Thứ Ba, 18/02/2014 14:15

Thị phần sụt giảm, Vietnam Airlines sẽ dựa vào đâu để tăng lợi nhuận?

Mặc dù liên tiếp bị lấn thị phần nội địa, nhưng Vietnam Airlines vẫn công bố mức lợi nhuận trước thuế năm 2013 đạt 533 tỉ đồng, tăng 34% so với năm 2012.

* Vietnam Airlines: Năm 2014 thị phần giảm, lợi nhuận tăng

Mảng vận chuyển hành khách đóng góp 140 tỉ đồng và Vietnam Airlines còn tự tin dự kiến lợi nhuận mảng này năm 2014 sẽ đạt 335 tỉ đồng, tăng tới gần 240%. Điều này thực sự mâu thuẫn khi Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines Phạm Viết Thanh khẳng định: “Năm nay sẽ khó khăn, nhất là việc không được lùi cổ phần hóa sau nhiều năm trì hoãn”.

Cạnh tranh sòng phẳng

Theo một số chuyên viên bộ phận kinh doanh thuộc một văn phòng khu vực của Vietnam Airlines, tình hình hiện nay rất khó khăn, từ nay phải cày cuốc thật sự theo đúng nghĩa cạnh tranh bình đẳng. Các nhân viên thuộc bộ phận này cũng sẽ bị khiển trách nếu không đạt doanh thu bán vé được giao. Từ nay, họ phải theo sát hơn các đại lý mình phụ trách để báo cáo doanh thu hằng tuần và đang phải chịu áp lực ngày càng gia tăng. Áp lực này tỉ lệ thuận với mức tăng trưởng của hãng hàng không VietJet (VietJetAir) hiện đã chiếm được 26% thị trường nội địa sau chỉ hơn 2 năm hoạt động.

Hiện nay, VietJetAir cũng đã lên kế hoạch chinh phục bầu trời quốc tế từ năm nay với 7 đường bay được đặt trong tầm ngắm. Hỗ trợ cho kế hoạch này là hợp đồng mua và thuê 100 máy bay với Airbus vừa được ký kết tại Singapore.

Như vậy, cuộc cạnh tranh sắp bước vào giai đoạn nóng: VietJetAir có thể sẽ dần lấy thị phần quốc tế của Vietnam Airlines. Báo cáo Vietnam Airlines gửi cho Bộ Giao thông Vận tải là tổng thị phần chuyên chở nội địa và quốc tế của Hãng dự kiến sẽ giảm từ mức 50,8% của năm 2013 xuống còn 47,1% trong năm nay.

Câu hỏi được đặt ra là với thị phần liên tục sụt giảm, Vietnam Airlines sẽ dựa vào đâu để tăng doanh thu và lợi nhuận?

Nhìn vào cơ cấu doanh thu và lãi của hãng này, sẽ có thể thấy được những khoản thu nhập không phải từ vận chuyển hành khách vốn là mảng kinh doanh cốt lõi của Vietnam Airlines.

Năm qua, Vietnam Airlines đã hoàn tất rút vốn khỏi Ngân hàng Techcombank và thu về gần 370 tỉ đồng. Năm nay, Hãng sẽ tiếp tục rút vốn tại Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh, Công ty Giao nhận Kho vận Hàng không, Công ty Cổ phần Cung ứng Dịch vụ Hàng không, France Telecom với tổng giá trị các khoản thu về dự kiến là khoảng 104 tỉ đồng. Tiếp đến, việc thanh lý 2 máy bay Forker70 cũng sẽ có thể thu được khoảng 90 tỉ đồng, cùng 18 triệu USD hỗ trợ tín dụng từ Airbus.

Riêng đối với mảng vận chuyển hành khách, giải pháp khả dĩ mà hãng này đưa ra chính là giảm chi phí. Vietnam Airlines cho biết sẽ áp dụng các biện pháp tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí khai thác, đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, tiết kiệm nhiên liệu bay để có thêm được 146 tỉ đồng. Hãng cũng sẽ tiếp tục thực hiện việc duy trì hệ số sử dụng ghế cao, tăng chuyến trong các giai đoạn cao điểm thị trường và tăng cường hoạt động cho thuê nguyên chuyến.

Không thể trì hoãn IPO

Ông Thanh cho biết Vietnam Airlines đã triển khai kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) công ty mẹ sớm hơn tiến độ nhưng do phải hoàn chỉnh một số điểm theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước nên dự kiến chậm nhất sẽ IPO vào cuối quý II năm nay.

Với khoảng 383 triệu cổ phiếu dự kiến được đưa ra đấu giá, Vietnam Airlines kỳ vọng sẽ thu về khoảng 200 triệu USD. Tuy nhiên, đây chỉ là con số dự tính. Sau khi trình Chính phủ phê duyệt giá trị doanh nghiệp, Hãng mới có thể công bố tổng giá trị vốn kỳ vọng tối thiểu trong đợt IPO này.

“Nếu theo đúng tiến độ, quá trình chuyển đổi mô hình doanh nghiệp từ Tổng Công ty Hàng không Việt Nam thành công ty cổ phần sẽ kết thúc trước 31.12.2014”, ông Thanh cho biết.

Trong giai đoạn 1, Nhà nước sẽ giữ 70-75% vốn tại công ty mẹ, phần còn lại thì sẽ bán ra cho nhà đầu tư chiến lược và công chúng. Việc giảm tỉ lệ vốn Nhà nước sau giai đoạn này sẽ căn cứ vào tình hình thực tế. Về nhà đầu tư chiến lược, ông Thanh cho biết không loại trừ bất cứ thành phần nào. Nhưng Hãng sẽ ưu tiên cho các hãng hàng không có mạng đường bay, sản phẩm và công nghệ phù hợp, có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Vietnam Airlines. Hãng cũng sẽ ưu tiên cho cổ đông chiến lược là các định chế tài chính.

Hiện nay, các diễn biến mới nhất cho thấy việc Vietnam Airlines công bố mức lãi năm sau cao hơn năm trước trong lúc thị phần ngày càng giảm ngay trước khi IPO là điều dễ hiểu. Đây có thể là một trong những cách đánh bóng cổ phiếu của Vietnam Airlines.

Doanh thu và lợi nhuận của Vietnam Airlines

Năm 2013, Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất 72.555 tỉ đồng (tăng 8,5% so với kế hoạch), lợi nhuận trước thuế 533 tỉ đồng, tăng 34% (trong đó lợi nhuận từ mảng vận chuyển hành khách là 140 tỉ đồng). Năm qua, Vietnam Airlines đã vận chuyển khoảng 15 triệu lượt khách, tăng 8,5%, hệ số sử dụng ghế trên toàn mạng ước đạt 79,5%, tăng 2,8% so năm trước và là mức cao nhất từ trước đến nay.


ncđt

Các tin tức khác

>   Muốn "thoát khỏi" VNPT, MobiFone phải đèo 1.600 tỷ đồng nợ (18/02/2014)

>   “Doanh nghiệp nhà đèn” NPT chỉ định thầu sai quy định hàng loạt dự án (18/02/2014)

>   Tập đoàn, tổng công ty có lãi trở lại (18/02/2014)

>   Cần một cuộc 'ân xá' để tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (18/02/2014)

>   Thực hư chuyện xi măng xuất khẩu bị bán giá thấp (18/02/2014)

>   Bịt chặt hơn “lỗ rò” (18/02/2014)

>   Tăng trưởng kinh tế: Dựa vào nội lực (18/02/2014)

>   Cải cách doanh nghiệp nhà nước: Xóa bỏ 'thứ không chấp nhận được' (18/02/2014)

>   Xuất khẩu cá tra đang hồi phục dù có tin xấu (17/02/2014)

>   Hơn 31 triệu USD đầu tư xây dựng khu kỹ nghệ Việt-Nhật (17/02/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật