Kiếm lợi từ 'ông lớn' Samsung: Đâu có dễ
Năm 2014, Samsung tại Việt Nam dự kiến sẽ xuất khẩu 30 tỷ USD, bằng khoảng 20% mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Các doanh nghiệp nội địa sẽ kiếm được bao nhiêu tiền từ con số này?
Đừng bỏ lỡ cơ hội
Giữa lúc các doanh nghiệp FDI đang chịu nhiều điều tiếng về chuyển giá, trốn nợ... thì Samsung - hãng điện tử Hàn Quốc nổi tiếng lại tỏa sáng ở Việt Nam. Lần đầu tiên sau hơn 20 năm mở cửa, một tập đoàn công nghệ cao, tầm cỡ thế giới đã chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất sản phẩm, cụ thể là điện thoại di động - cho thị trường toàn cầu. Sau 9 năm hưởng ưu đãi, Samsung đã bắt đầu đóng thuế và quyết tâm “ăn ở” lâu dài, thay vì đóng cửa nhà máy và rút chân khỏi Việt Nam.
GS Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (tiền thân của Cục Đầu tư nước ngoài ngày nay), đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhấn mạnh: “Vấn đề quan tâm nhất hiện nay là làm sao để tận dụng được tác động lan tỏa từ việc Samsung vào Việt Nam?”
Samsung trở thành doanh nghiệp FDI thành công lớn ở Việt Nam
|
Tại Hội thảo Khởi tạo động lực tăng trưởng mới: Tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI - nội địa”, do Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức mới đây, GS Mại vẫn đau đáu nỗi trăn trở này.
Ông tính toán: “Nếu như năm 2013, trong tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 20-23 tỷ USD của Samsung, chúng ta chỉ cần làm cho họ khoảng 20%, tức là cỡ 4 tỷ USD. Trung bình mỗi doanh nghiệp làm 5 triệu USD, vậy là có khoảng 800 doanh nghiệp làm cho Samsung rồi”.
Thế nhưng, theo ông biết, “Samsung có 68 nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng tại Việt Nam. Trong đó, tới 48 doanh nghiệp là FDI rồi. Doanh nghiệp nội địa của ta chỉ làm cho họ nhãn mác, bao bì... ”.
“Làm thế nào, chúng ta biến công nghệ của Samsung dần dần trở thành của Việt Nam? Đó là câu chuyện mà người Việt Nam phải làm bằng được! Nếu không, câu chuyện FDI chỉ loanh quanh với vài nghìn tỷ thu hút vốn mà thôi”, GS Mại nhấn mạnh.
Có mặt lâu đời ở Việt Nam hơn Samsung là công ty ôtô Toyota. Nhưng hiện nay, trong số 12 nhà cung cấp linh kiện phụ tùng cho hãng này, mới chỉ có 2 đơn vị là của Việt Nam. Đó là công ty Nhựa Hà Nội cung cấp các linh kiện nhựa và công ty cổ phần dụng cụ cơ khí xuất khẩu EMTC cung cấp các bộ dụng cụ theo xe.
Bà Trương Chí Bình, chuyên viên Trung tâm phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (SIDEC), Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương lo ngại: “Mối liên kết giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI đang quá yếu ớt, rời rạc. Doanh nghiệp FDI có thể chỉ tranh thủ ưu đãi thuế, đất... Sau vài năm, hết ưu đãi, các doanh nghiệp này có thể bỏ nhà máy đi nơi khác. Nếu không có doanh nghiệp nội địa nhận chuyển giao công nghệ, trình độ từ FDI thì sự có mặt của FDI này cũng trở nên vô nghĩa”.
Không phải Việt Nam chưa từng có bài học nào về sự thất bại trong kỳ vọng về hiệu ứng lan tỏa của FDI. Năm 2008, sau 14 hưởng thụ một môi trường kinh doanh thông thoáng, Tập đoàn Sony đã đóng cửa nhà máy, rời Việt Nam mà không để lại công nghệ gì.
Sẽ thí điểm công nghiệp hỗ trợ với Samsung
Có nhiều lý do để giải thích cho mối liên kết rời rạc, yếu kém trên nhưng như ông Yutaka Yasuka kawa, Phó Giám đốc Công ty Phát triển đầu tư Javina đánh giá, điểm tắc đầu tiên là chất lượng sản phẩm, là năng lực doanh nghiệp nội địa.
“Tôi đã đi thăm quan một số nhà máy của doanh nghiệp Việt, nhiều nơi cũng đã đầu tư mua máy móc hiện đại như máy ép nhựa, máy dập của Nhật về sản xuất. Nhưng điều đó không đủ. Các sản phẩm này sau đó còn phải được kiểm tra chất lượng thường xuyên. Muốn thế, các công ty ít nhất phải có con người, phải có thiết bị đo lường hiện đại để đảm bảo sản phẩm đạt yêu cầu”, ông Yasukakawa kể.
Với kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, vị chuyên gia người Nhật gốc Việt này chia sẻ, doanh nghiệp FDI như Nhật, Mỹ có yêu cầu rất cao về vấn đề môi trường. Ví dụ, các nguyên vật liệu để chế tạo sản phẩm phải đảm bảo có chứng từ xuất xứ rõ ràng, an toàn, để khi nhập về, sản phẩm làm ra không có hại tới người tiêu dùng.Thế nhưng, ít doanh nghiệp Việt Nam làm được việc đó.
Theo ông, muốn liên kết thành công với các DN FDI lớn, Việt Nam phải khắc phục ngay được điểm tắc này, đầu tư nâng cao chất lượng, hiệu suất công việc. Nếu doanh nghiệp khó đầu tư các thiết bị kiểm định chất lượng thì chính các địa phương cần làm việc này, hỗ trợ doanh nghiệp.
“Cơ hội luôn rộng mở. Các công ty như Samsung, Canon, Nokia đều rất cần nhiều linh kiện phụ tùng và họ luôn hoan nghênh các nhà cung ứng Việt Nam”, vị chuyên gia trên khẳng định.
Trong khi đó, GS Nguyễn Mại cho biết ông đang rất tin tưởng với kế hoạch xây dựng cụm các doanh nghiệp hỗ trợ cho Samsung, một dự án lớn hợp tác với tỉnh Bắc Ninh.
Đầu tiên, dự án này sẽ tâp hợp khoảng 500-700 doanh nghiệp đến làm việc với Samsung, sau đó, sẽ chọn 50 doanh nghiệp Việt Nam thí điểm khoảng 6 tháng thực hiện hợp tác với Samsung. Tại Tp HCM, GS Mại cũng đang đề nghị làm một mô hình tương tự, xây dựng cụm các DN hỗ trợ cho Intel.
Sau những bước đi cụ thể đó, ông kỳ vọng số doanh nghiệp nội tham gia liên kết với các đại gia như Samsung, Intel, Canon, Nokia có thể lên tới 200-500 doanh nghiệp. Tới khi đó, nút thắt cho công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ dần dần được tháo gỡ.
Phạm Huyền
vietnamnet
|