Thứ Sáu, 14/03/2014 11:09

M&A ngân hàng: Quan trọng nhất là cả nền kinh tế được hưởng lợi

Việc các ngân hàng tự nguyện M&A vừa đúng quy luật, đúng đề án tái cấu trúc và quan trọng cách làm này vô cùng có lợi cho tất cả các bên. Hay nói cách khác cả nền kinh tế được lợi.

Trao đổi với phóng viên TBNH về lộ trình thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD, TS. Cao Sỹ Kiêm – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia đánh giá: lộ trình thực hiện Đề án đã thành công trong giai đoạn đầu. Đó là xử lý các ngân hàng yếu kém, tránh đổ vỡ hệ thống hay nói cách khác “ném chuột mà không vỡ bình”. Còn đến giai đoạn này, các ngân hàng củng cố sắp xếp lại, nâng cao sức đề kháng trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường. Và việc thời gian qua, các ngân hàng chủ động mua bán, sáp nhập (M&A) là động thái tốt thực hiện đúng chủ trương của NHNN, Chính phủ. Đồng thời, việc này đảm bảo khả năng phát triển, củng cố hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Theo ông, bản thân các ngân hàng trong những cuộc M&A sẽ được và mất gì?

Khi ngân hàng lớn sáp nhập với ngân hàng nhỏ giúp họ tăng được vốn, thị phần, khách hàng… Nhưng ngược lại, việc phải tiếp nhận một thực thể không được khỏe mạnh sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển của ngân hàng sau sáp nhập trong một thời gian ngắn.

Còn đối với ngân hàng yếu, khi thấy không thể đứng một mình và cảm thấy cần chỗ dựa thì việc sáp nhập vào ngân hàng khỏe sẽ giúp họ có thể tồn tại được ngôi nhà của mình, dù họ mất đi thương hiệu. Sau M&A có thể sẽ có một cái tên - một thương hiệu bị mất đi, nhưng nếu cứ cố giữ mà không giữ được hình ảnh đẹp cho nó thì việc sáp nhập để tạo dựng với một thương hiệu mới tốt hơn không phải là một việc tồi. Và quan trọng là hệ thống ngân hàng nói riêng, cả nền kinh tế nói chung có lợi từ hoạt động này.

Nhưng liệu sau M&A chúng ta sẽ có một ngân hàng khỏe hơn không, thưa ông?

Khỏe hơn hay không còn tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh và giải quyết tồn tại cũ của từng ngân hàng thành viên sau khi sáp nhập. Nếu họ có chiến lược kinh doanh tốt thì phát triển nhanh và đột phá. Nhưng một chiến lược phát triển kinh doanh tốt, hiệu quả phải đảm bảo các yếu tố quan trọng: công nghệ hiện đại, khả năng quản trị hoạt động, quản trị rủi ro tốt, nhân lực trình độ cao, chuyên nghiệp… Mặt khác, khi ngân hàng yếu tự giác và quyết tâm lành mạnh hóa hoạt động thì họ sẽ cố gắng, tích cực sửa khuyết điểm của mình với sự hỗ trợ của ngân hàng khỏe hơn.

Về yếu tố văn hóa ngân hàng, tôi không nghĩ là khó hòa nhập như nhiều ý kiến lo ngại. Tôi cho rằng, văn hóa ngân hàng lớn thường chiếm ưu thế hơn. Khi ngân hàng yếu chủ động sáp nhập vào ngân hàng lớn thì chắc chắn sẽ nhanh chóng hòa hợp. Vấn đề quan trọng là Ban lãnh đạo ngân hàng hậu sáp nhập phải làm sao vừa sàng lọc những “nết” văn hóa có thể gây ảnh hưởng đến hình ảnh ngân hàng mới, nhưng đồng thời tiếp thu được tinh hoa của “đội bạn” để tạo dựng cũng như giữ niềm tin đối với cổ đông, khách hàng. Điều này, đòi hỏi người lãnh đạo ngân hàng sau sáp nhập vừa có tài nhưng phải có cả tâm.

Theo tôi, các ngân hàng nên chủ động thực hiện M&A có lợi hơn là để NHNN yêu cầu bắt buộc phải sáp nhập. Hiện tại, trong Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD, NHNN đề cao tính tự nguyện của các TCTD. Nếu không, khi để NHNN tìm đối tác ghép đôi sẽ vô cùng mệt mỏi cho cả ngân hàng hậu sáp nhập lẫn “ông tơ, bà nguyệt”. Việc các ngân hàng tự nguyện M&A vừa đúng quy luật, đúng đề án tái cấu trúc và quan trọng cách làm này vô cùng có lợi cho tất cả các bên. Hay nói cách khác cả nền kinh tế được lợi. Muốn vậy, cơ quan quản lý cần tiếp tục tạo chính sách, độ thông thoáng để giúp họ được đẩy nhanh quá trình thực hiện M&A thành công.

Ông có cho rằng M&A sẽ diễn ra mạnh hơn trong năm 2014?

Chắc chắn tích cực hơn. Theo tôi, thời gian tới, nhiều ngân hàng sẽ thực hiện M&A. Và không chỉ ngân hàng yếu sáp nhập với ngân hàng mạnh mà cả ngân hàng trung bình với trung bình, thậm chí là hai ngân hàng mạnh sáp nhập với nhau. Việc cổ đông nước ngoài tham gia tái cơ cấu ở những ngân hàng yếu kém ngày nhiều hơn cũng có thể diễn ra. Nếu những ngân hàng yếu kém có thể bán 100% vốn cho đối tác ngoại cũng sẽ là hướng mở, giúp các ngân hàng yếu kém tái cơ cấu hiệu quả.

Còn đối với các ngân hàng khác, thì hiện tại room đối với nhà đầu tư ngoại ở mức 30% là phù hợp. Dù trong các lĩnh vực khác room khối ngoại được mở lên tới 49% nhưng, ngành Ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh có nhiều điểm đặc thù, phải đảm bảo lợi thế cạnh tranh cũng như tránh xảy ra hiện tượng thâu tóm nên chưa thể nới room thêm. Đây là chủ trương đúng. Nhưng theo thời gian, khi trình độ quản lý, quản trị của chúng ta được nâng lên thì có thể nâng dần room cho nhà đầu tư ngoại.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Huyền Thanh

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   TPHCM: Mới giải ngân được 300 tỉ trong gói 30.000 tỉ đồng (14/03/2014)

>   Ngân hàng SCB: Lãi trước thuế 2013 bằng 16% kế hoạch, nợ xấu 1.63% (14/03/2014)

>   Ngân hàng SCB đặt kế hoạch lãi trước thuế 121 tỷ đồng năm 2014, sẽ lập công ty bảo hiểm (14/03/2014)

>   Bắt quả tang người nước ngoài dùng thẻ ATM giả rút tiền tại ngân hàng ACB (14/03/2014)

>   NamABank: 27/03 tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2014 (14/03/2014)

>   Nợ xấu làm khó việc sáp nhập ngân hàng (14/03/2014)

>   Số dư trên tài khoản của nhà đầu tư gián tiếp không được gửi tiết kiệm (13/03/2014)

>   SouthernBank - Sacombank: Ai thâu tóm ai? (18/03/2014)

>   Ngân hàng nào có lãi suất huy động cao nhất? (13/03/2014)

>   Ngân hàng phải có hệ thống quản lý rủi ro tín dụng, thanh khoản, thị trường và hoạt động (13/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật