Luật phải để doanh nghiệp yên tâm làm ăn
Xác định việc cấm các ngành nghề kinh doanh đặc thù là cần thiết, nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng dự thảo luật Doanh nghiệp “cấm chặt quá” khiến nhà đầu tư gặp khó khăn, không phấn khởi và không thể yên tâm làm ăn.
Doanh nghiệp khởi sự kinh doanh còn mất nhiều thời gian, chi phí - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ QH, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông cho biết sau 9 năm thực thi, nhiều nội dung phát sinh tồn tại, bất cập, cản trở sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), do đó phải sửa luật cho phù hợp. Đặc biệt chi phí kinh doanh, thủ tục khởi sự, rủi ro của DN tham gia thị trường còn lớn. Cụ thể, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), để khởi sự kinh doanh các DN phải làm 10 thủ tục, mất 34 ngày, VN đang xếp hạng thứ 109/189 quốc gia về tiêu chí thành lập DN. Mức độ bảo vệ cổ đông của VN cũng đứng thứ 160/189 quốc gia.
Bảo đảm tính ổn định
Điểm đột phá nhất trong dự thảo lần này, theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT là việc tách biệt đăng ký thành lập DN và việc xin giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, dự thảo bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập DN như yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định. Tiếp tục đơn giản hóa và tạo thuận lợi hơn cho thành lập DN như đơn giản hóa nội dung giấy chứng nhận đăng ký, thực hiện đồng thời thủ tục đăng ký DN với thủ tục về đăng ký thuế, đăng ký lao động và bảo hiểm xã hội…
Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cũng tán thành với quy định trên. Theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, giấy chứng nhận đăng ký DN chỉ ghi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhằm giảm gây phiền hà cho DN. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của QH cũng đề nghị bổ sung quy định yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện việc tập hợp và công bố danh mục các ngành, nghề cấm kinh doanh; ngành, nghề kinh doanh có điều kiện một cách công khai, minh bạch, cập nhật đầy đủ, kịp thời. Mặt khác, phải bảo đảm tính ổn định của các danh mục này, hạn chế việc thay đổi đột ngột để các DN yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đánh giá trước kia sản xuất kinh doanh gặp nhiều cản trở, nay dự thảo đã giải phóng sức kinh doanh, cho DN được làm những gì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, ông Hùng băn khoăn vì chưa thấy luật đề cập tới các quy định chống gian lận, vi phạm pháp luật, lừa đảo.
“Các đồng chí xem giờ có ngành nghề nào không có hiện tượng này không. Cái gì lộn xộn gây phức tạp mình phải kiểm soát. Mình giải phóng, tạo thuận lợi cho mọi người làm ăn đó là quyền dân chủ nhất về kinh tế. Làm ăn là quyền tự do kinh tế, nếu cải thiện được là rất tốt”, Chủ tịch QH nói.
“Nhìn thấy hết” doanh nghiệp... ma
Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết để kiểm soát gian lận, luật sửa đổi bổ sung thêm nội dung công khai, minh bạch thông tin để các DN phải kiểm soát lẫn nhau. Ngoài ra, luật yêu cầu DN đăng ký kinh doanh phải tự chịu trách nhiệm thông tin về vốn, quản trị, nhân thân. “DN đã khai vào đăng ký kinh doanh thì phải chịu trách nhiệm với các đối tác và xã hội. Họ không nên nghĩ rằng khai vốn càng to càng có vị thế, bởi trước kia do xã hội hiểu chưa rõ. Sau này anh khai 100 tỉ đồng vốn điều lệ, anh phải có trách nhiệm với xã hội và đối tác là 100 tỉ. Nếu anh không có mà anh khai như vậy là gian lận trục lợi”, Thứ trưởng Đông khẳng định.
Một trường hợp khác theo ông Đông, để khắc phục tình trạng các công ty “ma” được thành lập quá nhiều hiện nay, Bộ KH-ĐT có hệ thống quản lý thông tin đăng ký kinh doanh trên mạng. “Một ông mở 30 - 40 DN ma hệ thống mạng sẽ chỉ ra ngay. Từ đó Tổng cục Thuế, ngân hàng... sẽ nhìn thấy hết. Các gian lận như vậy có thể kiểm soát được”, Thứ trưởng Đông cam đoan.
“Cấm tuốt, cấm chặt quá”
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt lưu ý các ngành nghề cấm DN kinh doanh. Theo đó, luật phải nói rõ tên của ngành cấm, còn các điều kiện cụ thể để văn bản dưới luật quy định. “Ít nhất khi ra luật này, doanh nhân phải biết ngành nào được làm, ngành nào không được làm”, ông Nguyễn Sinh Hùng lưu ý.
Dẫn ví dụ hoạt động kinh doanh bị cấm trong dự thảo như các hành vi gây phương hại đạo đức, thuần phong mỹ tục, hủy hoại môi trường... Chủ tịch QH lo lắng: “Trời đất ơi! Quy định thế này thì cấm tuốt, cấm chặt quá! Cấm thế này thì chết còn đâu nữa. Khi đã cấm tức là không cho làm, đã làm là vi phạm. Nhưng làm sao để minh bạch rõ ràng, luật phải để DN yên tâm, phấn khởi làm ăn”.
|
Tòa phải có trách nhiệm đối với bản án
Cho ý kiến về luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) sáng 21.4, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ QH nhất trí sau 4 năm thực thi, luật đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế, không phù hợp với thực tiễn. Do đó lần sửa đổi này phải tập trung xác định rõ quyền, nghĩa vụ của đương sự; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan...
Vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận vừa qua là tăng quyền hạn, trách nhiệm của tòa án đối với bản án, quyết định của mình nhận được sự đồng tình cao. Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, đa số ý kiến tán thành dự thảo luật về việc giao TAND ra quyết định đưa bản án ra thi hành. Đây là khâu cuối cùng của quá trình tố tụng thể hiện quyền lực tư pháp, làm cơ sở cho cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật. Quy định này vừa bảo đảm sự gắn kết trách nhiệm của TAND đối với bản án, quyết định của mình, đồng thời không gây ra xáo trộn lớn về tổ chức và thẩm quyền.
|
Anh Vũ
thanh niên
|