Cửa thoát hiểm cho Tân Hoàng Minh
Đã có nhiều hoài nghi về việc liệu Tân Hoàng Minh có đủ năng lực tài chính để triển khai các dự án bất động sản hạng sang hay không khi nhiều khu đất có vị trí đắc địa mà tập đoàn này sở hữu vẫn còn để trống. Việc kinh doanh dự án đầu tay là khu “căn hộ đế vương” D.’ Palais de Louis đã giậm chân tại chỗ một thời gian dài. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Tân Hoàng Minh buộc phải bán bớt dự án.
Năng lực tài chính đến đâu?
Cách đây hơn 1 năm, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh, từng tuyên bố Tập đoàn cũng không tránh khỏi khó khăn như những doanh nghiệp bất động sản khác trong lúc thị trường suy thoái. Điều ngạc nhiên là dù thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng đã 5 năm, nhưng Tân Hoàng Minh vẫn giữ được những khu đất có vị trí đắc địa nhất Thủ đô. Trong số này có khu đất 4.071 m2 tại ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm), 8.046 m2 tại số 2 Đặng Thai Mai và 2.808 m2 tại ngã ba Nguyễn Hoàng Tôn - Lạc Long Quân (quận Tây Hồ), 5.363 m2 bên hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và 4.791 m2 trên đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy). Ngoài ra, có một số dự án khác Tân Hoàng Minh vẫn theo đuổi suốt mấy năm qua.
Tình hình kinh doanh của D’. Palais de Louis (quận Cầu Giấy) vẫn giậm chân tại chỗ
|
Tân Hoàng Minh tự giới thiệu là bắt đầu chuyển mạnh sang đầu tư bất động sản từ năm 2006 nên có thể hiểu các khu đất này đều được thâu tóm vào thời điểm thị trường bất động sản bùng nổ, nghĩa là số tiền bỏ ra phải rất lớn. Trước đó, Tập đoàn chỉ kinh doanh taxi với thương hiệu Tân Hoàng Minh đình đám một thời. Số tiền bán lại xe taxi (có lúc lên đến 700 đầu xe) cũng không quá lớn để mua được một vài mảnh đất này.
Tân Hoàng Minh cũng sở hữu một nhà máy sản xuất mây tre đan xuất khẩu (với doanh số do Tập đoàn công bố là từ 3-5 triệu USD/năm) và kinh doanh một số khách sạn, tòa nhà văn phòng nhỏ tại TP.HCM và Hà Nội. Những mảng kinh doanh này không mang lại nguồn thu quá lớn để Tân Hoàng Minh có thể mua nhiều đất. Vì thế, năng lực tài chính để thâu tóm đất (chưa nói đến xây dựng) của Tân Hoàng Minh vẫn là một dấu hỏi.
Hơn 1 năm trước, trong lễ ký kết với các nhà cung cấp thiết bị cho dự án D’. Palais de Louis, ông Dũng cho biết Tân Hoàng Minh đã vay một ngân hàng lớn với khoản vay lên đến cả ngàn tỉ đồng, nhưng vẫn trả lãi đều đặn và số tiền lãi Tập đoàn đã trả lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Cũng tại lễ công bố dự án D’. Le Pont D’or vào tháng 10 năm ngoái, Tân Hoàng Minh đã ký kết với Ngân hàng BIDV Chi nhánh Thanh Xuân để tài trợ vốn cho việc phát triển dự án cũng như người mua nhà của dự án này. Như vậy, có thể hiểu, một phần tiền tài trợ cho các dự án bất động sản được Tân Hoàng Minh vay từ ngân hàng.
Mắc kẹt vì siêu sang
Trong số các dự án của Tân Hoàng Minh, dự án đầu tay khu “căn hộ đế vương” D’. Palais de Louis được coi là con át chủ bài để tạo danh tiếng. Dự án đang được xây dựng trên đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, với vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng.
Có thể thấy tham vọng của Tân Hoàng Minh khi bỏ ra số tiền lớn để mua đất, xây dựng đến tầng 6 rồi mới mở bán. Tuy nhiên, Tập đoàn đã không gặp thời khi tung ra bán đúng vào lúc thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng. Giới địa ốc cho rằng D’. Palais de Louis khó có thể bán được căn hộ với giá 115-120 triệu đồng/m2, bởi dùng số tiền này để mua biệt thự thì vẫn hơn.
Để kích thích sức mua, Tân Hoàng Minh đã công bố thêm 2 gói chào bán, từ 60-65 triệu đồng/m2 đối với căn hộ xây thô và 80-85 triệu đồng/m2 đối với căn hộ hoàn thiện cơ bản. Tuy nhiên, tình hình bán hàng không có tiến triển trong suốt 2 năm qua.
Không phải thị trường không có nhu cầu đối với căn hộ hạng sang, bởi theo ông Richard Leech, Giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam, căn hộ hạng sang nếu đáp ứng được tiêu chí “độc, đẹp, đỉnh”, tức là vị trí khó kiếm, chất lượng xây dựng cao, nâng cao địa vị xã hội của chủ sở hữu thì vẫn có thể bán được.
Hoàng Thành Tower ở đường Mai Hắc Đế, quận Hoàn Kiếm là một ví dụ. Dự án này có giá bán 80-100 triệu đồng/m2 mà vẫn có người mua. Nếu xét tiêu chí do ông Richard Leech đưa ra, D’. Palais de Louis có thể đáp ứng được 2 yếu tố sau, nhưng yếu tố đầu tiên là vị trí thì lại không.
Ngoài vị trí “độc”, muốn bán được căn hộ siêu sang, chủ đầu tư phải hoàn thiện xây dựng để khách hàng có thể mục sở thị đẳng cấp của dự án. D’. Palais de Louis có căn hộ mẫu hào nhoáng, nhưng thực tế dự án như thế nào thì vẫn phải chờ.
Ở một góc nhìn khác, có ý kiến cho rằng cũng may là Tân Hoàng Minh mới chỉ triển khai xây dựng 2 dự án, chứ nếu đầu tư dàn trải trên các khu đất còn lại thì chưa biết sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn như thế nào.
Đổi át chủ bài
Có vẻ như Tân Hoàng Minh đã không còn đặt nặng việc đẩy nhanh tiến độ thi công D’. Palais de Louis để có thể giao nhà vào giữa năm nay như đã công bố. Công trường xây dựng dự án này hầu như vắng lặng suốt 1 năm qua. Cho đến nay, Dự án chỉ mới xây xong phần khung bê tông và cất nóc và không có dấu hiệu nào cho thấy Tân Hoàng Minh đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thiện dự án.
Với tiến độ thi công cầm chừng cùng những khó khăn trong việc hoàn thiện một dự án siêu sang có nhiều chi tiết dát vàng, ít nhất cũng phải mất 1,5-2 năm nữa Dự án mới có thể được hoàn thiện. Đó là chưa kể đến việc Tân Hoàng Minh sẽ phải bỏ ra thêm một số tiền không nhỏ để hoàn thiện dự án theo tiêu chuẩn siêu sang. Phát triển tiếp dự án này như thế nào là bài toán hóc búa đối với Tân Hoàng Minh vì triển vọng kinh doanh bất động sản siêu sang vẫn chưa sáng sủa.
Hiện tại, Tân Hoàng Minh đang dốc sức vào một dự án khác là D’. Le Pont D’or. Nhưng dự án này không còn được gắn mác “siêu sang” nữa mà chỉ là “căn hộ cao cấp”. Khi tình hình kinh doanh của D’. Palais de Louis vẫn giậm chân tại chỗ, D’. Le Pont D’or có thể là cửa thoát hiểm cho Tân Hoàng Minh, bởi dự án này được bán với giá từ 31-35 triệu đồng/m2 đối với căn hộ xây thô.
Trước đây, những căn hộ có mức giá này khó bán, nhưng nửa năm trở lại đây, lại bán khá chạy. Hơn nữa, D’. Le Pont D’or gần như là dự án căn hộ cao tầng cuối cùng được xây dựng ở 4 quận nội thành của Hà Nội, nên sẽ ít lo bị cạnh tranh và có thể khai thác được nhu cầu lớn đối với căn hộ ở khu vực đông dân cư nhất Thủ đô.
Tuy nhiên, D’. Le Pont D’or có bán được hay không lại phụ thuộc vào việc Tân Hoàng Minh có lấy được lòng tin của người mua nhà, bởi hàng ngàn khách hàng tại Hà Nội đã mắc kẹt ở nhiều dự án căn hộ cao cấp bị đình trệ hoặc không thể xây dựng do chủ đầu tư thiếu vốn. Trong khi đó, lòng tin của khách hàng hiện nay được “xây dựng” bằng tiến độ thi công thực tế và đây cũng là điều Tân Hoàng Minh buộc phải chứng minh với dự án D’. Le Pont D’or.
Ngọc Sơn
nhịp cầu đầu tư
|