Mỹ ra đòn trừng phạt thứ ba với Nga
Washington tuyên bố đóng băng tài sản và cấm visa đối với 7 nhân vật của Nga được cho là có quan hệ gần gũi với Tổng thống Vladimir Putin, đồng thời trừng phạt 17 công ty của nước này nhằm đáp trả những hành động của Moscow ở Ukraine.
* Nhóm G-7 nhất trí áp đặt trừng phạt mới đối với Nga
* Doanh nghiệp phương Tây ở Nga lo bị trả đũa
Tổng thống Nga Vladimir Putin
|
Hãng tin Reuters cho biết, lệnh trừng phạt nói trên được Chính phủ Mỹ công bố ngày 28/4. Với động thái này, Tổng thống Barack Obama muốn buộc ông Putin phải dừng việc “tiếp tay” cho các cuộc nổi loạn ở miền Đông Ukraine - một cáo buộc mà đến nay điện Kremlin vẫn một mực phủ nhận.
Trong số những nhân vật lĩnh đòn trừng phạt lần này của Nhà Trắng có Igor Sechin, người đứng đầu tập đoàn năng lượng quốc doanh Rosneft. Giá cổ phiếu của Rosneft đã giảm gần 2% sau khi lệnh trừng phạt được tuyên bố.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Nga hôm qua chỉ giảm khoảng 1% do giới đầu tư cho rằng, các lệnh trừng phạt mà Mỹ tung ra lần này không mạnh như dự báo. Trước đó, có tin cho rằng, Mỹ có thể trừng phạt ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Theo các quan chức ngoại giao, Liên minh Châu Âu (EU) sẽ công bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga trong ngày hôm nay (29/4), với danh sách trừng phạt gồm 15 quan chức Nga và Ukraine. Tuy nhiên, EU có nhiều thứ để mất hơn Mỹ trong việc trừng phạt Nga, vì Nga là nhà cung cấp năng lượng chính và đối tác thương mại lớn của khối này.
“Sự tham gia của Nga vào những hoạt động bạo lực gần đây ở miền Đông Ukraine là không thể phủ nhận”, tuyên bố của Nhà Trắng có đoạn viết.
Giới chức Mỹ và châu Âu nói rằng, Washington và Brussels kiềm chế trừng phạt các ngành kinh tế của Nga như năng lượng, ngân hàng và quốc phòng vì lo ngại sự “phản đòn” và những biện pháp như vậy có thể xói mòn những nỗ lực ngoại giao nhằm thuyết phục Nga đưa tình hình Ukraine trở lại ổn định.
Hôm qua, các phần tử nổi dậy có vũ trang đã chiếm thêm các tòa nhà công quyền tại một thị trấn khác ở miền Đông Ukraine, gần với “căn cứ” chính của phe nổi dậy là Slaviansk. Tại Slaviansk, 6 quan sát viên châu Âu đã bị phe nổi dậy giữ làm con tin từ thứ Sáu tuần trước.
Trong khi đó, tại Kharkiv, thành phố lớn nhất ở miền Đông Ukraine, viên thị trưởng phải nhập viện sau khi bị bắn trong một vụ ám sát bất thành. Hiện chưa rõ động cơ của vụ ám sát này là gì.
Trong tuyên bố về trừng phạt Nga, Nhà Trắng cho biết sẽ từ chối cấp giấy phép xuất khẩu bất kỳ sản phẩm công nghệ cao nào có thể hỗ trợ cho năng lực quân sự của Nga, đồng thời sẽ thu hồi bất kỳ giấy phép xuất khẩu nào như vậy hiện có.
Đây là đợt trừng phạt thứ ba mà Mỹ áp lên Nga sau khi Nga chiếm Crimea và bị cho là tập trung quân ở biên giới Ukraine. Tất cả các lệnh trừng phạt đều nhằm vào cá nhân và doanh nghiệp.
Theo Tổng thống Mỹ, “mục tiêu ở đây không phải là nhằm vào cá nhân ông Putin. Mục tiêu là thay đổi những toan tính của ông ấy bằng cách cho thấy những hành động của ông ấy trong vấn đề Ukraine hiện nay có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Nga trong dài hạn”.
Cũng trong ngày hôm qua, Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc Ukraine tập trung lực lượng ở phía Đông Nam, sát với biên giới Nga. Trong khi đó, Kiev nói rằng, họ chỉ đang nỗ lực ngăn chặn các phần tử nổi loạn. Nga thì cho rằng, Ukraine có thể đang chuẩn bị cho việc “phá hủy toàn bộ các thành phố”.
Diệp Vũ
vneconomy
|