TS Nguyễn Trí Hiếu: Xử lý nợ xấu 3-5 năm là quá dài
Việc xử lý nợ xấu có nhiều tín hiệu tích cực nhưng tốc độ xử lý nợ hiện nay vẫn quá chậm.
Theo kế hoạch tái cơ cấu đến năm 2017, số lượng ngân hàng (NH) sẽ được giảm từ 39 xuống khoảng 15 NH. Đây cũng là cơ sở để tiến tới tự do hóa thị trường tài chính và tự do hóa các dịch vụ tài chính theo lộ trình hội nhập quốc tế đến năm 2020. Vì thế theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, NH phải nhanh chóng dứt điểm xử lý nợ xấu nếu để khoảng thời gian từ ba đến năm năm là quá dài.
Nên tập trung vào các NH lớn
. Theo ông việc rút gọn từ 39 NH hiện nay xuống còn 15 NH trong năm 2017 sẽ đem lại lợi ích gì cho nền kinh tế?
+ TS Nguyễn Trí Hiếu: Thứ nhất, trong khi vốn của hệ thống NH hiện nay đang dàn trải, khi chúng ta tóm gọn lại còn 15 NH nội địa thì nguồn vốn sẽ được tập trung hơn. Khi NH càng nhiều vốn sẽ càng phát triển mạnh. Với một NH có vốn lên tới hàng trăm ngàn tỉ thì khả năng cho nhiều doanh nghiệp (DN) lớn vay là điều dễ dàng.
Thứ hai, vốn lớn là gối đệm để đỡ NH đó trong trường hợp gặp rủi ro. Chẳng hạn với NH có vốn vài ngàn tỉ đồng thì chỉ cần một vài món nợ lớn mà mất vốn thì rất nguy hiểm. Trong khi nếu vốn là vài trăm ngàn tỉ thì một vài DN có gặp khó khăn không trả được, NH mất vốn vẫn xoay xở và phát triển được.
Xử lý nợ xấu cần nhanh hơn, mạnh và dứt điểm qua VAMC.
|
. Nghĩa là phải nhanh chóng sáp nhập NH càng sớm càng tốt, thưa ông?
+ Đúng vậy, từ lâu hệ thống NH của Việt Nam quá đông, có thể hình dung như các thợ nấu trong một nhà bếp chật chội thì sẽ không hiệu quả. Việc giảm số lượng làm chất lượng NH tăng lên vì vốn tăng lên. Và mỗi NH sẽ quản trị theo đúng nghĩa là một NH đại chúng, có HĐQT, cơ cấu hợp lý, thực hiện bài bản và thị phần chắc chắn. Bên cạnh đó sẽ không có hiện tượng cạnh tranh, dùng lãi suất huy động chiếm lĩnh khách hàng từ đó xảy ra tình trạng phá rào. Dù vậy, trong quá trình này các cơ quan chức năng ngoài việc tái cơ cấu thì cần phải sàng lọc kỹ càng, chỉ nên tập trung vào một số NH thực sự có khả năng.
. Những vấn đề như nợ xấu, sở hữu chéo… liệu có làm ảnh hưởng đến lộ trình tự do hóa tài chính, thưa ông?
+ Vấn đề sở hữu chéo ở Việt Nam vô cùng phức tạp. Nhưng không có cách nào khác là phải dần dần tháo bỏ, làm cho hệ thống lành mạnh hơn. Những cái làm lũng đoạn thị trường, khuynh đảo thị trường phải loại bỏ. Nếu không tháo gỡ được mớ bòng bong đó thì mọi thứ sẽ càng ngày càng nhiêu khê. Những chiến lược để xử lý sở hữu chéo, nợ xấu… đã được thấy rõ song vấn đề của chúng ta hiện nay là phải mạnh dạn, rút ngắn thời gian. Như xử lý nợ xấu, phải dứt điểm, nhanh chóng hơn chứ 3-5 năm đã là khó chấp nhận được.
Phải dứt điểm bán tài sản của nợ xấu
. NH đang nỗ lực giải quyết nợ xấu và đã có những kết quả nhất định, ông thấy những kết quả đạt được đã thực sự tốt chưa, thưa ông?
+ Việc xử lý nợ xấu qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VMAC) đến nay chưa thực sự xử lý được bao nhiêu. Hơn nữa, chúng ta cũng mới chỉ tìm bãi đậu cho các tài sản “xấu” đó. Nợ xấu giống̀ một bộ phận trên cơ thể con người, khi bệnh đã nặng cần xử lý nhanh để tránh thối rữa. Nếu che lên vết thương bằng nhiều loại vải chỉ là nhất thời không nhìn thấy nhưng bệnh thì càng tồi tệ. Vì nợ xấu xói mòn lợi nhuận, xói mòn vốn chủ sở hữu và ảnh hưởng tới khả năng cấp vốn cho thị trường, từ đó sẽ làm cơ thể NH suy yếu nhanh chóng. Bởi vậy xử lý nợ xấu cần nhanh hơn, mạnh, dứt điểm qua VAMC, qua một cơ quan nào đó, bằng ngân sách, bằng cách nọ cách kia… Các NH cũng phải sẵn sàng chấp nhận một mức lỗ nhất định nào đó.
Nhiều NH sẽ suy sụp nhanh chóng nếu chậm kéo tài sản độc hại này ra khỏi cơ thể của mình. Trong trường hợp đó nên để NH đó ra khỏi thị trường và chỉ giữ lại những NH có sức khỏe, tiềm năng tốt.
. Vậy trong bối cảnh này, việc nới mạnh hơn nữa room sở hữu NH cho nhà đầu tư nước ngoài theo ông có phù hợp?
+ Nới room không chỉ tốt mà là điều cần thiết trong hoàn cảnh này. Vì đến cuối cùng chúng ta cũng phải cào bằng, bình đẳng cho nhà đầu tư ngoại và năm 2020 là ngưỡng ngay trước mắt, không còn xa nữa. Chúng ta cũng không còn sự lựa chọn nào khác, càng không thể đóng cửa lại. Nhiều ý kiến cho rằng nếu nới room thì sợ bị các nhà đầu tư ngoại thâu tóm NH, làm lũng đoạn thị trường… nhưng đây không phải là việc mình lo sợ. Chúng ta phải lành mạnh hóa hệ thống tài chính, tạo cạnh tranh và dám đương đầu với các định chế tài chính thế giới. Lúc này việc co rút lại sẽ gây ra nhiều bất lợi hơn có lợi.
. Tại sao ông lại dám chắc sẽ không có lũng đoạn nếu nới room cho nhà đầu tư ngoại?
+ Thực tế đang có rất nhiều thị trường béo bở hơn và hệ thống tài chính của họ chặt chẽ, minh bạch hơn Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc… và nhà đầu tư ngoại biết rõ điều này. Hơn nữa, khi vào làm ăn ở thị trường Việt Nam, họ cũng phải tìm hiểu những thứ xung quanh ngoài NH đó là các chủ trương, pháp luật của quốc gia đó. Cuối cùng, tôi chưa thấy có tiền lệ nào trên thế giới mà NH ngoại vào một thị trường mới mà làm lũng đoạn NH cả.
Cảm ơn ông.
Yên Trang
Pháp Luật TPHCM
|