Cạnh tranh không nổi, bệnh viện tư ngắc ngoải
Trong khi các bệnh viện công đều quá tải với công suất sử dụng giường bệnh đều trên 100% thì các bệnh viện tư lại trong tình trạng vắng vẻ. Tuy nhiên, để các bệnh viện công san sẻ công việc cho bệnh viện tư nhằm giảm tải xem ra còn “xa vời”.
Bệnh viện tư “ngắc ngoải”
Tại hội nghị Tăng cường phối hợp giữa bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân nhằm giảm tải bệnh viện khu vực phía Bắc diễn ra ngày 14-3 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, các bệnh viện công hiện nay đều làm việc quá tải và có công suất sử dụng giường bệnh trung bình đều trên 100%.
Có những bệnh viện như Bạch Mai, Chợ Rẫy…mỗi ngày có tới 4.000-5.000 lượt khám; trong khi đó các bệnh viện tư đều làm việc “dưới tải” với công suất sử dụng giường bệnh chỉ từ 40-60%.
Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Tiến, việc liên kết giữa hai khu vực này theo hình thức “đôi bên cùng có lợi” sẽ phần nào giảm được tình trạng quá tải bệnh viện hiện nay.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc bệnh viện Hợp Lực (Thanh Hóa) cho hay, hiện các bệnh viện tư đang làm việc dưới tải nhưng sẽ không có chuyện bệnh viện công chuyển bệnh nhân sang bệnh viện tư vì liên quan đến vấn đề nguồn thu cho ngân sách địa phương; bệnh viện công chỉ có thể chuyển bệnh trong cùng hệ thống chứ bệnh viện tư khó chen vào. Hơn nữa, nhiều bệnh viện công muốn quá tải để xin đầu tư mở rộng, nâng cấp, mua sắm thiết bị…vì tất cả quy trình đó đều có thể sinh lợi nhuận.
Ông Đệ nói rằng, thành lập bệnh viện tư đã khó nhưng giữ được bệnh viện tư còn khó hơn nhiều. Theo ông Đệ hiện cả nước có 170 bệnh viện tư nhân với tổng vốn đầu tư khoảng trên 300.000 tỉ đồng và nếu sử dụng hiệu quả thì đây là nguồn tài chính rất lớn phục vụ cho việc giảm tải bệnh viện.
“Sau khi tìm hiểu 170 bệnh viện tư, chúng tôi thấy số bệnh viện chết và ngắc ngoải chiếm đến khoảng 50% do làm việc dưới công suất. Nhiều doanh nghiệp vỡ nợ mà chưa dám công bố. Nếu bệnh viện tư chết thì đây quả là một sự lãng phí khối lượng lớn tài sản của xã hội” – ông Đệ bày tỏ.
Ông Vũ Thế Hùng – Giám đốc bệnh viện Tràng An cho hay, bệnh viện tư đang phải làm việc dưới vô vàn khó khăn như bệnh nhân vẫn còn tâm lý “sính” bệnh viện nhà nước; phải tự đầu tư cơ sở, trang thiết bị và nguồn nhân lực nên phí y tế cao hơn…Chính vì vậy, ông Hùng cũng mong muốn các bệnh viện nhà nước “san sẻ” bớt bệnh nhân sang bệnh viện tư để giảm áp lực về tài chính cho khối bệnh viện này.
Bệnh viện công nói gì?
Đánh giá việc phối hợp giữa các bệnh viện công lập và tư nhân là rất cần thiết nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và góp phần giảm tải ở các bệnh viện công nhưng ông Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc bệnh viện Bạch Mai cho hay sự phối hợp giữa hai bên còn nhiều vướng mắc vì chưa có quy chế rõ ràng.
Cụ thể như về cơ chế tài chính khi chuyển giao bệnh nhân, quy định bác sĩ làm ngoài giờ, cách tính tiền công cho bác sĩ làm ngoài giờ….
“Một trong những vấn đề về tính khả thi trong hợp tác công – tư, đó là giá dịch vụ khám chữa bệnh của hai loại hình bệnh viện này khác nhau. Liệu rằng, người bệnh có chấp nhận chuyển từ bệnh viện chi phí thấp sang bệnh viện chi phí cao, trong khi chất lượng chưa chắc đã cao hơn?” – ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc bệnh viện K cũng cho hay, bệnh viện K sẵn sàng hợp tác với bệnh viện tư nhân trong đào tạo, chuyển giao kỹ thuật nhưng ông cũng đặt câu hỏi: Liệu bệnh viện tư (đặc biệt là con người) có đủ năng lực để tiếp nhận hay không?
Thùy Dung
tbktsg
|