Thứ Hai, 07/04/2014 10:36

Chế tài, đốc thúc doanh nghiệp lên sàn

Thời gian gần đây do gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) ngại lên niêm yết, đăng ký giao dịch. Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBCKNN), cho biết với các chế tài mạnh mẽ đã ban hành, DN sẽ phải tính toán lên sàn. Mặt khác, đây là thời điểm hợp lý để DN niêm yết. Ông Sơn phân tích:

Thời gian qua, không ít công ty đại chúng (kể cả công ty đang có CP giao dịch trên sàn UPCoM) không thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin, hoặc có thực hiện nhưng nửa vời, như báo cáo tài chính không thuyết minh, không được lưu trữ đầy đủ trên website của công ty…

Trong nhiều trường hợp, việc vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin do DN cố tình che giấu, hoặc do thiếu hiểu biết về pháp luật, để rồi bị xử phạt vì những lỗi sơ đẳng. Các lỗi chủ yếu DN mắc phải là không công bố các báo cáo tài chính thường niên, báo cáo quản trị công ty… đầy đủ và kịp thời.

Thực tế này cho thấy việc DN ngại lên sàn do chưa hiểu rõ những quy định của Luật Chứng khoán cũng như các văn bản hướng dẫn, bên cạnh đó là sự suy giảm kéo dài của TTCK. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, DN kinh doanh thua lỗ, CP giao dịch dưới mệnh giá khiến việc huy động vốn qua phát hành trên TTCK không thể thực hiện được.

Việc đăng ký công ty đại chúng với UBCKNN rất đơn giản và nếu hồ sơ đủ điều kiện UBCKNN sẽ có thông báo trở thành công ty đại chúng. Còn việc đăng ký lưu ký tập trung, đơn giản chỉ là làm thủ tục để đăng ký sổ cổ đông tại TTLKCK. UBCKNN chỉ thu phí quản lý khoảng 10 triệu đồng/năm để giúp giám sát trong vấn đề theo dõi công bố thông tin, hoặc giám sát làm các thủ tục chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán riêng lẻ. Cơ quan quản lý sẽ luôn tạo điều kiện về mặt pháp lý để hỗ trợ cho DN trong vấn đề đăng ký công ty đại chúng cũng như thực hiện chuyển quyền sở hữu trên thị trường. 

Bởi lẽ, việc tham gia TTCK có điểm thuận lợi là tạo thanh khoản cho CP (cổ đông dễ dàng mua, bán), nhưng cũng qua đó có thể làm giá CP xuống thấp (dưới giá trị sổ sách) khiến hình ảnh của công ty bị suy giảm.

- Vậy UBCKNN có biện pháp gì để đốc thúc DN lên sàn?

Ông NGUYỄN SƠN: - Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung năm 2010 đã quy định DN chào bán chứng khoán ra công chúng phải đưa CP vào giao dịch trên thị trường có tổ chức. Tuy nhiên, chế tài xử lý mới được quy định tại Nghị định 108/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15-11-2013.

Theo đó, nếu DN không thực hiện sẽ bị phạt tiền 100-150 triệu đồng và buộc phải thu hồi chứng khoán đã chào bán cùng tiền lãi (nếu có) trong vòng 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư. Đối với DN chào bán chứng khoán ra công chúng trước ngày Luật Chứng khoán sửa đổi bổ sung và Nghị định 108/CP có hiệu lực sẽ không bị điều chỉnh về các hành vi vi phạm, vì các văn bản này không quy định về hiệu lực hồi tố.

Ngoài quy định của pháp luật yêu cầu DN phải đưa CP vào giao dịch trên thị trường có tổ chức (niêm yết, hoặc UpCoM), quan trọng hơn là nhận thức của lãnh đạo DN và các cổ đông về sự minh bạch, công khai khi CP được niêm yết trên TTCK, qua đó nâng cao hình ảnh, thương hiệu DN và dễ dàng trong việc huy động vốn cho đầu tư phát triển.

- Như vậy, DN đã IPO nhiều năm, đã là công ty đại chúng như Sabeco, Habeco sẽ không bị hồi tố. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp thúc đẩy DN lên sàn sẽ bất công cho nhà đầu tư đang nắm giữ CP này?

- Đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cổ phần hóa và hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện hoặc mang tính đặc thù, ngoài tỷ lệ chào bán ra công chúng thường rất thấp (hay phần nắm giữ chi phối của Nhà nước lớn), còn liên quan đến vấn đề tái cấu trúc trước khi lên niêm yết, trong đó có vấn đề lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài.

Do đó, cơ quan chủ quản phải xây dựng phương án, lộ trình hợp lý để đưa DN lên sàn và điều này sẽ mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, với Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh IPO, đối với tập đoàn, tổng công ty nhà nước gắn với niêm yết trên TTCK để tạo sự minh bạch, tôi hy vọng các DN lớn sẽ sớm lên sàn niêm yết trong năm nay.

- Khi TTCK khởi sắc, DN cho rằng lên sàn để tăng minh bạch, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, nhưng khi thị trường khó khăn lại không thực hiện các cam kết của mình. Ông nghĩ sao về điều này?

- Các DN cần hiểu rằng khi lên sàn, mục tiêu không phải trông chờ giá CP tăng hay có thể huy động vốn ngắn hạn, mà lâu dài là tạo thanh khoản cho CP, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông và nâng cao năng lực quản trị, chấp hành nguyên tắc niêm yết. Nếu hiểu điều đó, thị trường dù lên xuống, gập ghềnh, DN cũng không phải quá băn khoăn, lo ngại.

Bởi dù sau niêm yết, CP có giảm về dưới mệnh giá, nhưng nếu DN làm ăn tốt, có kế hoạch, chiến lược phát triển bài bản vẫn có thể huy động vốn trên sàn. Khi TTCK khởi sắc, DN vượt qua khó khăn, sản xuất - kinh doanh tốt hơn, chính DN chưa niêm yết sẽ mất đi cơ hội huy động vốn trên thị trường. DN hãy mạnh dạn đưa CP lên sàn bởi điều đó không chỉ tốt cho cổ đông mà còn là “đường băng” tốt cho công ty trong dài hạn.

- TTCK đã tăng điểm đáng kể trong vòng 3 tháng qua, UBCKNN sẽ có biện pháp gì để hỗ trợ thị trường?

- Trong 3 tháng qua, chỉ số trên sàn HOSE tăng 18-19%, HNX Index tăng 30% là những minh chứng thể hiện dấu hiệu hồi phục của TTCK đang rất tốt và hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi đang nỗ lực tái cấu trúc TTCK tại 4 trụ cột (cơ sở nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh, hàng hóa và thị trường).

Việc TTCK tăng điểm thời gian qua được xem là kết quả thực thi các giải pháp đồng bộ về kinh tế vĩ mô năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 (về tài chính, tiền tệ). Trong đó phải kể đến nỗ lực của cơ quan quản lý về TTCK đã đưa ra các giải pháp đồng bộ, kịp để hỗ trợ thị trường và hoạt động DN.

Sắp tới, các chính sách về sản phẩm mới (sản phẩm cơ cấu như ETF hoặc sản phẩm phái sinh) sẽ được đưa vào thực hiện. Cùng với đó, chính sách nới room cho nhà đầu tư nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ ban hành cũng sẽ tạo động lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài, qua đó hỗ trợ sự phát triển của thị trường.

- Xin cảm ơn ông.

Hà My

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   CTCP Thủy điện Miền Nam: Nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu (07/04/2014)

>   BHV: Yêu cầu giải trình nguyên nhân và phương án khắc phục tình trạng hủy niêm yết bắt buộc (04/04/2014)

>   Thủy điện Miền Trung: Được chấp thuận niêm yết 120 triệu cổ phiếu trên HNX (04/04/2014)

>   CHP: CTCP Thủy điện Miền Trung được chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu (04/04/2014)

>   BHV: Giải trình nguyên nhân và phương án khắc phục tình trạng hủy niêm yết bắt buộc (04/04/2014)

>   GGG: Giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục tình trạng bị hủy niêm yết (04/04/2014)

>   Bỏ ngỏ kế hoạch lên sàn (03/04/2014)

>   MTH: Thông báo về việc chấp thuận đăng ký giao dịch bổ sung cổ phiếu (03/04/2014)

>   ĐHĐCĐ Chứng khoán Thiên Việt: Hé lộ kế hoạch lên sàn! (02/04/2014)

>   KHL: Giải trình nguyên nhân và phương án khắc phục tình trạng bị hủy niêm yết (01/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật