Thứ Tư, 19/03/2014 22:01

Sửa Luật Xây dựng: Mối lo từ nhà thầu ngoại

Cùng với dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) mới nhất vừa được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có báo cáo giải trình các nội dung còn có ý kiến khác nhau, trong đó có điều kiện hoạt động của nhà thầu nước ngoài.

Hàng năm có khoảng 150 lượt nhà thầu nước ngoài vào Việt Nam thực hiện các công trình xây dựng, trong đó chỉ có khoảng 10% số nhà thầu thực hiện các gói thầu có vốn nhà nước theo hình thức đấu thầu quốc tế, mà chủ yếu là các dự án sử dụng vốn vay (ODA).

Theo dự thảo luật, nhà thầu là pháp nhân nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam phải được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cấp giấy phép hoạt động.

Qua nhiều phiên thảo luận, vẫn có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này vì chưa thực sự phù hợp với Luật Đấu thầu mà Quốc hội mới thông qua.

Đề nghị Quốc hội cho phép giữ lại quy định nói trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích rằng, theo quy định của Luật Đấu thầu thì chỉ trường hợp có đấu thầu quốc tế, nhà thầu nước ngoài mới được vào Việt Nam. Trong khi đó, đối với các nguồn vốn khác nhà thầu nước ngoài vào Việt Nam tự do, phần lớn là chỉ định thầu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, theo tổng kết của Bộ Xây dựng, hàng năm có khoảng 150 lượt nhà thầu nước ngoài vào Việt Nam thực hiện các công trình xây dựng, trong đó chỉ có khoảng 10% số nhà thầu thực hiện các gói thầu có vốn nhà nước theo hình thức đấu thầu quốc tế, mà chủ yếu là các dự án sử dụng vốn vay (ODA).

Như vậy, còn khoảng 90% số nhà thầu nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các công trình vốn FDI và các công trình không phải vốn nhà nước chưa được Luật Đấu thầu điều chỉnh.

Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, việc quản lý nhà nước đối với hoạt động của nhà thầu nước ngoài là thông lệ quốc tế, thể hiện chủ quyền quốc gia của nước chủ nhà đối với hoạt động kinh doanh của pháp nhân nước ngoài. Mặc dù mỗi nước có những quy định khác nhau nhưng đều có quy định chung là khi nhà thầu nước ngoài vào hoạt động xây dựng hoặc tư vấn xây dựng ở các nước này đều phải đăng ký để được xét cấp giấy phép hoặc chứng nhận thầu.

Sau nhấn mạnh nói trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn giải cụ thể hơn. Chẳng hạn Malaysia, Philipin cấp giấy phép cho từng trường hợp nhận thầu. Cấp theo thời hạn và bắt buộc phải lập văn phòng đại diện để thực hiện kinh doanh tại nước họ là Trung Quốc, Indonesia. Hoặc có nước quy định đối với các liên doanh xây dựng có vốn đầu tư nước ngoài trong liên doanh lớn hơn 30%, 50% thì vẫn coi là nhà thầu nước ngoài và phải thực hiện việc đăng ký để xin cấp giấy phép như những nhà thầu nước ngoài khác như Thái Lan, Philipinnes, Indonesia, Malaysia.

Nhật Bản thì quy định nhà thầu nước ngoài xin cấp giấy phép như nhà thầu trong nước. Singapore cấp cho việc thực hiện từng hợp đồng hoặc cấp có thời hạn cho chi nhánh. Còn Thái Lan có quy định không cho phép nhà thầu nước ngoài vào thiết kế kiến trúc và thầu xây dựng tại nước họ, trừ các trường hợp trong hiệp định vay vốn có quy định phải đấu thầu quốc tế đối với những công việc xây dựng mà trong nước không có khả năng thực hiện được.

Riêng ở Việt Nam, báo cáo nêu rõ, việc cấp giấy phép và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động tư vấn xây dựng và xây lắp công trình đã được tiến hành nhiều năm nay, được các nhà thầu tán thành và thực hiện nghiêm túc.

Đây là biện pháp bảo vệ thị trường xây dựng trong nước, đảm bảo việc làm cho các doanh nghiệp trong nước, hạn chế dòng tiền chảy ra nước ngoài, mà các nước đều có quy định và cũng là nội dung mà Việt Nam đã ký kết khi gia nhập WTO, ký kết tại hiệp định song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, hiệp định với các nước ASEAN, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích.

Vào kỳ họp thứ bảy dự kiến khai mạc vào 20/5 tới đây, dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua.

Nguyễn Lê

vneconomy

Các tin tức khác

>   Làn sóng thoái vốn bất động sản vẫn âm ỉ (19/03/2014)

>   Bình Dương cắt giảm diện tích “siêu dự án” Chánh Mỹ (19/03/2014)

>   Bất động sản có lợi nhờ lãi suất giảm (18/03/2014)

>   Kinh doanh bất động sản: Hạn chế không phải là cách làm hay (18/03/2014)

>   Cơ chế mở cho thị trường BĐS: Không nhất thiết phải qua sàn (18/03/2014)

>   Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân đăng ký bán gần hết cổ phiếu đang nắm giữ (18/03/2014)

>   Đã đến lúc kiếm tiền từ bất động sản? (18/03/2014)

>   Gói 30.000 tỷ: Giải ngân đã đạt... 4% (18/03/2014)

>   Sẽ có hợp tác công - tư để làm nhà ở xã hội (18/03/2014)

>   Kết quả cho vay hỗ trợ nhà ở đến cuối tháng 2/2014 (17/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật