Thứ Năm, 27/02/2014 16:18

“Bộ trưởng không chỉ làm những việc vĩ mô”

“Anh không làm thì tôi làm và anh phải ra đi”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã rất quyết liệt trước việc chậm cổ phần hóa (CPH) nhiều doanh nghiệp thuộc ngành này, nhất là khi bộ có nhiều tổng công ty lớn và làm ăn thua lỗ nặng như: Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), Tổng công ty Hàng hải (Vinalines)...

Sau 54/99 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Bộ GTVT được CPH trong ba năm (2011-2013), vị bộ trưởng này đặt chỉ tiêu CPH hết 42 doanh nghiệp còn lại đến năm 2015. TBKTSG đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Đinh La Thăng về bước đi nước rút này.

TBKTSG: Thưa bộ trưởng, có thể coi năm 2014 là năm CPH của ngành GTVT? Bởi trong tháng 3 này, bộ sẽ hoàn tất việc phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên (IPO) đối với 10/11 tổng công ty (TCT) lớn trong ngành?

- Bộ trưởng Đinh La Thăng: Thủ tướng đã chỉ đạo tại hội nghị mới đây rằng nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Chính phủ năm 2014-2015 là tái cơ cấu thành công DNNN, trọng tâm là cổ phần hóa. Bộ GTVT mấy năm qua đã rất tích cực thực hiện chủ trương này. Chúng tôi đã quyết liệt thực hiện, thống nhất rất cao từ nhận thức đến chủ trương, hành động: CPH là được CPH chứ không phải bắt buộc vì CPH là tất yếu để đổi mới DNNN.

Trong quí 1-2014 chúng tôi sẽ IPO 10 tổng công ty. Và trong năm nay sẽ IPO Tổng công ty Hàng không (VNA). Rồi chuẩn bị các điều kiện để CPH tiếp các tổng công ty như SBIC, Vinalines, các DNNN trực thuộc tổng công ty, các cảng biển, các công ty hoa tiêu... Tóm lại là đến hết năm 2015, ngành GTVT chỉ còn lại rất ít những doanh nghiệp mà Nhà nước phải giữ 100% vốn. Kể cả những doanh nghiệp hiện Nhà nước đang giữ cổ phần chi phối cũng dứt khoát không cần chi phối.

“Trong từng loại hình doanh nghiệp, trong khó khăn lại thấy được cơ hội. Như trong lúc tìm vốn khó thì Chính phủ quyết định tái cơ cấu đầu tư công, ngành giao thông lại có cơ hội”.

TBKTSG: Sức ỳ CPH lâu nay rất lớn, theo ông nó xuất phát từ đâu, cụ thể là trong ngành giao thông?

- Kết quả tái cơ cấu DNNN trong những năm qua cũng không nhỏ, như báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DNNN đã nói. Nhưng vừa qua tình hình thị trường chứng khoán, bất động sản ảm đạm dẫn đến CPH gặp khó. Tuy nhiên, trong từng loại hình doanh nghiệp, trong khó khăn lại thấy được cơ hội. Như trong lúc tìm vốn khó thì Chính phủ quyết định tái cơ cấu đầu tư công, ngành giao thông lại có cơ hội. Bất động sản đóng băng, các ngân hàng không có dự án tốt để cho vay thì các dự án phát triển hạ tầng giao thông là địa chỉ thu hút đầu tư.

CPH phải có sự quyết tâm chính trị rất cao, từ người đứng đầu bộ đến các doanh nghiệp, thống nhất từ chủ trương đến hành động.

TBKTSG: Phải chăng do ông đã từng điều chuyển lãnh đạo CIENCO 8 vì chậm trễ CPH nên nhiều lãnh đạo trong ngành e ngại bị mất chức mà phải làm?

- Thực ra đây là chủ trương tập thể. Ngay từ đầu năm chúng tôi ra nghị quyết trong ban cán sự Đảng của bộ là sẽ CPH bao nhiêu doanh nghiệp, kết thúc năm phải xong. Nếu không xong chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc sẽ phải chuyển việc khác. Và đương nhiên không có chuyện bổ nhiệm lên vị trí cao hơn.

TBKTSG: Ở các tổng công ty lớn như Tổng công ty Đường sắt, SBIC (tên cũ là Vinashin), Vinalines... lộ trình sẽ được thực hiện như thế nào để đến năm 2015 có thể IPO được như dự kiến vì các doanh nghiệp này hiện nay hoạt động chưa hiệu quả hoặc lỗ?

- Đối với Tổng công ty Đường sắt chỉ cần tách bạch về hạ tầng và quản lý kinh doanh vận tải. Sẽ báo cáo Thủ tướng tách ra thành doanh nghiệp 100% vốn nhà nước quản lý hạ tầng ngành đường sắt vì đầu tư hạ tầng đường sắt rất lớn, thu hút vốn đầu tư khó. Còn phần kinh doanh vận tải sẽ kêu gọi các thành phần kinh tế vào, cùng với bộ phận kinh doanh vận tải của ngành đường sắt trước đây, hợp đồng thuê hạ tầng đường sắt, cùng kinh doanh bình đẳng thì chất lượng vận tải sẽ nâng cao, chi phí sẽ cạnh tranh...

SBIC, Vinalines khó khăn nhưng sớm hay muộn sẽ khá hơn vì vận chuyển hàng hải vẫn rẻ nhất. Người ta cũng nhìn thấy tiềm năng. Sau khi tái cơ cấu, CPH các công ty con thì CPH công ty mẹ sẽ thành công.

TBKTSG: IPO tổng công ty được chú ý trong năm nay là Vietnam Airlines. Ngoài việc xác định giá trị doanh nghiệp đến nay chưa xong thì vấn đề chọn đối tác chiến lược và xử lý khoản lỗ hàng ngàn tỉ của Jetstar Pacific (JPA) trước khi sáp nhập vào Vietnam Airlines như thế nào?

- Vấn đề của JPA đã được xử lý rồi vì trước đây đã có khoản dự phòng tài chính. Khi chuyển về VNA, JPA được sử dụng khoản dự phòng đó để xử lý khoản lỗ. Chính phủ đã đồng ý với phương án này. Tiếp đến là việc xác định giá trị doanh nghiệp của VNA cơ bản đã xong. Tuần tới Bộ GTVT sẽ trình Thủ tướng phê duyệt và căn cứ vào giá trị doanh nghiệp để kêu gọi cổ đông chiến lược. Hiện có nhiều cổ đông quan tâm.

Vấn đề họ phải biết giá trị của VNA bao nhiêu và nắm được tiềm năng thị trường hàng không Việt Nam. Với một thị trường 90 triệu dân, thị trường hàng không năm ngoái tăng trưởng gần 22%, cổ đông sẽ có nhiều cơ hội. Sắp tới thị trường này còn có thể tăng trưởng hơn nữa, nhất là khi mở cửa bầu trời vào năm 2015. Vấn đề là VNA sẽ chọn tiêu chí cổ đông nào để phù hợp với nhu cầu cùng phát triển.

TBKTSG: Khi xử lý những vướng mắc trong CPH, theo ông, từ giai đoạn này cần phải tháo gỡ điểm mấu chốt gì để tiến độ CPH nhanh hơn?

- Hệ thống văn bản, chính sách cho CPH tương đối đầy đủ. Tuy nhiên tùy điều kiện thị trường, mà chính sách luôn phải điều chỉnh cho phù hợp. Những vấn đề gì vướng mắc thì các bộ phải gặp nhau trực tiếp xử lý chứ văn bản đi, văn bản lại không làm được việc. Thứ hai là những gì ngoài thẩm quyền các bộ thì trực tiếp báo cáo Thủ tướng để ra các văn bản riêng và nếu các văn bản này xử lý đúng, trúng vấn đề thì phải khái quát thành chính sách mới để thúc đẩy CPH nhanh hơn.

Tôi đã từng ngồi hai ngày liền để xử lý các vấn đề đối chiếu công nợ của Vinashin trước đây. Đừng quan niệm rằng làm bộ trưởng chỉ làm những việc vĩ mô, mà lúc cần vẫn phải làm cả những việc vi mô. Bởi có những cái vi mô nhưng lại “cản đường” thì phải gạt được nó. Tôi làm việc với cả chuyên viên, trưởng phó phòng các bộ khác cũng không nề hà gì, miễn là thúc đẩy tiến độ công việc tốt hơn. Có những việc họ vướng mấy tháng xử lý không xong nhưng tôi ngồi một lát là phải xong. Vấn đề là mình hiểu và quyết định được.

TBKTSG: Như vậy không có gì có thể cản trở được CPH?

- Đúng, quyết tâm chính trị không thể chỉ dừng lại ở bộ trưởng hay thứ trưởng mà sẽ cụ thể hóa đến từng doanh nghiệp. Tôi chắc chắn rằng thời gian tới, sau CPH các doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT sẽ hoạt động hiệu quả hơn.

Ngọc Lan thực hiện

tbktsg

Các tin tức khác

>   Vinalines sẽ cổ hóa phần hóa đầu năm 2015 (27/02/2014)

>   Tổng công ty Xây dựng Hà Nội bán cổ phần lần đầu (25/02/2014)

>   Các tổng công ty giao thông đồng loạt bán cổ phần (24/02/2014)

>   Không ai không thể thay thế (24/02/2014)

>   Cổ phần hóa, lịch sử chậm trễ lặp lại? (24/02/2014)

>   IPO Viglacera bán được gần 20 triệu cổ phần (23/02/2014)

>   Chủ tịch Sabeco ủng hộ ân xá kinh tế (21/02/2014)

>   TS Trần Du Lịch: “Đụng đến lợi ích nên họ không muốn cổ phần hóa” (20/02/2014)

>   Cienco 6 đấu giá bán 29 triệu cp (19/02/2014)

>   Chưa lên sàn đã có nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu Cienco 5 (19/02/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật