Giá cả “dễ chịu” bất ngờ sau Tết
Trái hẳn với cảnh tăng giá chóng mặt như mọi năm, nhiều mặt hàng sau Tết năm nay lại được giữ ổn định, thậm chí một số giá còn giảm mạnh so với trước Tết.
Buổi đi làm đầu năm, hai vợ chồng anh Tuấn ghé vào ăn sáng tại một quán phở trên phố Quang Trung (Hà Nội). Những tưởng giá một tô phở sẽ được đẩy lên gấp đôi như mỗi dịp sau Tết trước đây, song thật bất ngờ khi chủ cửa hàng chỉ thu 25.000 đồng/tô phở, bằng mức giá như ngày thường họ vẫn bán.
Cách đó một đoạn không xa, một cửa hàng bún chả khá nổi tiếng, ra Tết khách hàng khá đông hơn thường lệ do một số hàng quán vẫn chưa mở hàng đầu năm. Dù phải xếp hàng chờ đợi dài dài mới đến lượt, nhưng giá một suất bún chả vẫn chỉ 30.000 đồng.
Bản thân người viết cũng đã khá bất ngờ khi ghé một cửa hàng ăn sáng hôm mồng 4 Tết với một tô bún chỉ 25 nghìn, bằng nửa so với giá của 3 năm trước.
Theo đại diện các chủ nhà hàng nói trên, sở dĩ hầu hết các cửa hàng ăn uống không tăng giá dịp ra Tết năm nay là do đầu vào vẫn ổn định. Các năm trước, cứ trước và sau tết hầu hết các mặt hàng thực phẩm như thịt bò, thịt lợn, tôm cá… đều tăng giá gấp 1,5 – 2 lần, thì năm nay, giá các mặt hàng trên hầu như không thay đổi.
Tại các khu chợ trung tâm của Hà Nội như chợ Thái Hà, Nghĩa Tân, chợ Xanh Định Công…, giá thực phẩm tươi sống vẫn được bán như mức ngày thường. Cụ thể, thịt bò vẫn có giá từ 230 – 250 nghìn/kg, thịt lợn sấn, vai có giá từ 100 – 110 nghìn đồng/kg.
Các mặt hàng hải sản như tôm, cua, ghẹ… mặc dù là “của hiếm” trong dịp Tết nhưng giá lại có xu hướng giảm so với trước Tết. Tôm sú loại to được bán với giá từ 450 – 500 nghìn/kg, loại nhỏ chỉ 300 nghìn kg, cua, ghẹ dao động từ 300 – 400 nghìn/kg.
Đặc biệt, rớt giá thê thảm nhất là mặt hàng rau xanh. Tại hầu hết các khu chợ trên địa bàn Hà Nội, dù là chợ bán cuối cùng tới tay người tiêu dùng, nhưng dễ thấy nhất là tâm lý hồ hởi xen lẫn cảm thông của các bà, các mẹ khi giá rau rẻ một cách bất ngờ.
Một mớ rau cải trước Tết có giá khoảng 5.000 đồng, thì sau Tết chỉ còn từ 2 – 3 nghìn, một kg bắp cải chỉ có giá khoảng 4 – 5 nghìn, xu hào khoảng 2.000 đồng/kg, rau cần ta chỉ 8 – 10 nghìn đồng/kg, tuỳ chợ.
“Nhiều năm trước, cứ ra Tết là giá thực phẩm và rau xanh đắt lên gấp 2 – 3 lần, nhưng năm nay các mặt hàng này đều ổn định giá và có xu hướng giảm so với trước Tết. Nhiều gia đình trước đây sau Tết không dám ăn món lẩu truyền thống vì rau xanh đắt đỏ thì năm nay người dân tha hồ được thưởng thức rau mà không phải lo về giá cả”, chị Thu Huế (Nghĩa Tân, Hà Nội), cho hay.
Một người dân ở vùng trũng trồng rau Lý Nhân (Hà Nam) cho hay, năm nay, giá các loại rau tại các vùng trồng mà nông dân bán trực tiếp cho các lái buôn rẻ “khủng khiếp”. Chẳng hạn như giá một kg xu hào tại Hà Nội dù đã khá rẻ chỉ khoảng 2.000 đồng, thì tại Lý Nhân chỉ từ 300 – 500 đồng/kg, bắp cải có giá 1.500 – 2.000 đồng/kg. Hàng trăm hộ nông dân trồng rau đang “méo mặt” vì giá rau sau tết rớt thảm hại.
Ngoài lý do được mùa do thời tiết thuận lợi trong dịp trước và sau Tết, theo tìm hiểu của VnEconomy, giá cả lương thực, thực phẩm, rau xanh… trong dịp này giữ ổn định có phần do sức mua không tăng mạnh như nhiều năm trước, trong khi nguồn cầu lại có xu hướng tăng.
Hồng Nhung
vneconomy
|