Coi chừng bẫy nhiên liệu giá rẻ
Khi khủng hoảng chính trị nổ ra, Ukraine đã quay sang cầu cứu phương Tây để ngăn chặn quân đội Nga. Giờ Ukraine lại quay sang châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) một lần nữa để xin được giúp đỡ. Lần này là vì gói cứu trợ trị giá 15 tỉ USD. Hàng năm trời, các cuộc thương lượng với IMF đều rơi vào bế tắc chỉ vì một lý do: Ukraine chi 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào việc trợ cấp khí đốt cho người tiêu dùng. IMF muốn Ukraine phải cắt khoản trợ cấp này xuống 1/3 thì mới xét đến chuyện cho vay.
Trợ cấp nhiên liệu tính theo tỉ lệ phần trăm GDP năm 2011.
|
Violetta Viktorova, một bác sĩ tại thủ đô Kiev, cho biết nếu Chính phủ Ukraine làm theo yêu cầu của IMF, chi phí sinh hoạt của gia đình cô sẽ tăng. “Vợ chồng tôi chỉ sống nhờ tiền lương. Giá cả tăng sẽ khiến đời sống chúng tôi gặp khó khăn”. Cũng vì lý do này Ukraine chưa đồng ý với điều kiện của IMF.
Việc giữ giá nhiên liệu ở mức thấp bằng cách trợ cấp là biện pháp nhiều nước đang phát triển áp dụng. Trợ cấp có thể dưới hình thức đặt ra mức trần về giá để ngăn các công ty xăng dầu tính giá quá cao, hoặc dưới dạng một khoản ưu đãi về thuế dành cho nhà sản xuất dầu mỏ trong nước. Dù là hình thức nào thì chính phủ cũng phải bù tiền cho khoản chênh lệch giá.
Mục đích của trợ cấp nhiên liệu là kiềm chế lạm phát và giúp người dân, nhất là người nghèo, khỏi bị biến động giá năng lượng thế giới tác động. Tuy nhiên, trợ cấp lại rất tốn kém vì ăn vào ngân sách quốc gia. Trong khi đó, người hưởng lợi từ chính sách trợ cấp chủ yếu là công dân giàu có. Trợ cấp cũng khiến cho ngân sách quốc gia dành cho giáo dục và cơ sở hạ tầng bị thu hẹp. Thực tế này đang làm giảm tính hiệu quả của chính sách trợ cấp nhiên liệu. Không chỉ vậy, nó còn làm méo mó quy luật cung cầu thị trường, không khuyến khích việc đầu tư vào năng lượng thay thế hoặc tìm kiếm mỏ nhiên liệu hóa thạch.
“Đó là một chính sách thất bại. Nhưng nhiều nước vẫn áp dụng”, Fatih Birol, chuyên gia kinh tế trưởng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhận xét. Chính sách trợ cấp vẫn có đất sống vì như giới chính trị Ukraine cũng hiểu rõ, xóa bỏ trợ cấp có nghĩa người dân sẽ bị ảnh hưởng tức thì từ việc giá tăng và sự ủng hộ dành cho Chính phủ sẽ giảm mạnh, đôi khi còn dẫn đến bất ổn xã hội.
Theo IMF, trợ cấp của các chính phủ dành cho sản phẩm xăng dầu, điện, khí đốt và than đá đã lên tới 1.900 tỉ USD, tương đương 2,5% GDP toàn cầu năm 2011. Con số này bao gồm chi phí thiệt hại do việc trợ cấp nhiên liệu gây ra cho ngành y tế công, môi trường và cơ sở hạ tầng. Nếu trừ đi các chi phí này, các nước vẫn phải bỏ ra 480 tỉ USD mỗi năm cho các khoản trợ cấp, tương đương 0,7% GDP toàn cầu. Những nước trợ cấp nhiều chủ yếu nằm ở Trung Đông, châu Á, Trung Âu và các nước thuộc Liên bang Xô Viết cũ. Nước trợ cấp khí đốt nhiều nhất là Uzbekistan, lên tới 26% GDP. Trong khi đó, Mỹ, nước trợ cấp lớn nhất trong số các quốc gia phát triển sau Luxembourg, thì trợ cấp giá khí đốt và diesel chỉ ở mức 2% GDP.
Số tiền trợ cấp đã tăng mạnh khi giá năng lượng leo thang từ giữa thập niên 2000, giai đoạn diễn ra cuộc chiến khí đốt (2004-2009). Tại Ukraine, chẳng hạn, trợ cấp đã tăng 40% kể từ năm 2007 (năm IEA bắt đầu theo dõi việc trợ cấp). Khi các nước đang phát triển tăng trợ cấp để bắt kịp giá năng lượng thế giới, IMF, Ngân hàng Thế giới và IEA đã lo ngại và đặt mục tiêu giảm trợ cấp như một ưu tiên.
Trong khi các tổ chức quốc tế xem chính sách trợ cấp nhiên liệu là mối đe dọa thì chính phủ các nước thích gọi chúng là các chương trình xã hội. Thế nhưng, phần lớn các khoản trợ cấp này lại không đến tay người nghèo. Theo IMF, 61% lợi ích từ khoản trợ cấp xăng rơi vào tay 20% người dân giàu nhất (những người có sở hữu ôtô). Con số này có thấp hơn một chút đối với khí đốt và diesel.
Ai Cập hiện dành ra 9% GDP cho việc giữ giá xăng ở mức thấp. Ông Ramadan Mohamed, một người bán táo rong ở thủ đô Cairo, cho rằng sẽ tốt hơn nếu dành số tiền trợ cấp xăng này cho chăm sóc y tế và giáo dục. Đó cũng là điều mà IMF và Ngân hàng Thế giới cho là nên làm.
Theo ông Birol của IEA, chính sách trợ cấp cũng có hiệu quả kém. “Nếu có một thứ rẻ hơn nhiều, chúng ta có xu hướng sử dụng nó một cách lãng phí”, ông nói. Ông dẫn chứng các nhà máy điện ở Bắc Phi và Trung Đông đều chạy bằng xăng dầu được trợ cấp. Đó là một sự phung phí. “Việc dùng dầu mỏ để sản xuất ra điện là không kinh tế. Nó giống như chúng ta dùng nước hoa Chanel để làm nhiên liệu chạy xe ôtô”, ông nhận xét.
Trợ cấp cũng không khuyến khích việc đầu tư vào nguồn năng lượng thay thế và tìm kiếm mỏ dầu. Petrobras, công ty dầu mỏ quốc doanh của Brazil, đã phải mua xăng dầu ở nước ngoài và bán lại trong nước với mức giá giảm 15% so với giá mua. Điều này đã gây ra các khoản lỗ, khiến công ty này gặp khó khăn trong việc phát triển mỏ dầu mới.
Chính sách trợ cấp cũng khiến nhà sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol của Brazil khó lòng mà cạnh tranh được. Khoản đầu tư vào việc sản xuất ethanol đã giảm mạnh kể từ mức đỉnh vào năm 2008. Chính sách này “cần phải được chấm dứt vì nó gây ra nhiều vấn đề hơn là giải pháp”, Adriano Pires, Giám đốc của Trung tâm Cơ sở hạ tầng Brazil, nói.
Cũng vì nhận thấy mặt trái của chính sách trợ cấp, một số quốc gia đã bắt đầu cắt giảm dần các trợ cấp. Năm ngoái, IMF đã công bố danh sách cải cách trợ cấp năng lượng do các nước thực hiện kể từ thập niên 1990. Trong số 22 nỗ lực cải cách, IMF cho biết có 12 chương trình cải cách thành công. Năm 2012, Nigeria đã giảm trợ cấp xăng dầu từ 4,7% GDP xuống còn chỉ 3,6%. IMF xem đây là thành công một phần. Kế hoạch ban đầu - xóa bỏ hoàn toàn trợ cấp - của nước này đã vấp phải phản đối; hàng triệu người kéo ra đường đình công suốt 1 tuần lễ.
Điều éo le là mặc dù người nghèo hưởng lợi ít nhất từ các khoản trợ cấp năng lượng nhưng họ lại bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc cắt giảm trợ cấp. Tuy nhiên, chấp nhận nỗi đau ban đầu lại có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho ngân sách eo hẹp của các quốc gia.
Theo IMF và IEA, để cắt bỏ trợ cấp, cần có những bước đi ban đầu. Trước hết là không nên tiếp tục che giấu công chúng chi phí trợ cấp. Brazil và Ukraine, chẳng hạn, đã giấu chi phí trợ cấp vào sổ sách của các công ty dịch vụ công ích. Theo Birol, nên ghi rõ chi phí trợ cấp vào một hạng mục riêng trong ngân sách, để người dân hiểu rõ mặt trái của chính sách (người tiêu dùng thường chỉ thấy mỗi mặt lợi ích của chính sách trợ cấp). IMF cũng khuyến nghị xác định rõ ai là người sẽ bị ảnh hưởng bởi việc cắt trợ cấp và đưa ra biện pháp hỗ trợ để họ không bị sốc khi trợ cấp bị cắt giảm.
Một báo cáo vào năm ngoái của IMF đã dẫn chứng việc cải cách trợ cấp nhiên liệu năm 2010 của Iran. Nước này đã tung ra một chiến dịch thông tin, giải thích rõ những thay đổi về chính sách lẫn lộ trình cắt giảm trợ cấp và chuyển đổi trợ cấp sang hình thức giao tiền mặt trực tiếp cho người dân, vì tiền mặt không làm méo mó giá năng lượng như chính sách trợ cấp.
Tại Kiev, bác sĩ Violetta Viktorova cho biết cô hy vọng nếu Chính phủ giảm trợ cấp nhiên liệu thì sẽ tăng lương để bù cho việc xăng dầu tăng giá.
Đàm Hoa
Nhịp cầu đầu tư
|