Không phải cái gì lấp lánh cũng là vàng
Một nghệ sĩ lớn tuổi bỗng nhiên “kêu cứu” căn nhà hơn 10 tỉ đồng của ông có thể sẽ bị ngân hàng thu hồi vì nợ nần. Và những người hâm mộ ông đã góp hàng trăm triệu đồng để giúp “thần tượng” của mình...
Ấy là chuyện ở nước ta.
Một bé gái 13 tuổi bị bố giết chết chỉ vì yêu “thần tượng” hơn cha mẹ mình. Đó là chuyện ở Trung Quốc.
Ông Bùi Văn Nam Sơn
|
Thần tượng và nhu cầu suy tôn quá đà có phải là mặt trái của những xúc cảm lẽ ra là lành mạnh? Soi chiếu dưới góc nhìn triết học, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn đã dành cho báo Tuổi Trẻ một cuộc gặp gỡ.
Ranh giới khó phân định
* Dưới góc nhìn triết học thì thần tượng thường mang những đặc tính gì mà đám đông (không kể trẻ già) lại hay mê mệt đến mức... cuồng si, thưa ông?
- “Người trong mộng” thì thời nào cũng có, nhưng “thần tượng” (idol) mà ta bàn ở đây dường như ra đời cùng với nền giải trí được công nghệ hóa và ngày nay được toàn cầu hóa. “Idol” bắt nguồn từ chữ Hi Lạp “eidolon”, là hình ảnh đã trở thành biểu tượng để được tôn thờ, như thế, dù “hiện đại” đến đâu, ta vẫn thấy rõ ý nghĩa tín ngưỡng cổ xưa của từ này. Từ chỗ thần thoại hóa một tính cách đến thần tượng hóa một “ngôi sao” chỉ là sự tiếp tục trong hình thức khác. Jean-Luc Marion, trong The idol and distance (Thần tượng và khoảng cách), có nhận xét rất hay: “Tôi phải gọi tình yêu này là tình yêu của tôi, vì lẽ nó ắt không lôi cuốn tôi như thần tượng, nếu trước hết nó không mang lại cho tôi hình ảnh về chính mình, như một tấm gương vô hình. Tình yêu không thể không kết thúc như là yêu chính mình, trong hình ảnh của một sự tự thần tượng hóa”. Trước tiên, ta “thần tượng hóa” đồ vật hữu hình (túi xách, xe hơi, nhà lầu...), gọi là “bái vật hàng hóa”, sau đó là thần tượng hóa những ham muốn, ý tưởng, lý tưởng, đức tin, hệ tư tưởng vốn là gốc rễ của loại trước và sau cùng là đi tìm những giây phút “thăng hoa” cho chính mình, vượt ra khỏi khuôn khổ nhàm chán của đời thường, tự đo mình bằng những thước đo khác cao hơn.
* Sự ngưỡng mộ ở mức suy tôn, theo ông, dừng ở mức độ nào (từ cả hai phía) thì sẽ nhiều yếu tố tích cực và đến mức độ nào thì cần phải báo động sự tiêu cực về mặt trí và đức?
- Trừ những trường hợp cá biệt, tiếc rằng ngày nay mức độ này thường không do hai phía định đoạt vì tác động của các cơ quan truyền thông, giải trí và tổ chức sự kiện với nhiều kỹ thuật tinh vi. Ranh giới giữa tích cực và tiêu cực, thậm chí giữa hợp pháp và không hợp pháp, cũng rất khó phân định. Không có gì thay thế được sự trải nghiệm của bản thân và nền tảng văn hóa cố hữu của mỗi người.
Người nhận phải đóng thuế... thật nặng!
* Lý giải cách nào khi người ta sẵn lòng bỏ ra chẳng hạn 100 đồng cho “thần tượng” của họ, trong khi chính họ không dám tiêu 100 đồng ấy cho bản thân hoặc chưa bao giờ họ dành số tiền ấy cho người thân? Trong phạm vi của sự ảnh hưởng, những người được suy tôn có quyền năng với đám đông của họ, nhưng còn pháp luật thì sao, có ngoại lệ không?
- Sử dụng cho bản thân là tiêu dùng. Dành cho người thân là biếu tặng. Còn cho “thần tượng” là... hiến dâng! Một sự kiện luôn có nhiều tầng ý nghĩa, hiến dâng là kích thước khác hẳn với tiêu dùng và biếu tặng, không thể so sánh và đánh giá đơn giản. Nhưng lạm dụng việc ấy lại là chuyện của luật pháp: người nhận phải khai báo và đóng thuế... thật nặng, không có ngoại lệ!
* Và có lỗi không khi truyền thông bằng nhiều cách khác nhau đã đưa đến với công chúng những hình ảnh hoặc quá lung linh hoặc vô cùng méo mó để “thần tượng” cùng nỗi cuồng si cứ trồi sụt như... giá chứng khoán, thưa ông?
- Nhìn lại lịch sử, quả thật truyền thông giữ vai trò rất lớn, nếu không nói là quyết định trong lĩnh vực này. Ở phương Tây, thời kỳ hoàng kim của “thần tượng” là những năm 1980 với ảnh hưởng rộng khắp của máy truyền hình. Nhưng thời ấy không thể trở thành “thần tượng” nếu không có cơ quan truyền thông đứng đằng sau “đạo diễn”, biến những thần tượng nhân tạo thành những “cỗ máy làm tiền”.
Từ những năm 1990, người xem bắt đầu nhàm chán và bản thân những “thần tượng” hàng đầu cũng muốn trở thành nghệ sĩ đích thực hơn là “thần tượng”. Ngày nay, Internet dần thế chỗ cho tivi, rất thuận tiện cho việc trở thành “thần tượng” với phí tổn thấp và nhiều người có thể xây dựng một nhóm những kẻ ái mộ, nhỏ nhưng vững chắc. Ta bước vào thời kỳ của số đông những “thần tượng”, số đông những “fan club”, song hành với tiến trình đa dạng hóa của sở thích và dân chủ hóa xã hội. Hệ thống truyền thông nói chung, công nghệ giải trí nói riêng, vận hành theo quy luật riêng của nó, khó có thể rao giảng đạo đức ở đây. Chính những phương tiện truyền thông khác, cách thức truyền thông khác, tự chúng sẽ dần thay thế và điều chỉnh.
* Là một nghệ sĩ, nhất là đã trở thành “thần tượng” của nhiều người, thì có hay không trách nhiệm của họ với danh tiếng, với nghề nghiệp, những thứ đã mang lại cho họ hào quang, thưa ông? Danh tiếng như phù hoa nhưng có thể đi theo suốt cuộc đời, ứng xử ra sao, cách nào để hình ảnh ấy không “phản bội” tình yêu, sự si mê của công chúng?
- “Nghệ sĩ” có trước hay “thần tượng” có trước? Thông thường, sự nghiệp sáng tạo làm nên người nghệ sĩ. Danh tiếng và trở thành “thần tượng” đến sau như là kết quả tự nhiên. Nhưng từ khi có “công nghệ” tuyên truyền và quảng cáo, trình tự thường bị đảo ngược! Điều này góp phần gây nên ảo tưởng cho cả “thần tượng” lẫn người ái mộ. “Thần tượng” sa đọa thành “ngẫu tượng” của sự tự huyễn hoặc cho phía bên này và mê muội cho phía bên kia. “Ngẫu tượng” là sản phẩm được dựng lên, đã không tự chủ thì làm sao có ý thức trách nhiệm?
“Không phải cái gì lấp lánh cũng là vàng”. Người nghệ sĩ đích thực, với mỹ cảm thiên phú, ý thức điều này hơn ai hết. Họ sống cho cái đẹp hơn là muốn cái đẹp phục vụ cho mình. Như có nói ở trên, sau sự sụp đổ của nhiều “thần tượng” ở các nước (vướng vào ma túy, lừa đảo, tội phạm...), nhiều “thần tượng” hàng đầu khác trong làng giải trí đã chọn trở lại làm người nghệ sĩ.
Cát Khuê
tuổi trẻ
|