Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh:
DN tư nhân chưa được cạnh tranh công bằng
Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013, theo công bố của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 20.3, ngôi đầu thuộc về Đà Nẵng và ghi nhận sự thăng hạng của nhiều trung tâm kinh tế lớn khác là Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ.
* Thu hút FDI đối mặt với nhiều cạnh tranh
Trong đó, Quảng Ninh tiến bộ vượt bậc khi leo lên vị trí thứ 4, TP.HCM tăng 3 hạng nằm trong tốp 10, Hà Nội tăng 18 hạng từ 51 lên 33. Ở phía cuối nhóm “cầm đèn đỏ” vẫn rơi vào khu vực miền núi phía bắc, trong đó xếp thấp nhất bảng là Tuyên Quang.
Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013
|
Chưa công bằng với DN tư nhân
Ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, nỗ lực tăng hạng của tỉnh là nhờ trong năm đã triển khai thuê tư vấn Mỹ quy hoạch vùng KT-XH trong tỉnh; thuê tư vấn Nhật Bản quy hoạch không gian đô thị để thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đầu tư vào điểm nghẽn lớn nhất là cơ sở hạ tầng và cuối cùng tập trung cải cách mạnh thủ tục hành chính.
Năm nay, ban tổ chức đã khôi phục Chỉ số thành phần về cạnh tranh bình đẳng sau khi đã loại bỏ vào năm 2009. Theo khảo sát từ các doanh nghiệp (DN) dân doanh, những ưu đãi của chính quyền đối với DNNN vẫn tiếp diễn, thậm chí còn ở mức độ lớn hơn. Năm 2013 có 31% DN cho biết việc các DNNN được ưu ái trong lĩnh vực tiếp cận đất đai, tín dụng và mua sắm công. Ưu đãi này cũng dành cho các DN tiền thân là DNNN và các DN thân quen với chính quyền sau khi được cổ phần hóa.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 32% DN dân doanh tin chắc rằng lãnh đạo tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển DN tư nhân trong tỉnh. “Điểm đáng lo ngại là DN vẫn cho rằng sân chơi chưa thực sự cạnh tranh công bằng đối với khối tư nhân trong nước và đặc biệt lo ngại rằng các DN có mối quan hệ thân quen với lãnh đạo tỉnh, nhất là DN cổ phần và DN có lãnh đạo từng là quan chức nhà nước, thường được ưu ái hơn trong tiếp cận đất, vốn và các hợp đồng mua sắm”, báo cáo nêu rõ.
Niềm tin của DN FDI ở mức thấp nhất
Kết quả khảo sát thu thập ý kiến của 1.609 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến từ 49 quốc gia khác nhau của VCCI, cho thấy tâm lý bi quan của các DN này đang tăng lên. Niềm tin và hiệu quả hoạt động của DN FDI đang ở mức thấp nhất kể từ khi có khảo sát PCI đối với nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ 28% DN FDI có ý định tăng quy mô kinh doanh trong vòng hai năm tới. Tăng trưởng vốn và lao động của DN cũng thấp hơn năm trước…
Theo số liệu, có 54% DN FDI trước khi lựa chọn VN đã từng cân nhắc đầu tư vào quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia… Chỉ báo này cho thấy VN có thể không còn là điểm đến được ưu ái nhất đối với các nhà đầu tư quốc tế như giai đoạn 2007 - 2010. Trong số các nhà đầu tư cân nhắc địa điểm đầu tư có 69% chọn VN - quốc gia được đánh giá tốt so với các nước trong khu vực về rủi ro bị thu hồi tài sản thấp, mức thuế thấp hơn. Tuy nhiên, GS-TS Edmund Malesky - Trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết mức thuế hiện nay của VN chỉ khá hơn Trung Quốc, Campuchia, Lào và Myanmar, còn quốc gia khác thì không. Nhưng đáng tiếc tình trạng tham nhũng tại VN trong con mắt của DN FDI vẫn còn cao và hạ tầng thì VN cũng chỉ hơn Lào, Campuchia và Myanmar.
Về vấn đề chuyển giá, theo ông Malesky, DN chuyển giá cao nhất ở ngành mà chính sách thuế hay thay đổi, càng chóng mặt thì càng làm cho DN sợ hãi, họ càng dễ chuyển giá. Ông Malesky khuyến cáo, chính sách thuế cần có sự ổn định, có lộ trình.
Bà Sherry Boger, Tổng giám đốc Tập đoàn Intel Products VN quan ngại về tính công khai, minh bạch của chính sách khi DN FDI chỉ mới được tiếp cận thông tin nếu họ chủ động yêu cầu. Vì vậy DN và người dân mong muốn các cơ quan nhà nước chủ động cung cấp thông tin một cách tích cực hơn. Đặc biệt, được tham gia góp ý vào quá trình hoạch định chính sách. “Có nhiều DN FDI đang cân nhắc điểm đến khác so với VN. Họ nghĩ rằng đầu tư ở VN không thuận lợi bằng. Số này càng ngày càng tăng cho thấy VN phải cạnh tranh với nhiều đối thủ hơn trong khu vực. VN phải cải thiện việc bảo vệ nhà đầu tư, chính sách thuế, luật phá sản và cơ sở hạ tầng đang lạc hậu”, bà Sherry Boger khuyến nghị.
Anh Vũ
thanh niên
|