Đầu năm trò chuyện cùng ông Andy Ho: Bí quyết thu hút vốn ngoại
Theo ông Andy Ho - Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, để thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vững và thu hút nhà đầu tư, nhân tố quan trọng nhất là lợi nhuận phải tăng trưởng đều qua các năm.
Cảm nhận của ông khi nhìn lại thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam một năm qua và kết quả hoạt động của VinaCpital như thế nào, thưa ông?
Ông Andy Ho: Tôi thấy thị trường chứng khoán hoạt động tương đối tốt trong năm qua với mức tăng trưởng khoảng 21-22%. Và kết quả mà chúng tôi đạt được là 2 trong 3 quỹ đầu tư của VinaCapital bao gồm VOF (Vietnam Opportunity Fund Ltd) cùng VNI (Vietnam Infrastructure Limited) tăng trưởng lần lượt 26% và 42% cho danh mục liên quan đến chứng khoán. Và với những biểu hiện này, tôi thấy rất hài lòng với năm 2013.
Ông Andy Ho - Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital
|
Năm trước VinaCapital tập trung cổ phần hóa và cổ phiếu niêm yết trên sàn nhiều hơn, đầu tư vào Công ty TNHH MTV Hóa chất cơ bản Miền Nam, tham gia đấu giá cổ phần hóa và đầu tư thêm trên TTCK vì chúng tôi thấy tiềm năng tương đối cao.
Nhìn chung thị trường chứng khoán đã tăng khá mạnh trong năm vừa qua nên VinaCapital cũng đầu tư vào thị trường chứng khoán tương đối lớn. Đến thời điểm hiện nay, trong danh mục đầu tư của VinaCapital, tài sản liên quan đến TTCK chiếm đến 600 triệu USD.
Hướng đầu tư lâu dài của VinaCapital sẽ tìm tiếp những cơ hội đầu tư vào những công ty chưa niêm yết cũng như đã lên sàn, có lợi nhuận tương đối tốt, tăng trưởng tốt và ban điều hành quản lý tốt.
Như vậy năm nay VinaCapital có dự định rót thêm tiền đầu tư vào TTCK Việt Nam nữa không, thưa ông?
Ồ, tất nhiên! Chúng tôi chắc chắn sẽ rót thêm tiền vào TTCK trong năm nay. Ngay từ đầu năm đã xuất hiện những phiên giao dịch chứng khoán khá sôi động. Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán (CTCK) cũng nhận định đến cuối năm nay VN-Index có khả năng tăng lên 580-630 điểm.
Tuy nhiên, lượng tiền VinaCapital giải ngân thêm trong năm nay sẽ không ảnh hưởng nhiều đến TTCK do số lượng cổ phiếu chúng tôi có thể mua được không nhiều do thanh khoản của thị trường không cao lắm.
Theo ông, làm thế nào để thị trường chứng khoán có thể thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền “ào ào” vào như những năm trước?
Ngay từ đầu năm, khối ngoại đã giao dịch rất sôi động. Hiện có một số nhà đầu tư nước ngoài đang giải ngân vào TTCK Việt Nam nên thị trường tăng điểm lên rất nhanh. Tuy nhiên, khi thị trường tăng nhanh như vậy thì cũng có nghĩa là sẽ giảm đi cơ hội đầu tư rất nhanh.
Vấn đề đầu tư không phải xảy ra qua đêm hay là xảy ra trong một năm mà cần xây dựng nền tảng trong nhiều năm để thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài. Không phải chỉ qua một năm thì ai cũng muốn tham gia vào thị trường liền được. Mà vấn đề quan trọng là Việt Nam cần phải xây dựng một nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng thật bền vững và tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư vào các công ty Việt Nam.
Đây là những yếu tố cốt lõi để thu hút nhà đầu tư nước ngoài giải ngân vào TTCK. Tuy nhiên, việc rót tiền ào ào vào TTCK cũng khá nguy hiểm. Điển hình là từ giai đoạn 2006-2007, TTCK đã có thời điểm lên đến 1,100 điểm. Kết quả thị trường tăng quá nhanh thì điều tất yếu là cũng phải xuống nhanh thôi.
Cụ thể hơn, thị trường chứng khoán cần đáp ứng yêu cầu nào để có thể tăng trưởng bền vững, thưa ông?
Theo tôi, nhân tố quan trọng để thu hút đầu tư là lợi nhuận phải tăng trưởng đều đều qua các năm. Điển hình tại Việt Nam, năm nay nhiều CTCK nhận định lợi nhuận cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) sẽ tăng trưởng xấp xỉ 8-10%.
Nếu một công ty và thị trường có thể tăng trưởng 8-10%/năm trong 5 năm liên tục là điều rất tốt.
Còn vấn đề khác như chính sách sẽ luôn thay đổi. Quan điểm của tôi là nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng sẽ thay đổi dần dần theo hướng quốc tế hóa, miễn sao đi hướng tốt là được rồi.
Trong trung và dài hạn, nhóm cổ phiếu nào sẽ hấp dẫn nhà đầu tư, thưa ông? Đánh giá của ông đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng như thế nào?
Theo tôi cổ phiếu nào tốt, có thể đầu tư thì vẫn đầu tư và không chú trọng đến nhóm nào.
Riêng tôi vẫn thích nhóm ngành bất động sản và ngân hàng do hai nhóm này đã giảm mạnh trong thời gian vừa qua. Nếu giá cổ phiếu đã xuống nhiều thì khả năng lên giá sẽ cao và ngược lại, nếu giá đã tăng nhiều thì khả năng giảm sẽ cao.
Tôi thích nhóm ngân hàng nói chung, tuy nhiên vấn đề quan trọng phải xem xét là hoạt động của ngân hàng như thế nào trong một thời gian trước khi ra quyết định đầu tư. Ngân hàng có một điều hay là rất đa dạng hóa trong một nền kinh tế vì hoạt động của ngân hàng đụng chạm rất nhiều ngành, do đó nếu ngân hàng quản lý không tốt thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, cần phải theo dõi, nghiên cứu hoạt động của ngân hàng qua một thời gian lâu dài trước khi quyết định đầu tư.
Như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (BID), thời gian VinaCapital nghiên cứu chưa đủ do ngân hàng này cũng chỉ mới cổ phần hóa, chưa biết hoạt động như thế nào trong tương lai. Tuy nhiên, nếu ngân hàng này hoạt động tốt, VinaCapital sẽ sẵn sàng đầu tư vào BIDV.
Việc tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư chiến lược nước ngoài từ 15% lên 20% có thể tạo thành làn sóng mới và hình thành động lực cho giao dịch cổ phiếu ngân hàng hay không trong khi bản chất room của khối ngoại trong lĩnh vực này vẫn đang giữ nguyên ở mức 30%, thưa ông?
Vấn đề này liên quan trực tiếp đến nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, VinaCapital không nằm trong danh sách này nên không ảnh hưởng nhiều. Do đó quy định này cũng không ảnh hưởng nhiều đến những nhà đầu tư tài chính như chúng tôi.
Cám ơn ông!
Minh Hằng thực hiện
công lý
|