Rửa tiền bằng… đồ cổ
Mua các tác phẩm nghệ thuật là chiêu thức rửa tiền mới ở Trung Quốc bên cạnh việc “đỏ đen” tại Macau và làm hóa đơn thương mại giả.
Trung Quốc đã trở thành thị trường tác phẩm nghệ thuật lớn nhất thế giới trong mấy năm gần đây khi nhiều cá nhân giàu có và quỹ đầu tư rót tiền vào các cuộc đấu giá. Theo báo cáo của Công ty Artprice (Pháp), giá trị của các vụ đấu giá tác phẩm nghệ thuật ở nước này đã tăng từ 1,5 tỉ USD năm 2008 lên 9 tỉ USD năm 2011.
Bí ẩn bao trùm
Mua các tác phẩm nghệ thuật là chiêu thức rửa tiền mới ở Trung Quốc bên cạnh việc “đỏ đen” tại các sòng bạc ở Macau hoặc làm hóa đơn thương mại giả. Tiền ngầm vẫn chảy thành dòng ra nước ngoài bất chấp Bắc Kinh đang áp dụng những biện pháp kiểm soát tiền tệ nghiêm ngặt, như một cá nhân chỉ được phép chuyển ra khỏi Trung Quốc tối đa 50.000 USD/năm.
Một khách hàng Trung Quốc xem xét đồ cổ tại nhà đấu giá Drouot ở Pháp.
Tác phẩm nghệ thuật là chiêu thức hấp dẫn bởi giá cả mua bán không cố định, việc vận chuyển qua biên giới dễ dàng và ngay cả các chuyên gia cũng khó phân biệt hàng thật và giả. Tiền mặt là phương thức thanh toán thông dụng được chấp nhận trong các giao dịch trên nhưng không dễ gì biết được tiền này có nguồn gốc từ đâu và sẽ được đổ vào đâu.
Ngành công nghiệp tác phẩm nghệ thuật của Trung Quốc đang tăng trưởng và hiện có tổng giá trị 15 tỉ USD, tạo điều kiện dễ dàng cho tội phạm che đậy hành vi bất hợp pháp. Bà Lynda Albertson, Giám đốc điều hành Hiệp hội Nghiên cứu tội phạm dựa vào nghệ thuật, nhấn mạnh: “Điểm then chốt trong hoạt động rửa tiền chính là tính bí mật. Trong khi đó, bản chất của thị trường nghệ thuật nói chung thường bí ẩn!”.
Một phi vụ có thể diễn ra như sau: Đại gia Trung Quốc mua một tác phẩm nghệ thuật ở đại lục, sau đó bán nó qua biên giới với giá “nặng đô” và bỏ túi một món lợi, đương nhiên là bằng ngoại tệ. Một cách thức khác là mua tác phẩm nghệ thuật bên ngoài Trung Quốc, thường là với giá được người bán thông đồng thổi phồng lên. Người bán sau khi nhận được tiền sẽ chuyển phần dư đến tài khoản của người mua ở nước ngoài.
1.080 tỉ USD tuồn khỏi Trung Quốc trái phép
Ông Paul Tehan, chuyên gia thuộc TrackArt - công ty tư vấn nguy cơ trong lĩnh vực nghệ thuật ở Hồng Kông - xác nhận: “Các món hàng có thể được mua bán nặc danh. Ngay cả khi giao dịch diễn ra công khai thì cũng khó xác định quyền sở hữu thuộc về ai”. Những mưu đồ như vậy đều thành công bởi định giá tác phẩm nghệ thuật và đồ cổ khá là mơ hồ. Vì thế, chẳng ai, kể cả chính phủ Trung Quốc, đi tố cáo người mua đã trả giá quá cao.
Đôi khi nhà chức trách cũng tiến hành trấn áp tội phạm trong lĩnh vực này. Năm 2012, các nhà quản lý cấp cao của một công ty chuyên chở tác phẩm nghệ thuật ở Trung Quốc đã bị bắt với cáo buộc báo cáo sai giá trị của tác phẩm nghệ thuật nhập khẩu để giúp người mua trốn khoản tiền thuế khổng lồ.
Khó mà xác định bao nhiêu tiền đang “chảy” ra khỏi Trung Quốc qua các giao dịch tác phẩm nghệ thuật. Thế nhưng, theo Tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu của Mỹ, 1.080 tỉ USD đã được tuồn ra khỏi Trung Quốc một cách trái phép trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến 2011. Một số chuyên gia cho rằng cách duy nhất để dẹp bỏ tội phạm trong lĩnh vực tác phẩm nghệ thuật là quét sạch tệ nạn tham nhũng.
Ngô Sinh
người lao động
|