Quy hoạch đô thị: Có theo những vết xe (hơi) đổ?
Ở phần lớn các thành phố Mỹ, không có chiếc xe hơi không thể đi làm, đi chơi, đi mua sắm gì được. Người Mỹ cũng đã nhận ra “sai lầm” này và bắt đầu sửa sai. Xứ mình có lợi thế người đi sau, có thể học được từ kinh nghiệm của họ và tránh theo vết xe đổ.
Cách làm giao thông hợp lẽ là ưu tiên phát triển phương tiện công cộng để bớt lượng xe gắn máy, chứ không phải mở rộng đường, nay một chút mai một chút. Ảnh: Kinh Luân
|
Khoảng những năm 1960, ở các nước kỹ nghệ phát triển đã hình thành một lối sống mà người dân của họ chưa hề thấy trong những thập kỷ trước. Các tạp chí thời trang, màn bạc và sau đó ti vi bắt đầu đem đến cho khán giả ở khắp mọi xó xỉnh trên trái đất này những câu chuyện về một xã hội Âu Mỹ dư dật, thường hay gắn với chiếc xe hơi. Đó là người đàn ông Mỹ lái chiếc Chevy hay Ford đi làm hàng ngày, cuối tuần cho cậu con mượn đón cô bồ đi drive-in cinema (1). Đó là xa lộ nước Pháp vào mùa hè tắc nghẽn xe hơi của hàng đoàn người đổ về miền Nam tắm biển. Điều hấp dẫn có lẽ ở chỗ chủ xe là một công dân trung lưu: viên chức, nhân viên văn phòng, người hành nghề tự do, hay thợ máy. Từ hồi chiếc Ford T được sản xuất hàng loạt, không cần phải là phú ông mới sắm được xe hơi, tuy nhiên đến cái thời thịnh vượng này của kỷ nguyên công nghiệp chiếc xe hơi mới thật sự trở thành một thứ vật dụng phổ thông. Có tiền nhiều người ta sắm limousine thuê tài xế, ít tiền thì chạy mini hay compact. Mấy tạp chí kiến trúc Pháp thời đó có cả trang quảng cáo chiếc Renault 4 với hình một chàng kiến trúc sư chất đầy mấy cuộn giấy ở băng ghế sau và khoan khoái thổ lộ: từ nay tui không còn sợ bị ướt bản vẽ!
Chiếc xe hơi trong đời sống đô thị ở Bắc Mỹ - những kinh nghiệm đắt giá
Trong hơn nửa thế kỷ vừa qua, các đô thị Bắc Mỹ có thể nói chịu ảnh hưởng kinh hồn của chiếc xe hơi, chiều chuộng chiếc xe hơi, dành ưu tiên cho người lái xe hơi. Việc phát triển gấp rút mạng lưới xa lộ Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, vốn nhằm đáp ứng việc chuyển quân nhanh chóng một khi chiến tranh lạnh trở thành nóng, cùng chương trình gia cư cho cựu chiến binh của liên bang, đã tạo thuận tiện cho giới kinh doanh địa ốc xây các khu nhà đơn lập nằm ở hầu như bất cứ nơi nào có giá đất rẻ. Những khu mới thường nằm xa trung tâm thành phố, cạnh một xa lộ hay đường trục, gần bên người ta cất các strip malls, big boxes (thương xá, siêu thị) với các bãi đậu xe mênh mông bao quanh. Dạng phát triển địa ốc đó được gọi suburban sprawl. Giấc mơ Mỹ - American Dream - đã không còn là Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên (2) mà nay được ấp ủ trong hình hài chiếc xe hơi và ngôi nhà ngoại ô, tất nhiên với cái nhà xe ngay mặt tiền!
Suburban sprawl chiếm nhiều diện tích đất, thường là đất rừng, đất ruộng và tốn kém do phải kéo thêm các công trình hạ tầng. Các dãy nhà đơn điệu, big boxes và các bãi đậu xe được xem là làm nghèo nàn bộ mặt kiến trúc và mất sinh khí của đô thị. Đi đâu ra khỏi nhà là vọt lên xe; ít vận động riết sinh bịnh, số người bị béo phì và tiểu đường ngày càng tăng.
Ở phần lớn các thành phố Mỹ, không có chiếc xe hơi không thể đi làm, đi chơi, đi mua sắm gì được. Việc phải bỏ hàng tiếng đồng hồ lái xe giữa nhà và hãng sở, mỗi ngày, hết năm này qua năm khác, với nhiều người nghĩa là bị tước bỏ mất chừng ấy thời gian lẽ ra làm được chuyện khác vui thú hay ích lợi hơn. Nếu tắc đường thì càng rước thêm bực dọc. Chưa kể gặp thời tiết xấu, chuyện xe đụng liên tiếp là thường. Chỉ mới đây ở Atlanta, vì tuyết đổ dày đột ngột, hàng ngàn xe cộ kẹt cứng ngắc giữa trời tuyết trắng từ chiều hôm trước qua tận chiều hôm sau; người chứng kiến mô tả cảnh y như mấy phim zombies (3). Nhiều thành phố Bắc Mỹ đã và đang xây đường sắt đô thị. Người Mỹ bắt đầu sửa sai, hẳn chưa phải là quá trễ. Xứ mình có lợi thế người đi sau, có thể học được từ kinh nghiệm của họ và tránh theo vết xe đổ.
Đâu là cách giao thông hợp lẽ?
Ở bên ta, có vẻ chiếc xe gắn máy đang chịu cái phức cảm vừa yêu vừa ghét tương tự chiếc xe hơi bên Mỹ. Điều thấy giống nhau trước tiên là thiếu chúng thì “như cụt cẳng”. Cũng cần đi đâu một chút là vọt lên xe. Riêng xe hai bánh có cái “tiện” muốn tấp vào đâu thì tấp, quẹo đâu thì quẹo.
Sự tung hoành của chiếc xe gắn máy và cái lộn xộn nhà phố/phố nhà cùng đều là hệ lụy của thời cuộc. Tuy vậy, khác chiếc xe hơi, chiếc xe gắn máy không đủ tầm cỡ tác động đến hình thái đô thị mà chỉ làm tiều tụy thêm cảnh quan đường phố, khi mỗi chủ nhà phố đập vát một đoạn lề đường hay đắp lấn ra lòng đường một cái dốc xi măng để tiện cho xe vào ra, khi vỉa hè bị biến thành bãi giữ xe không còn chỗ cho người đi bộ. Chiếc xe hơi ở mình còn diễm phúc được yêu mà chưa bị ghét. Chúng không còn chỉ dành cho giới trưởng giả, khi ngành kỹ nghệ xe hơi nước nhà khởi đầu bằng ráp máy Citroën vào thùng xe nội địa, giá phải chăng để một chàng bác sĩ mới ra trường cũng sắm được, từ Chợ Lớn lái đi nội trú Gia Định mỗi ngày. Chỉ mới cách đây chưa lâu, chiếc Honda Dream hai bánh đã đủ là giấc mơ đẹp của nhiều người dân.
Nhờ công cuộc đổi mới, xe hơi bây giờ không thiếu. Một nền công nghiệp ô tô suốt hơn hai mươi năm loay hoay với tỷ lệ nội địa hóa chưa đến 30%, cùng nguồn xe cũ nhập cảng, cũng hứa hẹn đem lại cho lắm người trung lưu, cả cũ lẫn mới, cái cảm giác lâng lâng khi cầm vô lăng.
Chuyện vẫn cũ là giá xe hơi quá tầm tay phần lớn người dân, và với giá nhà đất còn trên mây, nhiều người tuy đã đủ tiền lại chưa thể mua xe chừng nào chưa đổi được nhà từ trong hẻm ra mặt tiền. Âu lại là điều may vào lúc này, nếu không chẳng biết đường đâu cho xe chạy. Cần biết một người đi trên một chiếc xe hơi chiếm một diện tích đường phố bằng khoảng 10 người đi xe buýt, 2-3 người đi xe gắn máy, 5 người đi xe đạp, 160 người đi metro và 50 người đi bộ. Ở mọi nơi, cảnh tắc đường giống nhau với một rừng xe gắn máy chen chúc, lấn vào từng khe trống nhỏ giữa mấy chiếc xe hơi. Tưởng tượng toàn bộ số xe gắn máy đó bỗng nhiên biến thành xe hơi, toàn bộ đường phố sẽ tanh bành trong phút chốc!
Cách làm giao thông hợp lẽ là ưu tiên phát triển phương tiện công cộng để bớt lượng xe gắn máy, chứ không phải mở rộng đường, nay một chút mai một chút.
Muốn tàu điện hay xe buýt sống khỏe, phải làm sao cho chúng thu hút đủ lượng khách để về lâu dài dùng tiền bán vé tự nuôi chúng được; chúng cần được nối kết để đưa khách đến cho nhau. Tàu điện và xe buýt phải đến được các đầu mối giao thông đường dài như ga xe lửa, cảng hàng không, bến xe đò, bến tàu đò. Như sân bay quốc tế Pearson của Canada nằm giáp ba thành phố Toronto, Brampton và Mississauga có đủ ba tuyến xe buýt tốc hành nối sân bay với các trạm giao thông công cộng đầu mối của cả ba thành phố đó.
Ai đó mong có nhiều xe hơi thay thế xe gắn máy, cho đủ lượng thu hút đầu tư BOT vào đường sá, tiện thể thỏa mãn sĩ diện dân tộc, thì nên biết mấy chuyện. Đó là việc nới rộng hay mở thêm đường sá có hiệu ứng làm phát sinh một lượng xe lưu thông nhiều hơn đầu vào của bài toán, nên các xa lộ sẽ luôn luôn bị quá tải không bao lâu sau khi hoàn thành. Còn thiệt đáng mừng nếu ngày nào đó dân mình kém sĩ diện tới mức như dân Hòa Lan, đến anh Thủ tướng Mark Rutte mà đạp xe đi làm và cả khi đi diện kiến Nữ hoàng Beatrix!
Ở các thành phố lớn có tàu điện ngầm hoặc tàu hỏa đô thị, nhiều người có xe hơi rồi vẫn đi lại hàng ngày bằng các phương tiện này, họ thường lái xe ra đậu gần trạm, đến chiều trở lại lái về nhà. Trên tàu người ta có thể đọc tờ báo, cuốn sách, hoặc ít nhất không phải chịu sự căng thẳng khi lái xe vào giờ cao điểm mà còn gà gật được một chút. Chiếc xe hơi vẫn đi cùng cảm giác bềnh bồng sau tay lái khi cả ba thế hệ cùng thoát khỏi thành phố chật chội khói bụi, tận hưởng mênh mông cỏ cây ruộng lúa bầu trời.
Sắm được chiếc xe hơi bằng đồng tiền lương thiện là mong mỏi chính đáng, nhưng sẽ chỉ công bằng nếu bù đắp phần nào cái thiệt của môi trường và xã hội để người ta có cái tiện, cái sướng ngự trên xe. Thấy như vậy mới khỏi lăn tăn về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường. Tiền đóng thuế có được xài đúng chỗ hay không là một chuyện khác.
Cảnh tắc đường xe hơi lẽ nào được coi là “tiến bộ” hơn cảnh tắc đường xe máy?
--
(1) Bãi chiếu phim cho người xem ngồi trên xe coi.
(2) Little House on the Prairie, loạt phim dựa trên tiểu thuyết của Laura Ingalls Wilder, từng được phát hình trên HTV.
(3) Phim về thây ma sống dậy, nhờ Hollywood mà thành thời thượng, thậm chí được dàn cảnh để diễn tập chống thảm họa!
Nguyễn Phan Trường
thời báo kinh tế sài gòn
|