Chưa thấy đường sống, chẳng ai dại đầu tư nhà đất
Mặc dù thị trường BĐS năm 2014 được nhận định sẽ phục hồi thông qua những tín hiệu tích cực từ chính sách, nguồn cung, sức cầu... tuy nhiên, chưa thấy có chuyển động nhiều trong kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS niêm yết. Số đông vẫn ở trong trạng thái cầm cự.
Lo tồn tại đã khó
Tính đến thời điểm này, phần lớn doanh nghiệp BĐS đều chưa có kế hoạch chi tiết cho năm 2014. Tuy nhiên, một phương án thận trọng, không khác nhiều so với năm ngoái đã được nhiều doanh nghiệp suy tính đến. Họ cũng không đặt trọng tâm vào mục tiêu tăng trưởng, lãi lỗ ra sao mà dành ưu tiên cho bài toán tồn tại thế nào, trụ lại ra sao... bất chấp thị trường dự báo sẽ được hồi phục.
Một lãnh đạo của Công ty CP Vạn Phát Hưng (HOSE: VPH) cho biết, dù chưa thể công bố thông tin cụ thể về kế hoạch kinh doanh năm 2014 nhưng cơ bản, mọi hoạt động ở Vạn Phát Hưng sẽ vẫn như cũ. Về đầu tư, công ty này sẽ chỉ nhắm đến các dự án trọng điểm có sẵn quỹ đất, dự án có lợi thế cạnh tranh và khả năng bán hàng, thu hồi vốn tốt.
Trong báo cáo tháng 11 năm ngoái, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo Vạn Phát Hưng có thể chưa triển khai đầu tư block 2A-2B khi block đầu tiên chưa bán hết và công ty đang thiếu nguồn tiền tài trợ đầu tư dự án. Như vậy, làm thế nào để gia tăng nguồn tiền có lẽ sẽ là vấn đề được quan tâm trong kỳ đại hội cổ đông sắp tới. Nhưng lãnh đạo công ty xác nhận, việc gọi vốn bổ sung, nếu có, sẽ không nhiều.
Không chỉ Vạn Phát Hưng mà nhiều công ty khác cũng đưa ra kế hoạch kinh doanh theo hướng "cố thủ". Thậm chí, một số doanh nghiệp như Công ty CP Phát triển Hạ tầng kỹ thuật (IJC), Công ty CP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (D2D)... còn đề ra chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2014 giảm so với năm 2013.
Trong khi nhiều doanh nghiệp chưa thể đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2014 thì CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) lại loay hoay với bài toán nợ cũ. Hoạt động kinh doanh của công ty trong năm 2013 không có nhiều khởi sắc. Được cơ cấu nợ vay từ ngắn hạn sang dài hạn, nhưng áp lực trả lãi vay và nợ gốc đang tăng cao. Hàng loạt các yếu tố khác sẽ khiến cho hoạt động kinh doanh của Phát Đạt càng thêm khó khăn trong thời gian tới.
Mặc dù năm trước Phát Đạt đã giảm giá bán dự án nhưng cũng chưa mang lại kết quả như mong đợi. Áp lực về trả nợ gốc và lãi vay sẽ tiếp tục gia tăng tạo khó khăn cho dòng tiền. Hoạt động đầu tư đình trệ và nỗi lo về chi phí lãi vay vốn hóa lên giá vốn sẽ khiến cho hoạt động kinh doanh thời gian tới thêm phần khó khăn.
Rẽ hướng khác
Không vướng vào các khoản nợ cũ nhưng một số doanh nghiệp có nguồn vốn lớn vẫn giữ "thế thủ" đối với thị trường BĐS năm nay. Thay vào đó là mở đường sang đầu tư ở lĩnh vực khác để đảm bảo nguồn thu. Gần đây, không ít doanh nghiệp BĐS đầu tư vào nông nghiệp nhằm quay nhanh dòng vốn.
Không tạo ra mức doanh thu khủng hay tỷ suất lợi nhuận cực kỳ lớn như kinh doanh địa ốc, nhưng đổ vốn vào nông nghiệp đảm bảo cho dòng tiền bền vững và an toàn hơn.
Một doanh nghiệp chỉ đơn thuần kinh doanh đại ốc từ khi thành lập đến giờ như Thuduc House (HOSE: TDH) cũng đã bắt đầu tính đến thị trường "đệm" cho mình khi thị trường địa ốc đang tồn tại nhiều nguy hiểm.
Từ năm 2013, Thuduc House đã phát triển thêm ngành phụ mới là xuất khẩu nông sản, lâm sản. Công ty này đang đẩy mạnh xuất khẩu các loại gỗ dăm phục vụ cho ngành công nghiệp làm giấy, sắn làm cồn cho các đối tác Nhật Bản. Dự kiến trong quý I/2014, Thuduc House sẽ ký nhiều hợp đồng xuất khẩu mặt hàng lâm sản với khách hàng, mỗi hợp đồng trị giá trên 10 triệu USD.
Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư Thương mại BĐS An Dương Thảo Điền (HOSE: HAR) cũng đã công bố nghị quyết hội đồng quản trị vào cuối năm 2013 về việc tham gia góp vốn thành lập Công ty CP Đầu tư và Thương mại Ascentro. Đáng chú ý, với mảng hoạt động của doanh nghiệp mới là nông, lâm sản nguyên liệu, công ty không sản xuất mà chỉ bán buôn nông sản, nguyên liệu thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản, bán buôn thóc, bắp và các loại ngũ cốc.
Tồn kho lớn đã khiến các doanh nghiệp BĐS gặp áp lực trong gia tăng chi phí tài chính, quản lý cũng như đầu tư. Trong bối cảnh thị trường chưa ổn định thì xây dựng kế hoạch tài chính là bài toán không dễ giải trong ngắn hạn. Vì thế, việc họ đứng bên lề những thông tin tốt từ thị trường cũng dễ hiểu.
Nam Phong
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|