Doanh nghiệp sữa chuyển giá?
Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính vừa yêu cầu cơ quan hải quan vào cuộc điều tra nghi vấn chuyển giá của các doanh nghiệp. Mặc dù sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi thuộc diện bình ổn, nhưng thực tế thời gian qua, giá sữa chỉ tăng mà không thấy giảm.
Cái khó trong việc xác định giá gốc của DN nhập khẩu sữa là do độ tương thích để so sánh cực kỳ khó khăn
|
Trước nghi vấn chuyển giá, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính, cho biết Cục đã yêu cầu cơ quan hải quan vào cuộc điều tra nghi vấn chuyển giá của các DN. Ngay sau khi có kết quả, Cục sẽ phối hợp cơ quan hải quan để thực hiện kiểm soát giá sữa từ khâu nhập khẩu.
Doanh nghiệp “kêu” lỗ
Mặt bằng giá sữa vẫn được các cửa hàng niêm yết cao gấp 5 - 7 lần giá nhập khẩu theo số liệu từ Hải quan. Ví dụ sữa Similac Advance có giá nhập khẩu là 105.500 đồng, nhưng được bán ra thị trường với giá 560.000 đồng. Đồng giá nhập khẩu ở mức 105.500 đồng, sữa Similac Go&Grow lại có giá 670.000 đồng, trong khi đó, sữa Nestle Kinder, dù nhập khẩu cũng chỉ có mức giá 105.500 đồng, nhưng lại được bán với mức giá 950.000 đồng, cao gấp 9 lần giá gốc.
Chưa dừng lại ở đó, sau khi lệnh quản lý giá có hiệu lực, ngay trong tháng 12/2013 và đầu tháng 1/2014, đã có đến 3 hãng sữa tăng giá, với mức tăng 7-15%. Phát pháo mở màn tăng giá là thương hiệu sữa lớn Mead Johnson tăng giá thêm 7%, tương đương mức tăng từ 30.000-60.000 đồng/hộp cho mỗi sản phẩm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho biết, hầu hết các hãng sữa ngoại đều kêu lỗ để tăng giá. Việc kê khai lỗ này được các DN nước ngoài báo cáo với Sở và Bộ Kế hoạch Đầu tư.
Bên cạnh đó, hiện nay, theo Cục Quản lý giá, cái khó trong việc xác định giá gốc của doanh nghiệp nhập khẩu sữa là do độ tương thích để so sánh cực kỳ khó khăn, vì các dòng sữa ở các quốc gia khác nhau, hàm lượng khác nhau, đặc biệt là thị hiếu khách hàng cũng khác nhau.
Hơn nữa, việc khai thác các dữ liệu từ công ty mẹ này là rất khó. "Bởi vậy, ngành Giá chúng tôi rất hi vọng vào quyết tâm của Bộ Tài chính về công tác chống chuyển giá trong năm 2014. Năm nay, nếu làm tốt công tác chống chuyển giá thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề", ông Tuấn nhận định.
Sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường
Về thị trường sữa, Cổng TTĐT Bộ Tài chính cho biết, theo thông lệ hằng năm, giá sữa tăng vào thời điểm đầu năm, sau đó sẽ ổn định. Cục Quản lý Giá sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, nếu có diễn biến xấu sẽ đề xuất các biện pháp, bình ổn giá theo quy định của Luật Giá. Đồng thời, cũng đang đề nghị Bộ Công Thương và các đơn vị có liên quan phối hợp theo dõi diễn biến thị trường để có biện pháp phù hợp.
Gần 2 tháng sau khi được "thiết quân luật", giá sữa không những không giảm mà còn tăng.
|
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Giá, trong công tác quản lý giá, quan trọng nhất là theo dõi diễn biến yếu tố đầu vào, chúng ta điều hành theo quy luật của thị trường, có điều tiết của Nhà nước, nhưng không hành chính hóa trong điều hành giá sữa.
Căn cứ vào các quy định hiện hành về quản lý giá của Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), các sở Tài chính địa phương đã thực hiện kiểm tra, rà soát các hồ sơ kê khai giá khi các doanh nghiệp sữa gửi hồ sơ kê khai điều chỉnh giá bán.
Đồng thời, đề nghị các Cty giải thích rõ nguyên nhân điều chỉnh giá, trường hợp nguyên nhân tăng giá không hợp lý, không có cơ sở hoặc không chứng minh nguyên nhân điều chỉnh giá do biến động của yếu tố đầu vào thì cơ quan quản lý sẽ yêu cầu doanh nghiệp không điều chỉnh giá.
Sau sự vào cuộc của các cơ quan chức năng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh sữa nhập ngoại kê khai các chi phí để xác định giá, thị trường cũng như người tiêu dùng khấp khởi hi vọng sẽ sớm được mua sữa giá rẻ. Tuy nhiên, đến thời điểm này là đã gần 2 tháng sau khi được "thiết quân luật", giá sữa không những không giảm mà còn tăng.
Theo ông Tuấn, giá đầu vào, đầu ra phải được xác định đúng theo thị trường. Như vậy mới bảo đảm được chống chuyển giá, từ đó bảo đảm được sự công bằng, bảo đảm được sự thực thi pháp luật và đảm bảo được nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Hoàng Hà
nlđ
|