Chính sách nhà ở xã hội "đè nặng" lên ngân sách nhà nước?
Chính sách nhà ở xã hội có thể coi là một điểm đột phá trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.
Trong chuyên mục Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tuần này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời các câu hỏi của người dân liên quan đến việc giải cứu thị trường bất động sản, những chính sách về nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp và việc cấp phép đầu tư đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại và dự án xây dựng khu đô thị mới.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng
|
PV: Xin được bắt đầu chuyên mục với 1 lá thư của người dân như sau: Thưa Bộ trưởng, tôi có một khoản tiền dành dụm để mua một căn nhà nhỏ, nhưng khi nghe một số chuyên gia khẳng định thị trường bất động sản sẽ rơi xuống vực thẳm vào năm 2013 hoặc 2014, giá nhà sẽ còn xuống rất sâu…nên tôi cứ định mua nhà rồi lại thôi. Bây giờ giá nhà đã lên, thậm chí số tiền không đủ để sở hữu một căn nhà nữa, tôi mới thấy mình thật dại khi nghe mấy ông chuyên gia ấy.
Thưa Bộ trưởng, ông có thể cho tôi biết liệu giá nhà có lên hay không? Tôi có nên vay mượn ngay để mua nhà không? Bộ trưởng có kế hoạch đổ tiền vào cứu thị trường bất động sản như thế nào? Với xu hướng của thị trường như hiện nay, Bộ trưởng đã yên tâm với thị trường bất động sản không?” Xin mời Bộ trưởng trả lời?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Đúng là khi thị trường bất động sản trầm lắng, đóng băng thì có nhiều chuyên gia đã quan tâm và rất lo ngại cho thị trường bất động sản và có cách đánh giá khác nhau, cũng như quan điểm khác nhau là cứu hay không cứu thị trường bất động sản. Với trách nhiệm là cơ quan Chính phủ quản lý lĩnh vực bất động sản và nhà ở, Bộ Xây dựng đã căn cứ vào tình hình thực tế của nền kinh tế Việt Nam cũng như đánh giá một cách sâu sắc những nguyên nhân gây ra khó khăn của thị trường bất động sản. Từ đó kiến nghị với Chính phủ đề ra một hệ thống những giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn trên thị trường bất động sản.
Trong đó phải tôn trọng một nguyên tắc là khắc phục lệch pha cung cầu bất động sản nhưng một nguyên tắc hết sức quan trọng nữa là phải gắn việc tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản với việc thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia. Tức là bất động sản, nhà ở làm ra phải đến với người dân để người dân nghèo cũng có nhà. Từ đó các hệ thống giải pháp đã được đưa ra, đặc biệt là Nghị quyết 02 của Chính phủ năm 2013 với các giải pháp về cơ cấu lại các dự án, các chính sách về tài khóa, về thuế, về tín dụng cũng như yêu cầu trách nhiệm của các chủ thể tham gia thị trường bất động sản.
Đến nay chúng ta thấy thị trường bất động sản đã ấm lên từ cuối năm 2013 và đặc biệt là quý I năm 2014 giao dịch bất động sản đã tăng lên gấp 2 lần cùng kỳ quý I năm 2013. Giá bất động sản nói chung không giảm, có nhiều nơi còn tăng lên, đến 15/4/2014 tồn kho bất động sản đã giảm 34,4% . Như vậy, thị trường bất động sản có những dấu hiệu phấn khởi và chúng ta có thể lạc quan về tương lai của thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Tuy nhiên thị trường bất động sản là thị trường có diễn biến phức tạp và còn nhiều khó khăn do còn nhiều dự án mà các chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện vẫn còn. Cho nên chúng ta không chủ quan và tiếp tục theo dõi để có những giải pháp phù hợp để điều chỉnh kịp thời, làm cho thị trường phát triển đồng bộ, lành mạnh và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước cũng như phát triển kinh tế xã hội của đất nước chúng ta.
PV: Thưa Bộ trưởng, Bộ Xây dựng vừa đề xuất với Chính phủ dừng cấp phép đầu tư mới đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án xây dựng khu đô thị mới… Một số chuyên gia gửi thư về cho chuyên mục khẳng định đây là biện pháp “phi thị trường”. Như Bộ trưởng vừa cho biết thị trường đã ấm dần lên, vậy tại sao phải dừng vấn đề này?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Chúng ta đang phát triển một nền kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước. Tức là cùng một lúc chúng ta phải tôn trọng những yếu tố của thị trường nhưng không né tránh sự can thiệp của nhà nước, tức là bàn tay vô hình của thị trường và bàn tay hữu hình của nhà nước để làm cho thị trường phát triển một cách lành mạnh. Một bài học trong thời gian dài là chúng ta đã quá tôn trọng thị trường, tư tưởng thị trường hóa trong quá trình quản lý cho nên thị trường phát triển tự phát theo kiểu phong trào dẫn đến khó khăn của thị trường bất động sản. Và đến hôm nay chúng ta vẫn còn đang rất nặng nề để tháo gỡ khó khăn này.
Hiện nay, cả nước có trên 4000 dự án nhà ở, trong đó sử dụng tới 102.000 ha đất, và nếu đầu tư tất cả những dự án này phải hết khoảng 4,5 triệu tỷ đồng và sẽ tạo ra khoảng xấp xỉ 3 triệu căn hộ. Nếu như vậy với khả năng nền kinh tế, thì không thể nào trong một thời gian trung hạn có thể giải quyết được khối lượng lớn các dự án như vậy. Hiện nay nhiều dự án được cấp phép rồi những đã dừng, chẳng hạn như thành phố Hồ Chí Minh có đến 689 dự án, tương đương với hơn 7000 ha đất; thành phố Hà Nội cũng có khoảng gần 100 dự án dừng… Trong khi chúng ta đang phải dừng những dự án đã cấp phép rồi thì không có lí do gì chúng ta lại cấp phép cho những dự án mới.
Nhưng đề nghị này là đề nghị trong năm 2014, là biện pháp cần thiết, can thiệp trong điều kiện quản lý kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Như vậy thì những dự án đặc biệt vẫn được xem xét nhưng phải được Chính phủ cho phép. Còn hết năm 2014, nếu tình hình thị trường có những diễn biến thay đổi thì chúng ta sẽ có những giải pháp cụ thể hơn.
PV: Thưa Bộ trưởng, chính sách nhà ở xã hội được đa số người dân đồng tình, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng chương trình này “đè nặng” lên ngân sách Nhà nước. Bộ trưởng bình luận thế nào về ý kiến này?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Chúng ta đều biết, nhà ở là một nhân tố để phát triển con người toàn diện và quyền của công dân có nhà ở đã được thể hiện trong Hiến pháp. Đặc biệt, điều 59 của Hiến pháp 2013 đã yêu cầu là Nhà nước phải có chính sách để phát triển nhà ở, tạo điều kiện cho người dân có chỗ ở. Thực hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước cũng như thực hiện Hiến pháp, năm 2011 Chính phủ đã xây dựng chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Có thể nói đây là một điểm đột phá trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Trong đó yêu cầu cùng lúc chúng ta phải phát triển 2 loại nhà ở là nhà ở thị trường để đáp ứng thỏa mãn khả năng thanh toán của những người dân có tiền. Nhưng mặt khác chúng ta cũng phải tập trung phát triển loại nhà ở xã hội - loại nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước, để những người dân không có đủ điều kiện tiếp cận được với nhà ở thị trường thì sẽ có chỗ ở.
Những năm vừa qua chúng ta phát triển rất mạnh về nhà ở, nhà ở nông thôn, có nhiều chính sách tốt để những người nghèo nông thôn được cải thiện nhà ở, người có công với nước được cải thiện nhà ở. Trong khi đó nhà ở đô thị cũng phát triển mạnh mẽ với nhà ở thương mại, tạo ra bộ mặt mới của đô thị. Song mâu thuẫn lớn nhất là có những người thì nhiều nhà ở, nhưng một bộ phận lớn người dân lao động, làm công ăn lương, công nhân viên chức, sỹ quan quân nhân chuyên nghiệp…còn thiếu nhà ở hoặc ở rất chật chội, không đảm bảo những điều kiện tối thiểu. Cho nên chiến lược nhà ở là một bước để cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về phát triển một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu tăng trưởng đi đôi với phát triển, phát triển đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội.
Lần này nhà nước xây dựng một chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và trong đó nhà nước hỗ trợ người thu nhập thấp, người khó khăn về nhà ở, được mua nhà với giá thấp hơn giá thị trường, do nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng đất, hỗ trợ thuế VAT đầu ra, hỗ trợ vay tín dụng với lãi suất thấp… Nhà nước khuyến khích không chỉ doanh nghiệp làm nhà ở xã hội mà cả những người dân có nhu cầu làm nhà xã hội cũng được khuyến khích để tạo ra quá trình xã hội hóa thực hiện chủ trương chính sách của Đảng. Nhà ở xã hội lần này là thị trường “phi hàng hóa”- tức là các giao dịch theo cơ chế thị trường, có cung thì có cầu nhưng giá nhà thì thấp hơn giá thị trường do có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các hoạt động của doanh nghiệp.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Văn Hiếu
VOV
|