Vốn cho hạ tầng: Đâu là lối ra?
Những rủi ro đầu tư từ phương thức BT, BOT… đã cho thấy các phương thức này không còn tối ưu trong bối cảnh huy động vốn cho hạ tầng khó khăn như hiện nay. Đâu là lối ra?
Trong thời gian tới, TP.HCM cần hàng chục tỷ USD cho đầu tư hạ tầng. Riêng đầu tư cho hạ tầng giao thông, theo Sở GTVT TP.HCM, trong năm nay thành phố cần tới hơn 10.000 tỷ đồng. Các nguồn vốn này sẽ được lấy từ đâu vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.
Xã hội hóa công tác đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đã được TP.HCM thực hiện từ gần 20 năm trước. Tuy nhiên, các hình thức xã hội hóa “quen thuộc” như BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - thu hồi vốn - chuyển giao)… đã không còn được nhiều nhà đầu tư quan tâm như trước.
Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2013 đến nay, hầu như không có nhà đầu tư nào đặt vấn đề đầu tư xây dựng công trình giao thông từ các hình thức nêu trên.
Hình thức BT, nhà đầu tư ứng vốn ra xây dựng công trình và sau đó ngân sách nhà nước chi trả lại là một thách thức không chỉ đối với nhà nước mà còn với cả doanh nghiệp vì trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, nhà nước rất khó thực hiện được cam kết này.
Trước đây, khi thị trường nhà đất còn phát triển nóng, nhà nước giao đất cho nhà đầu tư, nhà đầu tư khai thác và tìm kiếm lợi nhuận để bù đắp vào chi phí xây dựng (đổi đất lấy hạ tầng) khá hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Tuy nhiên, kể từ khi thị trường nhà đất đóng băng, hình thức đầu tư này đã không còn hấp dẫn nữa.
Trong khi đó, đầu tư theo hình thức BOT, nhà đầu tư cũng gặp những khó khăn khác. Trước hết, các quy định hiện nay không cho phép đặt quá nhiều trạm thu phí giao thông. Việc thu phí bảo trì đường bộ và sử dụng khoản thu này để bảo trì và phát triển hệ thống giao thông thay cho việc lập trạm thu phí đã khiến nhiều nhà đầu tư ái ngại.
Nhà nước phải có trách nhiệm lớn hơn
Theo các chuyên gia, so với phương thức đầu tư BT, BOT… thì phương thức PPP (hợp tác công – tư) có nhiều ưu điểm hơn. Bởi, với phương thức này, trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà nước cao hơn. Nhà nước sẽ phải trực tiếp góp vốn, góp sức hoặc “góp” bằng những cơ chế chính sách phù hợp để thực hiện dự án.
PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt (ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng, có ba lợi ích thúc đẩy PPP thành công, đó là: thu hút vốn đầu tư tư nhân thay cho nguồn vốn nhà nước; tăng năng suất và tính hiệu quả của các nguồn lực có sẵn; cải cách các khu vực thông qua phân bổ vai trò và trách nhiệm.
Do vậy, chính vì đặc điểm này mà PPP đang được kỳ vọng là phương thức thu hút đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế như hiện nay.
Tuy nhiên, phương thức đầu tư PPP đến nay vẫn còn nằm ở giai đoạn “phôi thai”. Trách nhiệm của nhà nước đối với nhà đầu tư chỉ mới dừng ở mức “đứng ngoài” hỗ trợ và tạo điều kiện thực hiện công trình. Nhà nước chưa thực sự cùng chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro với doanh nghiệp.
Hai vấn đề hàng đầu mà nhà đầu tư quan tâm khi quyết định đầu tư theo phương thức PPP, đó là cơ chế vay vốn và hoàn vốn.
Đặc thù của các dự án hạ tầng cần nguồn vốn rất lớn, mà đa phần nhà đầu tư phải đi vay mới đủ năng lực tài chính, trong khi việc đi vay không dễ nếu như nhà nước không bảo lãnh vốn vay và ưu tiên hoàn vốn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhà nước nên tổ chức đấu thầu các dự án PPP công khai, minh bạch; đồng thời kiểm soát chất lượng dự án và tổng mức đầu tư, còn lại “khoán” cho doanh nghiệp chủ động thực hiện công trình.
“Phải chuẩn hóa, luật hóa sự tham gia của nhà nước trong tương tác với doanh nghiệp trong công tác đầu tư thì hình thức PPP mới hấp dẫn và khả thi”, một chuyên gia bình luận.
Lê Nguyễn
Tổ quốc
|