Công bố quy hoạch xây dựng vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030
Chiều 03/4, Bộ Xây dựng đã phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ công bố Quy hoạch xây dựng vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030 tại TP Yên Bái do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn chủ trì.
* TPHCM sắp công bố quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH
Tại buổi lễ, Bộ Xây dựng đã công bố Quyết định số 980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030
|
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch vùng trung du và miền núi Bắc bộ (TD&MNBB) gồm 14 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình và các huyện phía Tây hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, với tổng diện tích là 115.153,4 km2 chiếm 35% diện tích tự nhiên cả nước.
Đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc bộ.
Vùng TD&MNBB còn là vùng kinh tế tổng hợp, trong đó kinh tế cửa khẩu, thủy điện, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp đa ngành, nông - lâm nghiệp, du lịch là chủ đạo. Đồng thời cũng là vùng có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, gắn bó lâu đời, có bản sắc văn hóa dân tộc phong phú.
Hệ thống đô thị được phân bố hợp lý trên cơ sở 3 vùng không gian
Theo quy hoạch, vùng TD&MNBB được phân ra thành 3 vùng không gian phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng, là: Vùng biên giới Việt - Trung, vùng biên giới Việt - Lào và vùng trung du gò đồi. Mỗi vùng không gian gắn với phát triển các đô thị trung tâm vùng, cụm đô thị động lực với các cực tăng trưởng chủ đạo, có sự liên kết tầng bậc theo cấp, loại đô thị.
Hệ thống đô thị toàn vùng TD&MNBB đến 2030 được phân bố hợp lý trên cơ sở 3 vùng không gian. Trong đó, vùng biên giới Việt – Trung có khoảng 82 đô thị, vùng biên giới Việt – Lào có khoảng 76 đô thị và vùng trung du gò đồi có khoảng 120 đô thị.
Đến năm 2020, tổng số đô thị toàn vùng đạt khoảng 216 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại I, 9 đô thị loại II, 6 đô thị loại III, 39 đô thị loại IV và 160 đô thị loại V.
Đến năm 2030, tổng số đô thị toàn vùng đạt khoảng 278 đô thị, trong đó, đô thị loại I là 4 đô thị, loại II là 10 đô thị, loại III là 5 đô thị, loại IV là 52 đô thị và loại V là 207 đô thị.
Dự báo năm 2020 quy mô dân số toàn vùng khoảng 15,11 triệu người, dân số đô thị khoảng 5,195 triệu người, tỉ lệ đô thị hóa khoảng 34,4%.
Đến năm 2030 quy mô dân số toàn vùng tăng lên khoảng 16,807 người, dân số đô thị khoảng 6,681 người, tỉ lệ đô thị hóa khoảng 39,8%.
Ngoài ra, quy hoạch cũng đưa ra các định hướng phát triển điểm dân cư nông thôn, định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, định hướng phát triển các vùng nông, lâm nghiệp vàđịnh hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng như: giao thông, cấp thoát nước, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang, định hướng về bảo vệ môi trường…
Đề xuất cơ chế chính sách phát triển vùng
Để việc thực hiện đồ án quy hoạch đạt kết quả cao, ngoài việc đưa ra các chương trình dự án ưu tiên đầu tư theo từng giai đoạn, Bộ Xây dựng đã đề xuất một số cơ chế chính sách trong phát triển vùng như: Chính sách kiểm soát phát triển vùng, chính sách kiểm soát đầu tư xây dựng, chính sách kiểm soát đất đai, chính sách tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, chính sách tạo và phân bổ vốn.
Cụ thể, chính sách kiểm soát phát triển vùng sẽ kiểm soát sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi lao động và phân bố cơ cấu dân cư hợp lý. Đồng thời kiểm soát việc hình thành và phát triển các khu đô thị, khu kinh tế, công nghiệp, du lịch dịch vụ... phù hợp với quy hoạch phát triển.
Chính sách kiểm soát đầu tư xây dựng yêu cầu các địa phương trong vùng có lựa chọn đầu tư hợp lý, đúng hướng, đúng tính chất mục đích, đầu tư xây dựng có hiệu quả, tránh tình trạng giữ đất, đầu tư sai tính chất, mục đích, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý thực hiện quy hoạch, phá vỡ quy hoạch.
Việc sử dụng đất đai cho phát triển sẽ phải thực hiện theo quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho vùng, Bộ Xây dựng cũng đề xuất cần có chính sách ưu đãi đầu tư từng khu vực đặc thù, tạo điều kiện xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ và xã hội, có hành lang pháp lý công khai, rõ ràng, minh bạch, hỗ trợ nhà đầu tư về mặt thủ tục để dễ dàng trong việc triển khai xây dựng, quản lý, khai thác.
Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất chính sách tạo và phân bổ vốn nhằm đa dạng nguồn vốn, phân bổ đầu tư hợp lý theo từng khu vực đặc thù để có chính sách thích hợp, có chương trình đặc biệt thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Sau khi bàn giao hồ sơ Quy hoạch cho đại diện các địa phương Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đề nghị các ban ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan chủ động triển khai và phối hợp triển khai một cách đồng bộ, tập trung và thống nhất từ Trung ương tới địa phương.
Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương cần sớm Công bố Đồ án Quy hoạch và đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân để tạo sự đồng thuận cao; xây dựng tính đặc thù cho từng vùng đô thị gắn liền với nền văn hóa vùng miền; hạn chế khai thác tài nguyên, bảo vệ nguồn tài nguyên dự trữ quốc gia, bảo vệ rừng và nước đầu nguồn…
Trong quá trình thực hiện Đồ án, nếu có vấn đề gì chưa phù hợp, các địa phương cần sớm đề xuất, báo cáo để Bộ Xây dựng tổng hợp lại và trình Chính phủ để điều chỉnh cho phù hợp.
Phạm Bùi
xây dựng
|