Năm 2014, SCIC sẽ tăng mạnh đầu tư
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết trong năm 2014 này họ sẽ thúc đẩy công tác đầu tư để tận dụng các cơ hội trên thị trường.
Một báo cáo mới đây của SCIC khẳng định Tổng công ty này sẽ “tăng cường nghiên cứu, tham gia mua lại phần thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty tại một số ngân hàng; tăng cường đầu tư vào các ngành, lĩnh vực chiến lược theo tỷ lệ 70% (tổng vốn đầu tư của Tổng công ty) trên nguyên tắc hiệu quả" .
Thông tin từ SCIC cũng cho biết, tại thời điểm 31-12-2013, danh mục đầu tư của SCIC có 369 doanh nghiệp với tổng giá trị theo sổ kế toán trên 14.000 tỉ đồng, giá thị trường tương đương 74.000 tỉ đồng.
Bằng nguồn tiền thu được từ bán vốn và lợi nhuận tích lũy qua các năm, SCIC đã đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế thông qua việc mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, góp vốn thành lập doanh nghiệp mới, đầu tư tăng vốn tại các doanh nghiệp có lợi thế trong sản xuất kinh doanh, đầu tư các dự án trong lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, hợp tác với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế triển khai các dự án trọng điểm.
Theo Nghị định 151 của Chính phủ ban hành cuối năm 2013, các lĩnh vực mà SCIC được phép đầu tư bao gồm đầu tư vào các tập đoàn, tổng công ty hoặc công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con hoạt động trong lĩnh vực then chốt của nền kinh tế mà Nhà nước cần nắm giữ quyền chi phối; đầu tư theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vào những lĩnh vực trọng yếu; đầu tư bổ sung vốn vào các doanh nghiệp mà SCIC đang nắm phần vốn đại diện của nhà nước.
Nghị định quy định SCIC phải dành tối thiểu 70% tổng mức vốn đầu tư để thực hiện các hoạt động đầu tư nói trên, còn lại 30% Tổng công ty được chủ động đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế. Ngành nghề, lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế sẽ được SCIC đánh giá định kỳ (quý, năm), gắn với diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình thị trường.
Theo kế hoạch năm 2014 của SCIC, trước mắt Tổng công ty sẽ nhắm tới một số ngành có hiệu quả cao trong danh mục mà SCIC đang quản lý như viễn thông, thực phẩm, tiêu dùng, y dược, tái bảo hiểm, nhựa, khai khoáng, xây dựng....
SCIC được thành lập với tham vọng là một quỹ đầu tư của Chính phủ, nhưng qua 8 năm hoạt động mô hình này chưa tỏ ra có hiệu quả cao. Theo báo cáo tổng kết hoạt động năm 2013 của SCIC, lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 4.500 tỉ đồng, tăng 23% so với năm 2012. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đạt khoảng 18,7%, tăng 12% so với năm 2012.
SCIC cũng đã nộp Ngân sách nhà nước gần 1.800 tỉ đồng từ lợi nhuận trong tháng 12-2013.
Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến chưa đánh giá cao hiệu quả hoạt động của SCIC bởi họ cho rằng lợi nhuận chảy về Tổng công ty chủ yếu từ các doanh nghiệp đang là ngôi sao trên sàn chứng khoán như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần Viễn thông FPT... Trong khi đó, các hoạt động như thoái bớt vốn nhà nước tại nhóm doanh nghiệp kém hiệu qủa, hay đầu tư năng động, kích thích nền kinh tế và sinh lời còn rất mờ nhạt.
|
Hồng Phúc
tbktsg
|