Vốn thoái khỏi doanh nghiệp Nhà nước không 'thoát' được ra ngoài
Trong số 4.161 tỉ đồng vốn mà các doanh nghiệp nhà nước đã "thoái" từ trước đến nay chỉ có 267 tỉ đồng được bán ra bên ngoài, còn lại 3.894 tỉ đồng là bán trong nội bộ. Ông Đoàn Hùng Viện, Phó Ban chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ cho biết con số này tại Hội thảo ‘Vai trò của thị trường vốn trong tái cấu trúc nền kinh tế’ tổ chức tại Quy Nhơn ngày 18-4.
“Bán trong nội bộ” có nghĩa vốn được thoái vẫn quanh quẩn trong khu vực nhà nước, chỉ chuyển từ sở hữu của đơn vị này qua đơn vị, cá nhân khác, như bán cổ phần cho tổ chức công đoàn của doanh nghiệp, các cổ đông là đơn vị nhà nước, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), người lao động, cổ đông nội bộ.
Tại một hội thảo mới đây tại TPHCM, ông Bùi Hoàng Hải - Vụ Quản lý phát hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết tổng giá trị vốn nhà nước tại DNNN được bán ra trên hai sở giao dịch HNX và HOSE cả năm 2013 là 1.340 tỉ đồng, với giá bình quân bằng 118% giá khởi điểm.
Cũng ông Viện cho biết, “Nhiều DNNN đã cổ phần hóa không thuộc diện Nhà nước cần chi phối nhưng vì không bán được cổ phần nên tiếp tục phải duy trì tỷ lệ vốn nhà nước cao, dẫn đến không đạt được mục tiêu đổi mới quản trị công ty và thu hút vốn từ bên ngoài cho phát triển doanh nghiệp.”
Ông Viện nói rằng kết quả cổ phần hóa và sắp xếp DNNN đạt rất thấp so với kế hoạch. Trong hai năm 2011-2012 chỉ cổ phần hóa được 25 doanh nghiệp. Việc cổ phần hóa tập đoàn và tổng công ty theo quyết định của Thủ tướng còn chậm, xử lý tài chính phát sinh trong cổ phần hóa lúng túng.
Quý I/2014 đã cổ phần hóa được 15 doanh nghiệp trong đó có 11 tổng công ty nhà nước. Tiến độ này đã nhanh hơn rất nhiều vì cả năm 2013 chỉ cổ phần hóa được 74 doanh nghiệp trong đó có 12 tổng công ty. Năm 2012 chỉ cổ phần hóa được 13 doanh nghiệp. Năm 2011 chỉ cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp bao gồm 4 tổng công ty.
Theo các Đề án đã phê duyệt, số doanh nghiệp cổ phần hóa còn lại trong 2 năm 2014-2015 là 432 doanh nghiệp, bình quân mỗi năm cần cổ phần hóa 216 doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ rất lớn và cần những đột phá mới có thể thực hiện được.
Tuy nhiên ông Viện nói đã có những bước đầu tích cực. Tháng 3 vừa qua, Chính phủ đã cho phép DNNN thoái vốn dưới mệnh giá sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư tài chính theo quy định. Đặc biệt, gần đây Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) đã chuyển sang công ty cổ phần được 28 doanh nghiệp và công ty đang tái cơ cấu tài chính thêm 11 DNNN nữa.
Số liệu của Văn phòng Chính phủ cho thấy hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa hoạt động hiệu quả hơn. Số liệu tổng hợp của 2.442 DN có thời gian hoạt động sau cổ phần hóa 1 năm trở lên cho thấy, doanh thu bình quân tăng 1,9 lần, lợi nhuận tăng 3,2 lần, nộp ngân sách tăng 2,5 lần, vốn điều lệ tăng 1,56 lần so với thời điểm đăng ký kinh doanh lần đầu.
Hồng Phúc
tbktsg
|