ràng nhất lúc này là phương Tây có thể áp thêm lệnh trừng phạt lên Nga. Nhiều cá nhân, ngân hàng và doanh nghiệp của Nga có thể bị bổ sung vào danh sách trừng phạt”, ông Ash nhận định.
Kể từ khi khủng hoảng Ukraine nổ ra, giới đầu tư quốc tế đã rút gần 70 tỷ USD tại Nga do lo ngại xung đột sẽ leo thang lên những nấc cao hơn.
Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Siluanov nói với CNBC rằng: “Thị trường đã đánh giá sai về nước Nga”.
Diệp Vũ
vneconomy
|