Lo thị trường tín dụng méo mó
Chuyên gia cảnh báo về vốn chảy vào trái phiếu chính phủ thay vì doanh nghiệp, trong đó có kinh tế tư nhân.
Ngày 24-4, tại lễ công bố báo cáo tổng quan về thị trường tài chính 2013 và triển vọng 2014, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về hiện tượng vốn không ra nền kinh tế mà chảy vào trái phiếu chính phủ, gây ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế.
Nhiều chuyên gia lo ngại hiện tượng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế
|
Theo các chuyên gia, từ năm 2013 đến nay doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, đồng thời bày tỏ lo ngại về tình trạng Nhà nước “chèn ép” doanh nghiệp tư nhân.
Vôn chảy vào trái phiếu chính phủ
Phát biểu tại buổi lễ, TS Lê Đăng Doanh đặt vấn đề từ năm 2013 đến nay, qua phát hành trái phiếu chính phủ, “Chính phủ đã huy động một lượng vốn khổng lồ của nền kinh tế. Như thế, Nhà nước có đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân hay không? Vấn đề này cần xem xét nghiêm túc” - ông Doanh đề nghị.
"Nếu tiền cho Chính phủ vay mà sử dụng kém hiệu quả và lại chèn lấn khu vực tư nhân thì tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế sẽ bị thu hẹp."
Ông NGUYỄN ĐÌNH CUNG
(quyền viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương)
|
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Đình Cung, quyền viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cũng yêu cầu cần phải xem xét cơ cấu tín dụng trong năm qua. Ngân hàng Nhà nước công bố tăng trưởng tín dụng năm 2013 đạt 12,5% nhưng tín dụng đi đâu, chảy vào trái phiếu chính phủ, vào khu vực doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân? Quan điểm của ông Cung cho rằng tiền cho Chính phủ hay bất cứ ai vay cũng vậy. Tuy nhiên, tiền cho Chính phủ vay thì sử dụng có hiệu quả hay không, có chèn lấn khu vực tư nhân hay không cần phải có đánh giá một cách cụ thể.
ông Vũ Viết Ngoạn, chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), cho rằng mục đích cuối cùng đầu tư vào nền kinh tế là làm thế nào cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, phải phát triển. Còn Nhà nước có chèn lấn khu vực tư nhân hay không cũng là một khía cạnh cần phải xem xét. Song, thực tế hiện nay chúng ta đang rơi vào một tình thế là tín dụng không ra được. Doanh nghiệp không vay được. Do đó, giải pháp bổ trợ cho nền kinh tế qua việc phải tăng đầu tư của khu vực nhà nước lên.
Trong báo cáo, NFSC nêu thách thức của năm 2014 là nền kinh tế phục hồi chậm, hạn chế sức hấp thu tín dụng. Song, ông Cung cũng cho rằng cần phải được đánh giá một cách khách quan khi cho rằng tín dụng không ra được vì khả năng hấp thụ vốn thấp. Liệu có những nơi có khả năng hấp thụ được vốn nhưng vốn lại không đến được không? Và ông cho rằng tín dụng đang bị méo mó, có vấn đề.
Đã xử lý được 106.000 tỉ đồng nợ xấu
Đánh giá về thị trường ngân hàng, ông Trương Văn Phước, phó chủ tịch NFSC, cho rằng đã có nhiều cải thiện. Riêng về nợ xấu, ông Phước cho biết: “Theo số liệu thống kê, giám sát mà NFSC thu thập được thì tỉ lệ nợ quá hạn có giảm từ mức 11,3% năm 2012 xuống 8,8% năm 2013. Năm qua chúng ta đã xử lý được 106.000 tỉ đồng nợ xấu, trong đó Công ty Quản lý nợ và tài sản tồn đọng mua hơn 40.000 tỉ đồng, còn 66.000 tỉ đồng được các ngân hàng xử lý từ nguồn trích lập dự phòng”.
Theo ông Phước, nợ xấu đã kiểm soát được và bước đầu giảm, nhất là vừa rồi khi Moody đánh giá tỉ lệ nợ xấu của VN tăng cao. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết nếu tính theo thông lệ quốc tế thì tỉ lệ nợ xấu của VN khoảng 9%. “Chúng tôi cũng có cách tính của mình và thấy nợ xấu của VN dao động quanh mức 9-10%. Tuy nhiên, tiến trình giải quyết nợ xấu cần nhiều thời gian, mức sinh lời giảm làm ảnh hưởng năng lực tài chính của các ngân hàng”.
TS Lê Đăng Doanh đặt vấn đề cần phải xem xét số nợ xấu mà Công ty Quản lý nợ (VAMC) mua sẽ được giải quyết như thế nào trong thời gian tới? Còn ông Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng nhận định tác động của việc xử lý nợ xấu qua VAMC vào nền kinh tế còn rất hạn chế. Việc xử lý nợ xấu qua VAMC thời gian qua bản chất là hạch toán (tức chuyển nợ xấu trên sổ sách từ ngân hàng sang cho VAMC - PV) mà thôi.
Tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 5,8%
Theo báo cáo tổng quan về thị trường tài chính năm 2013 và triển vọng năm 2014, tăng trưởng năm 2014 sẽ đạt 5,8%. Bởi đầu tư tư nhân trong nước được cải thiện do các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời thu hút vốn FDI khả quan với khả năng Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu được ký kết trong năm 2014.
Đặc biệt lạm phát trong năm 2014 vào khoảng 5% nếu không tính đến biến động giá lương thực, thực phẩm và điều chỉnh giá các hàng hóa cơ bản và dịch vụ công. Mục tiêu kiểm soát lạm phát được thuận lợi nhờ lạm phát tâm lý đang ổn định, xu hướng giảm giá hàng hóa thế giới... Tuy nhiên, những thách thức khó khăn vẫn còn khi động lực tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực nông nghiệp gặp khó khăn về đầu ra và giá, đặc biệt là mặt hàng gạo.
|
Lê Thanh
tuổi trẻ
|