TS Cấn Văn Lực: Chưa phải thời điểm bỏ trần lãi suất huy động
TS Cấn Văn Lực, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khẳng định với Đại Đoàn Kết, thời điểm bỏ trần lãi suất huy động chưa chín muồi. Nếu như dỡ bỏ trần lãi suất, thị trường sẽ lại tiếp diễn cảnh cạnh tranh thiếu lành mạnh, ngân hàng giành giật khách hàng gửi tiền.
Tại cuộc họp báo về diễn biến tín dụng, lãi suất 2 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước vào hồi cuối tháng 2, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ cho biết, trần lãi suất huy động hiện nay là 7% với các kỳ hạn huy động dưới 6 tháng, nhưng thực tế nhiều tổ chức tín dụng đã giảm dưới mức trần này. Điều này cho thấy, bản thân các tổ chức tín dụng đã đặt ra mức lãi suất huy động thỏa thuận với khách hàng tùy thuộc cung cầu vốn trên thị trường. Khi thanh khoản vững chắc, kinh tế vĩ mô ổn định thì NHNN sẽ bỏ trần lãi sất huy động. Bình luận về thông điệp này, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần cân nhắc thật kỹ lưỡng.
Ông Lực nói: Quan điểm của tôi đây không phải là thời điểm chín muồi để cởi bỏ trần lãi suất huy động.
Điều kiện để bỏ trần lãi suất là khi thị trường ổn định, không có chuyện các ngân hàng vượt rào hay xé rào lãi suất. Thế nhưng, diễn biến trên thị trường cho thấy, vẫn còn một số ngân hàng nhỏ thu hút nguồn vốn huy động bằng cách nâng lãi suất đầu vào cao hơn mặt bằng chung do NHNN quy định là 7%. Câu chuyện huy động vốn chưa ổn định hoàn toàn.
Như vậy, nếu như bỏ trần lãi suất huy động thì lập tức mặt bằng lãi suất sẽ bị phá vỡ ngay. Kéo theo lãi suất cho vay sẽ khó giảm 1%-2% trong năm nay như mong muốn của NHNN và Chính phủ. Hiện tượng cạnh tranh vô lối lại tiếp diễn. Vốn từ ngân hàng này lại chảy sang ngân hàng khác, khách gửi tiền từ ngân hàng này chạy sang ngân hàng khác. Thị trường sẽ xáo trộn.
PV: Thưa ông, nhưng trần lãi suất hiện nay cũng không còn nhiều ý nghĩa nữa. Bản thân các ngân hàng cũng đã mạnh tay hạ lãi suất huy động, tổng cộng số liệu của các ngân hàng cho thấy, lãi suất huy động tháng 2 vừa qua đã giảm thêm 0,3-0,5% với kỳ hạn 1-2 tháng…
Ông Cấn Văn Lực: Điều này là bình thường. Các ngân hàng tự cân đối được chi phí giá vốn của mình thì hoàn toàn có thể giảm lãi suất huy động.
Nhiều ý kiến cho rằng, đang có biểu hiện của việc loạn lãi suất. Các ngân hàng đưa ra nhiều mức chênh lãi suất khác nhau trong cùng 1 kỳ hạn. Điều này cho thấy sức khỏe của toàn hệ thống chưa thực sự đồng đều?
Đúng là vẫn còn có câu chuyện còn ngân hàng yếu kém. Một số ngân hàng vẫn có nhu cầu vốn rất cao.
Theo tôi, câu chuyện tái cơ cấu cần phải giải quyết dứt điểm càng sớm càng tốt. Chừng nào còn ngân hàng yếu kém, chuyện mua bán sáp nhập chưa xong, thị trường chưa được thiết lập cân bằng thì vẫn còn tình trạng chênh lệch lãi suất. Tức là ngân hàng yếu tăng hoa hồng, tăng lãi suất.
Mục tiêu của NHNN trong năm nay là ưu tiên hạ lãi suất cho vay thêm 1%- 2%. Việc giảm lãi suất cho vay liệu có khả thi hay không?
Thực ra Chính phủ và NHNN đang bám rất sát với tín hiệu lạm phát. Hai tháng đầu năm lạm phát tăng rất thấp 1,24%, dù điều này cũng chưa nói hết và khái quát được cho cả năm nhưng là tín hiệu, một cơ sở để hạ lãi suất đầu ra. Như vậy, các ngân hàng cần thực hiện được hai điều. Thứ nhất: các ngân hàng quản chặt lãi suất huy động. Giảm chi phí hoạt động hành chính, qua đó có thêm điều kiện để hạ lãi suất đầu ra. Thứ hai, ở phía ở quan quản lý muốn quản lý cung tiền thì phải sử dụng công cụ lãi suất. Lãi suất phù hợp thì mới có điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng.
Có một thực tế là các ngân hàng đang tập trung đẩy vốn ra. Từ đây lo ngại vốn không đưa vào sản xuất mà chảy sang lĩnh vực đầu tư bất động sản và chứng khoán. Quan điểm của ông?
Không hẳn là tiền lại chảy vào bất động sản và chứng khoán. Thị trường bất động sản và chứng khoán ấm lên là nhờ các yếu tố khác. Cả hai lĩnh vực này đang có một dòng vốn ngoại chảy vào, và thậm chí có nhiều nhà đầu cơ cũng đang đổ vào. Rồi thêm các tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô.
Còn về bản chất, các ngân hàng vẫn đang bị khống chế tín dụng cho vay bất động sản và chứng khoán không quá 20% vốn điều lệ. Chưa kể, họ cũng đã rút rất nhiều kinh nghiệm từ nợ xấu, nợ khó đòi trong thời gian qua.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thúy Hằng
Đại đoàn kết
|