Tiếp tục tố tội thủy điện
Các địa phương kiến nghị Chính phủ buộc các thủy điện phải trả đủ nước cho vùng hạ du
“Hàng loạt thủy điện ra đời đã góp phần bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện lưới quốc gia, tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp, tạo thêm nguồn thu ngân sách cho các địa phương nhưng bên cạnh đó đã tác động tiêu cực rất lớn đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao”. Nhận định này được nêu ra tại hội thảo “Tác động của chính sách phát triển kinh tế - xã hội đến đồng bào dân tộc thiểu số vùng thường xảy ra thiên tai, dân cư trú trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ” do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức tại TP Đà Nẵng ngày 3-4.
Từ khi có thủy điện Sông Tranh 2, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam luôn thấp thỏm nỗi lo động đất
|
Tại hội thảo, đại diện tỉnh Quảng Nam cho rằng 33 dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng đến 3.270 hộ dân với 14.850 nhân khẩu, trong đó 1.733 hộ phải di dời, tái định cư. Diện tích đất đã thu hồi, cho thuê và chuyển đổi mục đích sử dụng vào mục đích thủy điện gồm 22 nhà máy, công trình hiện nay là 7.657,32 ha (trong đó rừng chuyển đổi chiếm 3.414,95 ha). Cho đến nay, số diện tích rừng trồng lại mới đạt 720 ha.
Khi thực hiện di dời đến nơi ở mới, thực hiện tái định cư cho người dân ở những công trình thủy điện thì đất sản xuất thiếu và cằn cỗi, người dân không thể bắt tay sản xuất ngay để có cái ăn. Nguồn nước uống thiếu, không bảo đảm vệ sinh, không phù hợp với tập quán, thói quen sử dụng của đồng bào; nhà cửa mới do phía đơn vị làm thủy điện xây dựng nhanh xuống cấp, thậm chí nhà ở không phù hợp, người dân không ở được. Đặc biệt, việc các thủy điện hạn chế trả nước về vùng hạ du đã khiến hàng ngàn hecta lúa chết cháy, nguồn nước bị nhiễm mặn nghiêm trọng.
Ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, cũng chua chát cho rằng sự cống hiến to lớn của đồng bào các dân tộc cả nước nói chung, ở Lai Châu nói riêng, trong việc nhường đất làm thủy điện, “tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, là một trong những nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công của các dự án thủy điện. Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình thủy điện mang đến nhiều khó khăn, thách thức; tác động tiêu cực đến đời sống người dân. Người dân di dời đến chỗ ở mới thì không định cư được. Mức bồi thường quá thấp, mức hỗ trợ cho người dân trồng rừng cũng quá “bèo”, chỉ với 5 triệu đồng/ha rừng thì làm sao người dân sống nổi! “Cán bộ sở công thương, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn thử leo núi trồng rừng một ngày sẽ thấy công sức người dân bỏ ra là quá rẻ” - ông Quảng nói và đề nghị các chủ đầu tư để lại thuế GTGT từ các thủy điện cho địa phương để địa phương hỗ trợ người dân trong vùng bị giải tỏa.
Ông Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nhấn mạnh: “Khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số sinh sống là nơi có nhiều tài nguyên, có tiềm năng phát triển kinh tế to lớn và có vai trò quan trọng về môi trường sinh thái đối với cả nước nhưng đến nay, vùng này đã và đang là vùng nghèo, khó khăn nhất nước. Do đó, biện pháp phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và có những hành động ứng phó kịp thời là công việc vô cùng quan trọng đối với an sinh xã hội và phát triển bền vững”.
Ông Đỗ Đức Quân - Vụ trưởng Vụ Thủy điện, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) - cho biết việc đưa điện về nông thôn, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang được Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan khác hết sức quan tâm.
Đại diện các địa phương còn đề nghị Chính phủ có nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho các hộ tái định cư. Đặc biệt, phải buộc các thủy điện trả đủ nước về vùng hạ du để phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Vụ “đòi” nước về cho sông
Thủy điện đã trả nước
Chiều 3-4, ông Nguyễn Mậu Văn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, cho biết sau khi báo chí phản ánh việc thủy điện tích hết nước phía thượng nguồn khiến hạ lưu sông Trà Khúc chết khô, đến nay, thủy điện Đắkdrinh đã có động thái xả nước.
Theo ông Văn, trong mấy ngày qua, lưu lượng xả nước của thủy điện Đắkdrinh là 93 m3/giây. Hiện nước từ thượng nguồn đổ về sông Trà Khúc đã khá. Tại công trình đầu mối thủy lợi Thạch Nham (phục vụ tưới tiêu cho 30.000 ha hoa màu toàn tỉnh Quảng Ngãi) trong những ngày trước, nước xuống dưới tràn 0,5 m thì hiện đã qua tràn khoảng 20 cm. “Với lưu lượng nước như vậy thì vụ đông xuân không còn lo thiếu nước tưới” - ông Văn nói.T.Trực
|
Hoàng Dũng
nlđ
|