Thứ Năm, 24/04/2014 09:54

Từ “kinh doanh trái phép” đến sở hữu chéo

Đầu tư tài chính, mà cụ thể là góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp là quyền của mọi tổ chức, cá nhân. Nếu việc mua này phải đăng ký và phải được cấp phép, có lẽ sẽ không ai mua cả.

Góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu là một hoạt động kinh doanh tài chính bình thường của doanh nghiệp cũng như của cá nhân. Việc cáo trạng buộc ông Nguyễn Đức Kiên bốn tội trong đó có tội “kinh doanh trái phép” khi ông này thông qua các công ty con để kinh doanh tài chính đang gây băn khoăn cho nhiều doanh nghiệp. Mặc dù hành vi của ông Kiên có thể dẫn đến việc thao túng thị trường trong những trường hợp cụ thể nhưng một khi luật chưa quy định thì không thể xử lý hình sự những hành vi không bị cấm.

Tập đoàn Dầu khí hiện vẫn đang nắm 20% cổ phần của Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu. Ảnh: Triệu Trùng Điệp

Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV) tuần trước cho biết họ đang đứng trước cơ hội thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và công ty chứng khoán của ngân hàng này là SHS. Cả hai cổ phiếu trên đều niêm yết trên HNX và đang được giao dịch quanh giá 10.000 đồng. TKV nhấn mạnh cổ phiếu SHB đã được trích lập dự phòng và ở mức giá 8.000 đồng là tập đoàn có thể thoái vốn.

Không thể cấm đầu tư tài chính

TKV, cũng như một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đã đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng - chứng khoán từ 6-7 năm trước trong khi không có chức năng đầu tư tài chính. Đầu tư vào các ngân hàng, công ty chứng khoán không được ghi trong giấy phép kinh doanh của các đơn vị trên. Nếu căn cứ vào nội dung giấy phép kinh doanh, rõ ràng một số tập đoàn, tổng công ty đã kinh doanh không đúng nội dung giấy phép được cấp.

Đầu tư tài chính, mà cụ thể là góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp (ngân hàng, công ty chứng khoán cũng là doanh nghiệp) là quyền của mọi tổ chức, cá nhân. Có thế, các đợt IPO doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước mới kêu gọi tất cả mọi người, không phân biệt thể nhân, pháp nhân, tham gia mua. Nếu việc mua này phải đăng ký và phải được cấp phép, có lẽ sẽ không ai mua cả.

Trên sàn, có không ít doanh nghiệp không hề đăng ký chức năng đầu tư tài chính, nhưng vẫn góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp khác. Mấy năm trước, khi xảy ra bất đồng quan điểm giữa các cổ đông ở Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS-Hose), một số công ty con của Tổng công ty Sông Đà đã mua cổ phiếu của SJS, qua đó gián tiếp nâng tỷ lệ cổ phần ủng hộ Tổng công ty Sông Đà lên vượt mức chi phối. Những công ty con đó đâu có chức năng đầu tư tài chính trong giấy phép đăng ký kinh doanh.

Góp vốn mua cổ phần, cổ phiếu, như vậy, là một hoạt động bình thường của doanh nghiệp cũng như cá nhân. Vấn đề này một lần nữa đang khiến dư luận băn khoăn khi tuần trước, thời điểm diễn ra vụ xử ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và sau đó hoãn lại, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kết luận các công ty của ông Kiên góp vốn, mua cổ phần là trái pháp luật.

Trên thực tế việc bầu Kiên thành lập các công ty sân sau, dùng các công ty này để vay vốn (thực chất là rút ruột) ngân hàng và sử dụng tiền vay để mua cổ phần của một số tổ chức tín dụng khác, là động thái thâu tóm ngân hàng bằng nguồn tiền ảo. Bằng tiền vay ở Ngân hàng ACB, các công ty của bầu Kiên đã mua cổ phiếu của Eximbank (EIB), Đại Á (DaiABank), Việt Nam Thương tín (Vietbank), Kiên Long (KienLongBank)... Đến lượt các cổ phiếu ngân hàng trên lại được thế chấp ở những ngân hàng khác nhau, tiền vay lại được dùng cho vòng quay mua cổ phiếu tổ chức tín dụng. Sở hữu chéo đã được nhân lên theo số vòng quay tiền ngân hàng mua cổ phiếu ngân hàng.

Tuy nhiên vào lúc bấy giờ không có văn bản pháp lý nào hạn chế, ngăn ngừa sở hữu chéo. Không có quy định nào cấm các ngân hàng nhận cầm cố, thế chấp cổ phiếu ngân hàng khác (trừ cổ phiếu của chính ngân hàng đó). Cổ phiếu ngân hàng A không được cầm cố, thế chấp vay vốn ở ngân hàng A, thì được cầm cố, thế chấp ở ngân hàng B. Ngân hàng B không có vốn cho vay dạng này, hoặc e ngại rủi ro ư? Không khó. Ngân hàng A sẽ cung cấp vốn dưới dạng tiền gửi lẫn nhau cho ngân hàng B, và ngân hàng B dùng tiền ấy để cho vay cầm cố, thế chấp cổ phiếu ngân hàng A. Những chiêu lách luật như thế, giới ngân hàng biết cả, các ông chủ ngân hàng lại càng nắm rõ, vì họ chính là người áp dụng chúng. Hiếm hoi mới có những ông chủ mà 100 đồng góp vốn vào ngân hàng, thì cả 100 đồng là tiền tươi thóc thật.

Vấn đề là bịt lỗ hổng bằng pháp luật

Đa số trong 100 đồng góp vốn, có 50 đồng đi vay. Tỷ lệ 50% tiền thật, 50% tiền ảo đã tiềm ẩn rủi ro, nhưng chưa phải nguy hiểm. Với một số ông chủ, tỷ lệ là 30% thật, 70% ảo, thậm chí 20% thật, 80% ảo, chẳng khác nào giao dịch ký quỹ “nóng” tại các công ty chứng khoán một số thời điểm và gây ra nạn “cháy” tài khoản, bỏ của chạy lấy người của nhà đầu tư. Song, “cháy” tài khoản chứng khoán chưa là gì xét về quy mô so với tiền thật - tiền ảo của giới chủ ngân hàng.

 Đầu tư tài chính, mà cụ thể là góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp là quyền của mọi tổ chức, cá nhân. Nếu việc mua này phải đăng ký và phải được cấp phép, có lẽ sẽ không ai mua cả.

“Ngân hàng thương mại không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu trên cơ sở đảm bảo dưới bất kỳ hình thức nào của tổ chức tín dụng khác hoặc trên cơ sở đảm bảo bằng cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác” - quy định tối quan trọng này vừa được đưa ra trong Dự thảo thông tư về giới hạn, tỷ lệ an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thay thế Thông tư 13 sắp được ban hành. Vì sao quy định này đã không được luật hóa sớm hơn, thí dụ vài ba năm trước?

Những quy định mới của dự thảo thông tư cho thấy sở hữu chéo bằng tiền ảo hoàn toàn có thể ngăn chặn bằng khung pháp lý. Tại sao lại phải đợi đến giai đoạn 2 tái cơ cấu ngân hàng, các quy định đó mới chuẩn bị được ban hành? Quan trọng hơn, một khi luật chưa quy định thì khó lòng xử lý hình sự các hành động xảy ra trước khi luật ra đời.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 28-2-2014 tổng vốn điều lệ của các ngân hàng cổ phần là 193.536 tỉ đồng (không tính các ngân hàng nửa quốc doanh như Vietcombank, VietinBank, BIDV, MHB). Chưa có một cuộc điều tra nào của cơ quan quản lý để chỉ ra bao nhiêu phần trăm trong số vốn điều lệ đó là tiền ảo, bao nhiêu là tiền thật và hiện tổng giá trị cổ phiếu ngân hàng được cầm cố, thế chấp ở các ngân hàng lớn, nhỏ thế nào. Giới quan sát phán đoán khoảng một nửa vốn góp vào ngân hàng cổ phần là tiền ảo. Mong rằng sự phán đoán này không chính xác!

Hải Lý

thời báo kinh tế sài gòn

Các tin tức khác

>   Nhịp đập Thị trường 24/04: Chưa thoát thế giằng co, khớp lệnh tụt dốc (24/04/2014)

>   Nông dân mua cổ phiếu và đại gia “chăn bò” (24/04/2014)

>   24/04: Bản tin 20 giờ qua (24/04/2014)

>   SBC: Quyết định đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo (23/04/2014)

>   HOSE làm lễ cất nóc Trung tâm Dữ liệu dự phòng (23/04/2014)

>   PTKT phiên chiều 23/04: MACD tiếp tục giảm dù thị trường hồi phục (23/04/2014)

>   PXS: Ký kết hợp đồng kinh tế (23/04/2014)

>   TMT: Giải thể công ty trực thuộc (23/04/2014)

>   Nhịp đập Thị trường 23/04: Thanh khoản ½ trung bình tháng, cổ phiếu đầu cơ bị bán tháo (23/04/2014)

>   23/04: Bản tin 20 giờ qua (23/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật