Bong bóng tín dụng Trung Quốc (K1): Đáng ngại
Lần đầu tiên Bắc Kinh thừa nhận nguy cơ phá sản ở nhiều doanh nghiệp, 1 tuần sau khi nước này có vụ vỡ nợ trái phiếu đầu tiên. Bong bóng nợ, bất động sản và suy yếu tăng trưởng đang khiến nhiều người lo ngại nguy cơ hạ cánh cứng của Trung Quốc, thậm chí đổ vỡ.
Năm 2009, Lou Jiwei, Chủ tịch Quỹ đầu tư toàn quyền Trung Quốc, nhận xét: “Cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đang xử lý các bong bóng bằng cách tạo ra thêm nhiều bong bóng”. Câu nói này có vẻ đang đúng với Trung Quốc.
10 ngành nguy cấp
5 năm đã trôi qua, tổng tài sản sổ sách các ngân hàng ở Hoa Kỳ tăng 2.100 tỷ USD, trong khi tài sản các ngân hàng Trung Quốc bùng nổ chưa từng có 15.400 tỷ USD, chạm mức 147.000 tỷ NDT (24.000 tỷ USD), gấp 2,5 lần GDP nước này. Trong 5 năm đó, Hoa Kỳ nổi tiếng với chương trình nới lỏng định lượng (QE) bơm 85 tỷ USD/tháng vào các ngân hàng, tương đương 1.000 tỷ USD/năm.
Sắp có làn sóng vỡ nợ ở 10 ngành công nghiệp Trung Quốc, bao gồm: (1) đóng tàu; (2) sắt thép; (3) đèn LED; (4) nội thất; (5) bất động sản; (6) vận tải biển; (7) tín chấp và các định chế tài chính; (8) quản lý tài chính; (9) vốn tư nhân và (10) mua theo nhóm.
Hãng nghiên cứu Business Wisdom
|
Nhưng chỉ trong vòng 12 tháng từ ngày 30-9-2009, tài sản các ngân hàng Trung Quốc đã tăng thêm 3.600 tỷ USD, thêm vào 140% GDP bình quân, hay 12.500 tỷ USD vào sổ sách. Để so sánh, trong cùng kỳ các ngân hàng Hoa Kỳ thêm chưa tới 700 tỷ USD, 4,4% GDP bình quân, thấp hơn 18 lần so với các ngân hàng Trung Quốc. Sự gia tăng tài sản ngân hàng của Trung Quốc trong 4 năm qua tương đương 7/8 tổng số tài sản tồn đọng của tất cả tổ chức bảo hiểm của FDIC (Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Hoa Kỳ), tương đương 30% tổng tài sản ngân hàng khu vực đồng EUR.
Từ thực trạng trên dễ dàng hình dung sự sụp đổ ở Trung Quốc khi bong bóng này bị vỡ. Năm 2009, các nhà phân tích của Global Research từng cảnh báo Trung Quốc đang theo con đường tín dụng dễ dãi tương tự các chính sách tiền tệ nới lỏng của Hoa Kỳ từ năm 2001. Không chỉ vậy, tình trạng ở Trung Quốc còn rủi ro hơn do nạn tham nhũng, bè phái và che giấu nợ xấu. Năm 2013, tờ International Business Times lưu ý rằng ngành công nghiệp thép nặng nợ của Trung Quốc đang trên bờ vực phá sản. Tháng 12, một công ty than lớn của Trung Quốc là Tập đoàn Liansheng Resources đã phải tuyên bố phá sản với 5 tỷ USD nợ.
Thời điểm Bear Stearns
Ngày 8-3, các nhà chức trách Trung Quốc đã để xảy ra vụ vỡ nợ trái phiếu đầu tiên, khi Công ty Chaori Solar thất bại trong việc trả 15 triệu USD lãi suất nợ của mình. Đó là diễn biến bất ngờ, bởi trước đó chính phủ và các ngân hàng do nhà nước kiểm soát của Trung Quốc luôn ra tay ứng cứu các công ty vào giờ chót để giữ niềm tin trên thị trường tín dụng. Nhưng nay, giới cầm quyền Trung Quốc cam kết sẽ để các lực lượng thị trường quyết định nền kinh tế nhiều hơn. Tạp chí Time đặt vấn đề liệu có phải Trung Quốc đã tiến vào “thời điểm Bear Stearns”, ngầm so sánh vụ phá sản Ngân hàng Bear Stearns ở Hoa Kỳ trước đây, mở đầu cho một loạt ngân hàng phá sản dẫn đến sụp đổ hệ thống tài chính.
Thực tế, khi tài sản tăng quá nhanh, để cân bằng sổ sách, các ngân hàng Trung Quốc đã chuyển bớt sang kênh ngân hàng ngầm. Dù nợ của chính quyền trung ương có vẻ không đáng lo (45% GDP năm 2012), nhưng nợ doanh nghiệp vượt 150% GDP, cao nhất thế giới. Đối với 24.000 tỷ USD tài sản ngân hàng, do hầu hết ngân hàng đều sở hữu nhà nước nên Bắc Kinh chịu trách nhiệm đối với khoản nợ tương đương 265% GDP.
Và dù nợ xấu chính thức do nhà nước công bố năm 2013 chỉ 95,8 tỷ USD, nó cũng tăng 48% so với năm 2011. Ngày 31-3 tới, nhiều khả năng Công ty Bất động sản Zhejiang Xingrun Real Estate Co. sẽ vỡ nợ 32 triệu USD nếu không được ứng cứu. Hiện công ty này nợ 566,6 triệu USD.
Một công ty bất động sản Trung Quốc có thể vỡ nợ 32 triệu USD
vào cuối tháng này nếu không được ứng cứu.
|
Nợ xấu tích tụ và sự bùng nổ của hệ thống ngân hàng ngầm nhiều rủi ro, ít kiểm soát ở Trung Quốc đã làm gia tăng quan ngại về sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc. Đó là lý do vụ vỡ nợ của Chaori khiến người ta lo ngại. Vụ vỡ nợ cảnh tỉnh giới đầu tư và nhà băng rằng những công ty họ nghĩ là an toàn nhất nay có thể rủi ro, do đó bắt đầu rút lại các khoản đầu tư và cho vay đối với doanh nghiệp. Điều đó có thể dẫn đến cơn chấn động tín dụng. Nhiều vụ vỡ nợ hơn có thể xảy ra, tạo thành cơn bão tài chính xô đổ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. “Tôi nghĩ 88% doanh thu của các công ty tín dụng ở Trung Quốc có rủi ro về dài hạn” - theo nhà phân tích McKinsey.
Từ khi Lehman Brothers bị phá sản năm 2008, tín dụng cá nhân của Trung Quốc tăng từ 9.000 tỷ USD lên 23.000 tỷ USD, tương đương toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại của Hoa Kỳ chỉ trong 5 năm. Tỷ lệ tín dụng trên GDP đã tăng từ 75% lên 200%, so với Hoa Kỳ chỉ 40% vào 5 năm trước khi vỡ bong bóng thế chấp, hoặc ở Nhật Bản trước khi Nikkei vỡ năm 1990. Vấn đề đáng quan ngại là cả nợ tư nhân và cung tiền đều tăng quá nhanh ở Trung Quốc. Theo Forbes, lượng cung tiền M2 nước này tăng 13,6% trong năm ngoái, tăng tới 1.000% so với năm 1999.
(Còn tiếp)
Văn Cường
Sài gòn đầu tư
|