Choáng với giá thực của bản quyền truyền hình World Cup 2014 tại Việt Nam
Chi phí mua bản quyền truyền hình (BQTH) World Cup 2014 không chỉ gói gọn trong số 10 triệu USD mà còn cao hơn thế, có thể lên tới 12 hoặc 13 triệu USD.
* Bản quyền truyền hình World Cup 2014: 10 triệu USD và chuyện "xót tiền dân"
Giá ban đầu được hét lên đến 14 triệu USD
“Không một đài truyền hình nào ở Việt Nam (VN) thừa tiền đến mức lại rút hầu bao để mua gói bản quyền chỉ kéo dài trong đúng một tháng mà giá tiền lại lên đến hàng trăm tỉ đồng. MP&Silva có lẽ đã thua “lấm lưng trắng bụng” ở phi vụ này”, ông Lê Đình Cường, Tổng thư ký Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam nói với Thanh Niên Online vào sáng nay, 4.4.
Gần đến ngày khai mạc World Cup 2014 nhưng các nhà đài Việt Nam vẫn chưa có bản quyền truyền hình
|
Ông Cường cho biết quan điểm: “Công ty này đã tỏ ra thiếu hiểu biết về thị trường tại VN vào lúc này. Hoặc họ đã tìm hiểu nhưng không lường trước được hậu quả khi phát ra giá quá cao vì có thể bản thân họ cũng mạo hiểm mua gói này từ FIFA với giá cao.
Nhưng khác với Ngoại hạng Anh kéo dài tới 3 năm nên việc khai thác quảng cáo được lợi, World Cup chỉ có đúng 64 trận trong một tháng thì không đài nào coi đây là sự kiện để kinh doanh cả. Theo tôi, giá BQTH World Cup năm nay chỉ nên giao động từ 1-3 triệu USD là cao nhất”.
Trên thực tế thì MP&Silva, khi đến VN chào hàng đã đưa ra con số mà theo lời kể của lãnh đạo một Đài phát thanh - truyền hình: “Chúng tôi đã phát hoảng khi nghe đến số tiền 14 triệu USD.
Không biết mặc cả thế nào cho hợp lý nên chưa đàm phán đã phải từ chối luôn. Sau này, có thể vấp phải sự phản ứng của những đài khác, có thể, công ty này đã hạ xuống 10 triệu USD. Dĩ nhiên, đài chúng tôi cũng không dám đề nghị đàm phán trở lại vì 10 triệu USD cũng quá khủng”.
Ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình VN (VTV), hôm qua khi trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online qua điện thoại, cũng khẳng định: “Là đài quảng bá lớn nhất nước nhưng về vấn đề kinh phí mua bản quyền các giải, chúng tôi còn bị ràng buộc bởi những quy định từ Bộ Tài chính cũng như Kiểm toán Nhà nước.
Các cơ quan này sẽ không thể đồng ý cho VTV bỏ từng đó tiền để mua BQTH World Cup. Hơn nữa, kể cả có tiền đi chăng nữa thì với 10 triệu USD, VTV sẽ làm được rất nhiều công việc khác như đầu tư thiết bị, xây dựng cơ bản và tập trung cho số hóa. VTV không thể lãng phí đầu tư”.
Phí truyền dẫn vệ tinh lên đến 2 triệu USD
Thêm một chi tiết nữa xung quanh vấn đề bản quyền mà chúng tôi cho rằng, các đài từ chối bắt tay với MP&Silva cũng là phải vì kinh phí để có trọn vẹn BQTH World Cup 2014 không chỉ gói gón trong con số 10 triệu USD
Một chuyên gia về truyền hình cho biết, ngoài 10 triệu USD là tiền “vé vào cửa”, muốn sở hữu gói BQTH World Cup một cách đây đủ nhất, đơn vị mua còn phải chi thêm khoảng 10% - 20% tổng số tiền này (1-2 triệu USD) phí truyền dẫn vệ tinh từ Brazil về VN.
Nếu không đầu tư để “mua” đường truyền dẫn thì gói bản quyền hoàn toàn không có giá trị vì không thể phát được ở VN.
Chưa hết, sau khi có được gói bản quyền cộng với truyền dẫn thì các đài không thể sản xuất “chay” mà lại tiếp tục bỏ ra một khoản cực lớn, gọi là chi phí thực tế để sản suất các chương trình có liên quan đến World Cup như Nhật ký, Toàn cảnh, Muôn màu.
Tuy năng lực đầu tư của mỗi đài nhưng số tiền chi cho sản xuất chương trình này cũng ngốn đến 6-7 tỉ đồng. Riêng trường quay, rẻ nhất cũng phải 300 triệu đồng còn muốn hoành tránh thì không ít hơn 1 tỉ đồng.
Ông Ngô Nam, Phó giám đốc kênh VTC3, cho biết: “Tại World Cup 2010 tại Nam Phi, đài truyền hình kỹ thuật số VTC đã phải bỏ ra vài tỉ đồng cho ê kíp biên tập viên, phóng viên, quay phim sang tận nơi tác nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi còn phải chi rất nhiều cho các khoản quan trọng khác không thể thiếu được khi thực hiện về một trận đấu của World Cup”.
Lan Phương
thanh niên
|