Nhà đầu tư giẫm chân nhau, dự án bỏ hoang 10 năm
Một dự án rộng 143 ha trên vùng đất vàng Quận 2 - TP. Hồ Chí Minh bỏ hoang 10 năm nay. Ít ai ngờ, đây là dự án được nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn đầu tư nhưng sự chồng lấn, giẫm chân lên nhau đã khiến dự án đình trệ.
Khu vực Thanh Mỹ Lợi một thời là vùng nóng với hàng loạt dự án đất nền chia lô, nhà cao tầng.
Thời cao điểm, giá chuyển nhượng "trên giấy" lên đến 80-90 triệu đồng/m² nhưng đến nay, toàn bộ dự án gần như đình trệ. Số diện tích được thi công mới khoảng 66 ha, phần còn lại để hoang thành bãi chăn trâu. Hàng trăm ngàn tỷ đồng phơi nắng phơi sương từ năm này qua năm khác và đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Dạo quanh các khu trong dự án này, phần lớn diện tích đã bị hoang hóa, những nền đất được san bằng phân lô hiện nay chỉ được sử dụng để chăn nuôi gia súc. Ngay cả những khu vực hoàn thiện hạ tầng cơ bản thì xuất hiện tình trạng nhiều dãy nhà biệt thự bỏ hoang cỏ dại phủ kín lối vào.
Một dự án rộng 143 ha trên vùng đất vàng Quận 2 - TP. Hồ Chí Minh bỏ hoang 10 năm nay
|
Gần đây, khi khu vực Quận 2 đã nóng trở lại thì nơi đây vẫn khiến nhiều nhà đầu tư e ngại khi xuất hiện sự dẫm chân lên nhau giữa những chủ đầu tư mới và cũ chưa được giải quyết.
Dự án 143 ha Thạnh Mỹ Lợi ban đầu đã được UBND TP.HCM giao cho Công ty Quản lý phát triển nhà quận 2 (Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Quận 2) từ năm 2004. Đến thời điểm này, ngoài hơn 60 ha thuộc khu 1 và khu 5 đã được thực hiện từ trước, hơn 80 ha thuộc các khu 2, 3, 4 hầu như "bất động".
Những nền đất được san bằng phân lô hiện nay chỉ được sử dụng để chăn nuôi gia súc.
|
Để triển khai lại phần còn lại của dự án, cuối năm 2005, Công ty Dịch vụ công ích quận 2 đã ký hợp đồng với 7 nhà đầu tư để cùng hợp vốn thực hiện dự án. Theo đó, các nhà đầu tư như đã chuyển tiền cho Công ty Công ích quận 2 để đóng tiền sử dụng đất, và chủ động tiến hành thỏa thuận bồi thường khu 2, 3, 4 của dự án, đến nay đã giải phóng xong 37 ha. Cụ thể, công ty S.C.I đã chuyển tổng cộng 3,1 tỷ đồng cho Công ty Công ích quận 2 để thực hiện dự án.
Tuy nhiên, khi mọi việc đang tiến hành thì Quận 2 và Công ty Công ích quận 2 lại gọi thêm nhiều nhà đầu tư mới và đến nay đã có 13 nhà đầu tư, mà không hề thông báo hay thỏa thuận với các đối tác đang triển khai dự án.
Tuy vậy, sự xuất hiện của nhóm nhà đầu tư mới không làm cho dự án tiến trển mà tiếp tục rơi vào bế tắc.
Đến tháng 7/2010, sau khi dự án đã chậm trễ khoảng 5 năm thì UBND Quận 2 lại bất ngờ chấp thuận chủ trương cho phép Công ty Việt Hân tham gia hợp tác triển khai dự án này.
Những tưởng, một đại gia BĐS được quảng cáo đang có nhiều dự án lớn như Dream City (Phú Thọ), Castle Plaza (Hà Nội) hay Skypark Beach Long Điền (BR-VT)... sẽ thúc đẩy dự án. Tuy nhiên, Thạnh Mỹ Lợi vẫn tiếp tục có chung số phần nằm trên giấy như các dự án khác của Việt Hân.
Đến năm 2012, trước sức ép của UBND TP.HCM về tiến độ giải phóng mặt bằng nếu không sẽ bị thu hồi dự án, UBND quận 2 một lần nữa lại trình UBND thành phố về một đối tác mới, công ty Cityland.
Theo đó, Cityland sẽ góp 80% vốn để thực hiện dự án. Tuy nhiên, nhự mọi lần trước, dù chủ đầu tư mới xuất hiện nhưng Thạnh Mỹ Lợi vẫn... bỏ hoang cho bò.
Giải thích cho việc liên tục kêu gọi các nhà đầu tư mới vào làm đối tác thực hiện dự án, dù các nhà đầu tư cũ đã gắn bó, đã đổ tiền thực hiện dự án từ đầu, Công ty Công ích quận 2 và UBND quận này cho rằng nguyên nhân là do các nhà đầu tư cũ không đủ năng lực.
Tuy nhiên, từ phía các nhà đầu tư vẫn khẳng định họ có đủ năng lực, khi đã bỏ ra số tiền lớn để thực hiện dự án và sẵn sàng tiếp tục theo đuổi dự án đến cùng. Tuy nhiên, chính sự thay đổi liên tục các đối tác, giẫm chân đối tác cũ - mới đã khiến nhà đầu tư e ngại và lo lắng.
Điều này là dễ hiểu vì cùng trên một dự án khi các chủ đầu tư cũ vốn đã được chấp thuận thực hiện dự án theo quy định đang triển khai công việc thì lại có những nhà đầu mới 'bất ngờ xuất hiện dù mọi trong khi các biên bản, hợp đồng đã ký kết với các chủ đầu tư cũ vẫn còn nguyên hiệu lực, chưa thanh lý... khiến cho nhà đầu tư cảm thấy hoang mang, mất niềm tin.
Không chỉ các nhà đầu ban đầu mà rất nhiều các đầu tư tiếp theo cũng chịu chung số phận. Họ không biết mình sẽ tiếp tục bị thay thế bởi nhà đầu tư nào. Sau Việt Hân, rồi Cityland thì ai sẽ là nhà đầu tư khác trong thời gian tới.
Điều này khiến nhà đầu tư mất niềm tin, không dám triển khai khiến cho dự án đình trệ luôn 10 năm qua và có nguy cơ đổ vỡ. Nếu vậy, bao nhiêu tiền của và công sức đã bỏ ra thực hiện dự án này có thể bị bỏ đi. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho các nhà đầu tư mà hơn thế nó đã khiến cho một dự án lớn, một nguồn lực xã hội đang bị hoang phí. Hơn thế, sự việc này càng khiến cho nhà đầu tư thấy mất niềm tin vì sự bất ổn định của môi trường đầu tư.
Việt Dũng - Ngọc Sơn
vietnamnet
|