Kinh phí tổ chức ASIAD 18: Tăng gấp đôi lên 5.475 tỉ đồng
Tại phiên điều trần trước Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thể thao thành tích cao diễn ra sáng 18.3, nhiều đại biểu Quốc hội đã... giật mình vì con số mới nhất mà Bộ VHTTDL gửi Bộ Tài chính, ngân sách nhà nước sẽ phải đảm bảo 5.475 tỉ đồng để đăng cai ASIAD 18 - năm 2019. Con số này đã gấp đôi dự trù kinh phí mà Bộ VHTTDL đã trình Thủ tướng Chính phủ (150 triệu USD) khi vận động đăng cai đại hội thể thao này.
Một trường đua xe đạp lòng chảo: 4.000 tỉ đồng?
Trong đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức Đại hội thể thao Châu Á lần thứ 18 (2019) tại VN mới nhất mà Bộ VHTTDL gửi Bộ Tài chính, ngân sách nhà nước sẽ phải đảm bảo 5.475 tỉ đồng, tăng gấp 2 lần so với số kinh phí cần thiết trong đề án mà Bộ VHTTDL đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi vận động đăng cai (từ 150 triệu USD lên 300 triệu USD).
Dự toán kinh phí nói trên chưa bao gồm kinh phí đào tạo VĐV tham dự ASIAD 18 (theo dự kiến khoảng 820,8 tỉ đồng, cũng do ngân sách nhà nước đảm bảo). Đại biểu Phạm Tất Thắng đặt câu hỏi: “Khi thực hiện, nếu con số tăng vọt lên nữa so với dự kiến thì chúng ta lấy đâu ra tiền?”.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh cho biết: “80% số cơ sở vật chất để tổ chức ASIAD 18 đã có sẵn, hơn nữa, chúng ta tổ chức ASIAD gắn với sự phát triển cơ sở hạ tầng (sân bay, cầu đường...) của các địa phương”.
Tuy nhiên, lập luận của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh có phần bị lung lay khi trong phần giải trình của mình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, đúng là khoảng 80% số cơ sở vật chất để chuẩn bị đăng cai ASIAD 18 đã sẵn có, nhưng những cơ sở này vẫn cần đầu tư 2.600 tỉ đồng để nâng cấp, mở rộng, còn số tiền để đầu tư xây mới là 3.000 tỉ đồng".
Trong số các công trình phục vụ ASIAD 18 phải xây mới, 2 dự án mà Bộ Tài chính yêu cầu làm rõ là Làng VĐV và dự án sân đua xe đạp lòng chảo. Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn: “Dự án Làng VĐV theo như đề án là chúng ta sẽ bỏ tiền đầu tư và sau đó đem bán, nhưng điều đó rất khó trong điều kiện bất động sản gặp khó khăn như hiện nay.
Vì vậy, Bộ Tài chính kiến nghị không xây Làng VĐV mà nên tận dụng các khách sạn hiện có. Với dự án sân đua xe đạp lòng chảo, khi đi vào thực hiện, các yếu tố tài chính hiện không khả thi. Nhà đầu tư bỏ ra 500 triệu USD xây sân cho chúng ta, nhưng kèm theo là yêu cầu được phép kinh doanh cá cược và đòi hỏi ưu đãi thuế cao nhất.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện nay thì thì ưu đãi thuế trong việc kinh doanh cá cược là không được phép. Nếu chọn phương án khác thì chúng ta cũng phải mất chừng 3.000 - 4.000 tỉ đồng”.
Cùng chung quan điểm, Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Thế Phương cho rằng cần xem xét lại kế hoạch xây sân đua xe đạp lòng chảo: “Cần xem lại nhà đầu tư có làm không? Nếu không có, thì có thể không tổ chức môn này nữa. Vì nếu ngân sách ra để làm sân chỉ để đua 1 lần rồi bỏ thì không cần thiết”.
Quanh việc sử dụng cơ sở vật chất thể thao, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (UB Pháp luật của QH) đặt vấn đề: “Việc các cơ sở vật chất của ngành thể thao được cho thuê, kinh doanh cho thấy chúng chỉ được xây để phục vụ một sự kiện nào đó. Làm thế nào để giải quyết vấn đề này và trách nhiệm của Bộ VHTTDL đến đâu?”.
Tuy nhiên, câu hỏi của ông Cương đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL trả lời “vòng” sang vấn đề chẳng ăn nhập là “sự cần thiết phải nâng cấp công trình thể thao”, cũng như tiếp tục kêu ca về sự thiếu thốn cơ sở vật chất!
Trong phần kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi đề nghị Bộ VHTTDL “phải xem xét việc đầu tư cho ASIAD có trọng điểm, chủ yếu tập trung cải tạo, nâng cấp cơ sở hiện có, chỉ xây mới những công trình cần thiết đảm bảo tiết kiệm”.
Cần có chế độ cho VĐV sau thi đấu
“Một trong những trở ngại khiến chúng ta khó tuyển chọn VĐV là khi họ hết tuổi thi đấu thì sẽ bị sa thải, nhiều người không thấy trở thành VĐV là một nghề nghiệp ổn định” - đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) khẳng định.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm thừa nhận: “Hiện chúng ta đã có nhiều chế độ chính sách cho các nhóm đối tượng, nhưng với VĐV sau khi giải nghệ thì chưa có.
Nếu thấy đây thật sự là một nhóm đặc thù thì bộ sẽ tiếp thu và nghiên cứu để có cơ chế chính sách với VĐV trong việc học nghề, tìm việc làm”. Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cũng cho biết, với VĐV thuộc nhóm những người không hưởng lương hiện mới có 2 chính sách: Chữa trị chấn thương và bồi thường hồi phục (nhưng chỉ 1 lần). Đối với những chấn thương phải điều trị lâu dài thì chưa có chế độ chính sách.
“Nâng tiền công, tiền thưởng, ban hành chế độ chính sách cho VĐV bị chấn thương...” - đó là một phần trong những đề xuất, kiến nghị mà UB sẽ sớm trình lên Quốc hội trong thời gian tới - ông Đào Trọng Thi kết luận.
* Về việc xây Làng VĐV cho ASIAD 18, Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Quang Quý đề xuất ý tưởng nên kết hợp việc xây Làng VĐV với khu ký túc xá cho sinh viên đang chuẩn bị xây tại Láng - Hòa Lạc. Sau khi kết thúc ASIAD, đây sẽ là một khu ký túc xá sinh viên có cơ sở vật chất hiện đại, đồng thời đỡ tốn kém cho nhà nước.
Diệu An
|
* Trong quá trình chuẩn bị cơ sở vật chất cho ASIAD 18, một đối tác Hàn Quốc đã đưa ra dự án xây Tổ hợp sân đua xe đạp lòng chảo tại VN. Dự án này có tổng kinh phí 500 triệu USD (hơn 10.000 tỉ đồng). Phía đối tác Hàn Quốc hỗ trợ toàn bộ kinh phí, VN chỉ phải góp bằng quyền sử dụng đất, tương ứng với 30% và sau mỗi năm sẽ được đối tác chuyển cho 1% cổ phần. Dự án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 đầu tư 200 triệu USD xây sân đua tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình. Giai đoạn 2 đầu tư 300 triệu USD xây tổ hợp thương mại (khách sạn 5 sao, khu mua sắm, giải trí, ẩm thực...). Điều kiện phía Hàn Quốc là sau khi dự án được hoàn thành, nhà đầu tư được tổ chức và khai thác cá cược đua xe đạp lòng chảo. Theo lộ trình, đến năm 2025, toàn bộ dự án hoành tráng này được đưa vào sử dụng.
Khánh An
|
Quang Minh
Lao động
|