Cá tra Việt Nam trước việc Mỹ thông qua Luật Nông trại 2014:
Cơ hội sàng lọc ngành cá tra
Luật Nông trại của Mỹ (Farm Bill) năm 2014 vừa được thông qua (7/2), có đưa cá tra/basa Việt Nam vào diện thanh tra, giám sát chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, theo các nhận định, luật này chưa tác động đến ngành cá tra Việt Nam trong năm nay. Đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu, cứu ngành cá tra đang “vỡ trận”.
Chưa ảnh hưởng
Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, Luật Nông trại 2014 được Thượng viện và Hạ viện thông qua và Tổng thống Mỹ đã ký ngày 7/2.
Với luật cũ (năm 2008), nhóm cashfish là đối tượng điều chỉnh, nhưng lúc đó, cá tra của Việt Nam thuộc nhóm này hay không, còn để ngỏ cho Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) quyết định.
Đến luật 2014, quy định toàn bộ loài cá thuộc bộ cá nheo nằm trong phạm vi điều chỉnh (trong khi cá tra của Việt Nam thuộc bộ này, nên đương nhiên bị kiểm soát).
Theo ông Tuấn, Luật Nông trại năm 2014 cũng chuyển việc kiểm tra, quản lý cá da trơn từ Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) sang USDA. “Trước đây, FDA chủ yếu quản lý về chất lượng sản phẩm, nhưng luật mới sẽ đánh giá từ quá trình nuôi, chế biến, vận chuyển, bao gói hàng hóa..., theo những tiêu chuẩn nhất định của Mỹ”- ông Tuấn nói.
Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết, dù có nhiều quy định mới, nhưng năm 2014 vẫn chưa ảnh hưởng đến ngành cá tra Việt Nam, nếu tác động phải tới năm 2015. Theo đó, để thực hiện luật trên, cần mất một thời gian.
USDA phải đưa ra hướng dẫn, chi tiết hóa về điều kiện nuôi, chế biến thế nào… trong vòng 60 ngày (kể từ 7/2/2014). Tiếp đó là quá trình thỏa thuận, chuyển giao việc quản lý giữa hai cơ quan FDA và USDA; quan trọng là phụ thuộc vào ngân sách Mỹ phân bổ ra sao để thực hiện luật trên.
Ông Tuấn cho rằng, việc các nước nhập khẩu đưa ra các điều kiện, hàng rào kỹ thuật là bình thường trong thương mại quốc tế. Do vậy, cần xác định việc đó xảy ra không chỉ với Mỹ, mà ở nhiều thị trường khác. Chẳng hạn, châu Âu cũng đòi hỏi nhiều chứng chỉ, nên không có gì phải hoảng sợ.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Dương Ngọc Minh, Tổng GĐ Cty CP Thủy sản Hùng Vương, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết: Luật Nông trại 2014 không ảnh hưởng xuất khẩu cá tra năm 2014.
Theo ông, năm ngoái, thị trường Mỹ nhập khoảng 100 nghìn tấn cá tra Việt Nam, giá trị khoảng 300 triệu USD, đứng thứ 2 sau thị trường EU. Năm nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra có thể đạt khoảng 1,7 tỷ USD, tương đương năm 2013.
“Luật Farm Bill dù chưa đưa ra tiêu chuẩn, quy định cụ thể, nhưng ở Việt Nam nhiều DN đã thực hiện theo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của Mỹ nhiều năm nay. Còn tiêu chuẩn chế biến thủy sản, ở Việt Nam gần như đạt tiêu chuẩn HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn). Hơn nữa, đâu phải cá tra chỉ xuất khẩu cho mỗi Mỹ, mà đã đi trên 150 nước rồi”- ông Minh nói.
Cơ hội để cứu ngành cá tra
Ngành cá tra Việt Nam sau một thời gian phát triển nóng giờ đang rơi vào giai đoạn bế tắc. Người nuôi cá treo ao, DN thua lỗ, rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, thậm chí dừng hoạt động, phá sản, đói vốn. Theo Vasep, năm 2014, những DN nào chủ động được vùng nuôi, khép kín vẫn phát triển tốt, còn lại rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu.
Trong lúc ngành cá tra rơi vào khó khăn nhất, thông tin Luật Nông trại Mỹ 2014 được thông qua, tăng kiểm soát với cá tra ở Việt Nam, khiến không ít DN xuất khẩu cá tra lo lắng, thậm chí hoang mang.
Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Vasep cho biết, để đánh giá tác động của Farm Bill với cá tra của Việt Nam cần rất nhiều thông tin. Các DN cần ngồi lại để phân tích, lấy ý kiến “một cách sâu sắc nhất” về tác động từng phần, từ đó để có cách xử lý.
Còn theo ông Phạm Anh Tuấn, việc Mỹ đưa kiểm soát chặt chẽ hơn với cá tra Việt Nam vừa là thách thức, nhưng cũng là động lực để tái cơ cấu lại ngành này.
Ông Tuấn cho biết, trước mắt, Tổng cục Thủy sản đang rà soát lại và sẽ hoàn thành về quy hoạch ngành cá tra trước tháng 6/2014. Ngoài ra, nghị định về cá tra đang xin ý kiến các thành viên Chính phủ, có thể được ban hành trong thời gian tới.
Ông Tuấn cho biết, trong nghị định về cá tra, có quy định đến năm 2015, các vùng nuôi phải thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, là điều kiện để đảm bảo cho ngành này phát triển bền vững. Cùng đó, một loạt điều kiện về chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu như mặt bằng, độ ẩm... cũng áp dụng, phù hợp với các thị trường nhập khẩu.
Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cũng cho biết, dự kiến trong tháng 3 tới, Việt Nam sẽ làm việc với các tổ chức chứng nhận quốc tế như Global GAP, ASC... để tạo sự hài hòa giữa VietGAP với quy định của các nước nhập khẩu.
Phạm Anh
tiền phong
|