Thứ Năm, 13/02/2014 16:29

2014: Năm tốt của dệt may và da giày

Ngành may mặc mở đầu năm mới bằng những hợp đồng xuất khẩu lớn, hứa hẹn một năm ăn nên làm ra...

Dồn dập đơn hàng

Ngày 10/2, Công ty May Sài Gòn 3 mở màn cho hoạt động đầu năm bằng 2 lô hàng xuất khẩu với 130.000 sản phẩm, tổng giá trị 160.000 USD. Trong đó, lô hàng xuất đi Nhật gồm 80.000 áo..., lô hàng xuất đi Mỹ là 50.000 sản phẩm...

Tất cả đã được chuẩn bị từ trước Tết Nguyên đán. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Sài Gòn 3, cho biết, ngoài lô hàng xuất khẩu đầu năm, Công ty cũng đã ký nhiều đơn hàng sản xuất cho 6 tháng đầu năm, vì thế, không có chuyện “mở cửa lấy ngày” mà phải bắt tay sản xuất ngay để kịp giao hàng cho đối tác.

Điều mà ông Hồng vui nhất là năm nay không có tình trạng thiếu hụt công nhân như những năm trước. Sau Tết, gần như tất cả công nhân đều trở lại công việc như bình thường.

Trong khi đó, từ ngày mùng 8 Tết, Công ty May Thêu Đan Giày An Phước đã thực hiện những đơn hàng gia công cho khách hàng Nhật Bản - khách hàng truyền thống của An Phước từ nhiều năm nay, Công ty cũng đang thực hiện những đơn hàng khác cho đối tác Mỹ.

Bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty May Thêu Đan Giày An Phước, cho biết, hiện Công ty đã có đơn hàng đến quý III năm nay. Ông Hồng cho rằng, không chỉ riêng May Sài Gòn 3, An Phước mà gần như tất cả các thành viên trong Hiệp hội Dệt may Việt Nam đều đã có đơn hàng đến 6 tháng.

Tuy đơn giá xuất khẩu không tăng so với năm ngoái nhưng là khởi đầu tương đối thuận lợi. Nhật, Mỹ vốn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may truyền thống của doanh nghiệp nhiều năm qua và khách hàng có kế hoạch ổn định.

Ngoài những đơn hàng mới, các doanh nghiệp may mặc cũng có nhiều cơ hội để tiếp cận với thị trường mới. Ngoài hai thị trường truyền thống, May Sài Gòn 3 đang triển khai một số thị trường mới tại châu Âu, trong đó, lô hàng 20.000 sản phẩm đã được chuẩn bị xuất trong tuần tới.

Bên cạnh đó, Công ty bắt đầu thâm nhập thị trường Hàn Quốc, Úc... Năm 2013, May Sài Gòn 3 đạt doanh thu 1.800 tỷ đồng và với đà này, sẽ tăng trưởng ít nhất 10% trong năm 2014.

Theo các DN, ngành may mặc xuất khẩu Việt Nam đang có nhiều thuận lợi vì kinh tế thế giới đã dần hồi phục. Thị trường Mỹ đã ổn định, thêm vào đó, thị trường châu Âu đã hồi phục sẽ giúp cho việc xuất khẩu hàng Việt vào khu vực này khởi sắc hơn.

Bên cạnh đó, cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế như Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Việt Nam và Liên minh Thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan)... sẽ tạo điều kiện để DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Ấn Độ...

Nhiều cơ hội mới

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Sài Gòn 3:

Tổng doanh thu sẽ vượt 10%

Năm 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành dệt may Việt Nam đã vượt chỉ tiêu với doanh thu hơn 20 tỷ USD. Năm 2014 sẽ là một năm tiếp tục thuận lợi cho DN ngành may mặc khi đã nhận đơn hàng đến nửa năm. Những thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu ổn định là tín hiệu tốt cho ngành trong năm nay. Những thuận lợi của năm 2013 sẽ tiếp tục được phát huy trong năm nay và tổng doanh thu của ngành sẽ vượt 10% so với năm trước.

Theo ông Nguyễn Ngọc Lân, Phó tổng giám đốc Tổng công ty May Nhà Bè, tình hình xuất khẩu của Nhà Bè tốt hơn năm trước vì đến thời điểm này, Nhà Bè đã đủ đơn hàng sản xuất đến hết năm nay.

Theo ông Lân, hiện các khách hàng châu Âu đang có xu hướng chuyển những sản phẩm ODM (từ thiết kế đến sản phẩm cuối) sang DN Việt Nam để giảm chi phí nguồn nhân lực.

Vì thế, May Nhà Bè đang xây dựng phòng mẫu để tiến tới làm ODM cho khách hàng. Phòng mẫu này sẽ thiết kế mẫu mã và giới thiệu cho khách hàng thay cho cách làm trước đó là nhận mẫu mã của khách và làm theo đặt hàng. Với cách làm này, May Nhà Bè sẽ chọn vải, thiết kế mẫu mã để khách hàng chọn lựa. Hướng này nếu thành công sẽ tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho DN trong việc xuất khẩu.

Để tận dụng lợi thế đang thuận lợi của ngành, An Phước mở đầu cho năm 2014 bằng một loạt đầu tư mới. Thành công với doanh thu tăng 15% trong năm 2013, năm nay, An Phước đẩy mạnh mở rộng, phát triển thị trường nội địa. Ngoài sơ mi, quần tây, vest, jean dành cho khách hàng trung niên, năm nay, An Phước bắt đầu tham gia sản xuất thời trang đồ lót.

Bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty May Thêu Đan giày An Phước:

Tận dụng cơ hội

Năm 2013 qua đi với nhiều khó khăn nhưng ngành dệt may vẫn tăng trưởng 15% và đạt doanh thu hơn 20 tỷ USD. Những tín hiệu lạc quan mở đầu năm 2014 hứa hẹn một năm tươi sáng cho ngành dệt may Việt Nam. Vấn đề là các DN phải đầu tư để có thể tận dụng được những cơ hội. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phải có những biện pháp hỗ trợ để xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành để khai thác lợi thế từ TPP.

Bà Nguyễn Thị Điền, cho biết, Công ty vừa mua nhà máy sản xuất của hai thương hiệu đồ lót Anamai và Bonjour của một DN trong nước. Đây là thương hiệu đồ lót cao cấp với hệ thống 9 cửa hàng. Bắt đầu công việc cho năm mới, bên cạnh việc củng cố hệ thống 94 cửa hàng An Phước tại 24 tỉnh, thành, Công ty triển khai phát triển thêm 6 cửa hàng Anamai tại các thành phố lớn.

Song song đó, Công ty cũng thử nghiệm một số mẫu mã, chủng loại vải tốt hơn cho thương hiệu An Phước và đầu tư 600.000 USD cho dây chuyền sản xuất đồ vest và sơ mi. Trước đó, trong cuối năm 2013, An Phước đã đầu tư 450.000 USD cho dây chuyền sản xuất này.

Bà Điền cho rằng, muốn phát triển bền vững thì phải dần thay máy cơ bằng máy bán tự động. Thị trường nội địa với 90 triệu dân là cơ hội cho các DN trong nước nhưng sắp tới đây, cuộc cạnh tranh sẽ gây gắt hơn khi các thương hiệu nước ngoài tràn vào tận dụng cơ hội từ TPP.

TPP sắp được ký kết là cơ hội lớn cho DN dệt may chuyên về xuất khẩu khi thuế suất xuất khẩu vào các thị trường lớn về 0%. Nhưng cũng là thách thức không nhỏ cho những nhà kinh doanh nội địa vì phải đối mặt với những thương hiệu lớn từ nước ngoài đầu tư khai thác lợi thế này.

“Với các DN dệt may gia công, không có nguyên phụ liệu trong nước sẽ khó hưởng lợi từ TPP. Và ngay cả với DN làm FOB cũng chỉ hy vọng có thể khai thác được một phần lợi thế từ hiệp định này vì 80% nguyên phụ liệu của ngành đều nhập khẩu từ những nước không hưởng lợi thế từ TPP”, bà Điền nhận xét.

Một chân bước trước

Hàng loạt thuận lợi đang đặt ra cho các DN sản xuất da giày Việt Nam trong năm 2014 xuất khẩu đạt 12 tỷ USD.

Với kim ngạch xuất khẩu trên 1,3 tỷ USD trong tháng đầu năm, ngành hàng da giày, túi xách, vali, mũ, dù... đã có mức tăng trưởng trên 12%. Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Tùi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết phần lớn các doanh nghiệp đều có đơn đặt hàng khá dồi dào nên phải bắt tay vào sản xuất sớm, ngay sau Tết Nguyên đán.

Là một trong những DN "khai máy" rất sớm sau Tết, ông Hà Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Đông Hưng Group, cho biết, Đông Hưng Group đã nâng tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 lên 130 triệu USD tại 3 thị trường châu Âu (Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha), Mỹ và Nhật.

Theo đó, với 12 nhãn hàng giày ngoại như Reebook, Puma, Keds, Burberry... đang hợp tác theo hình thức FOB tại thời điểm cuối năm 2012, đến nay đã được nâng lên thành 21 nhãn hàng, gồm giày thể thao, giày trẻ em, giày vải, giày da... với tổng công suất năm 2013 là 10 triệu đôi các loại.

Theo đó, Đông Hưng Group kỳ vọng mức tăng trưởng kinh ngạch xuất khẩu năm 2014 sẽ đạt khoảng 125%, công suất tăng từ từ 10 triệu đôi lên12 triệu đôi giày so với năm 2013. Đông Hưng Group tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vào hai thị trường trọng điểm là châu Âu và Mỹ với 7 nhãn hàng chủ chốt gồm: Keds, Superga, U.S.Polo Assn, Marks & Spencer, Fred Perry và Garvalin.

Để chuẩn bị cho dây chuyền khép kín hoàn thiện hơn, mới đây Đông Hưng đầu tư thêm máy thiết kế 3D nhập từ Ý dùng cho việc thiết kế mẫu và hai máy cắt tự động dùng cho việc sản xuất các loại giày da cao cấp.

Ngoài ra, tại thị trường nội địa, công ty này sẽ đẩy mạnh nhãn hàng giày nội mang thương hiệu Ananas do Đông Hưng thiết kế và sản xuất với giá dao động từ 400.000 đồng - 1.000.000 đồng/đôi.

Theo thống kê của Lefaso, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành năm 2013 đạt 10,32 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2012 và vượt 3% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, xuất khẩu va ly, túi xách đạt 1,92 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2012; còn xuất khẩu giày dép đạt 8,4 tỷ USD, tăng 15%.

Trong năm 2014, ngành da giày sẽ được hưởng lợi nhiều từ các hiệp định ưu đãi thuế quan từ phía các thị trường nhập khẩu chính của ngành như Mỹ, EU và các nước ASEAN. Năm 2014, ngành da giày đã được đưa ra khỏi danh mục trưởng thành của EU và được hưởng chế độ Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) trong thời gian 3 năm, từ năm 2014 đến cuối 2016.

Theo đó, trong 3 năm tới, mức thuế áp dụng cho giày dép có xuất xứ từ Việt Nam sẽ được giảm xuống còn từ 3,5 - 4% thay vì 7,69% như trước đây. Bên cạnh chế độ GSP, việc ký kết kết FTA Việt Nam - EU cũng được kỳ vọng là sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngành da giày khi có ít nhất 90% dòng thuế hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU được miễn thuế nhập khẩu...

Trong năm 2014, với những thuận lợi trên, Lefaso đặt "mục tiêu lớn" là đạt kim ngạch xuất khẩu 12 tỷ USD. Vì vậy, từ cuối năm ngoái, các DN da giày đã lên kế hoạch triển khai nhiều dự án đầu tư lớn.

Chẳng hạn, Tập đoàn Thái Bình - TBS Group (Bình Dương) đã khởi công dự án Nhà máy Giày TBS Kiên Giang, với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng. Dự kiến, trong năm 2015, Nhà máy Giày TBS Kiên Giang sẽ hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào sản xuất, với quy mô khoảng 5 triệu đôi giày/năm.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT TBS Group, cho biết: "Năm 2014, TBS đã sẵn sàng đón TPP". Được biết, giai đoạn 2 dự án của TBS dự kiến đưa vào sản xuất vào năm 2016, nâng tổng công suất lên 15 triệu đôi giày/năm.

Ông Hà Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Đông Hưng Group:

Hy vọng tạo sự gắn kết ở thị trường nội địa

Nhìn lại những thành quả đạt được của năm 2013, chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng kinh ngạch xuất khẩu năm 2014 sẽ đạt khoảng 125%, công suất tăng từ từ 10 triệu đôi lên12 triệu đôi giày so với năm 2013. Ngoài ra, điều đáng mừng đối với Đông Hưng là năm nay, từ Mùng 6 Tết, hơn 90% nhân công đã trở lại với nhà máy, theo đó, mỗi người một việc đã được ấn định và cứ thế tiếp tục "chạy" với nhiều đơn hàng đã được ký và chuẩn bị xuất trong năm mới này. So với các DN khối FDI, lượng đơn hàng của Đông Hưng không lớn bằng, nhưng có lợi thế là nhân công có điều kiện tiếp xúc với nhiều loại giày khác nhau. Hy vọng với những chuẩn bị cho năm 2014, Đông Hưng không chỉ sẽ có được nhiều đơn hàng lớn mà còn tạo được sự gắn kết với các DN trong nước để đẩy mạnh thị trường nội địa.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT TBS Group:

Sẵn sàng đón TPP

TBS đã bước qua năm 2013 với nhiều thành công nhất định. Theo đó, với năng lực hiện tại, chúng tôi tự tin đã có thể chào đón TPP. Để chuẩn bị, chúng tôi đã triển khai đầu tư dự án nhà máy giày TBS Kiên Giang tại KCN Thạnh Lộc, Kiên Giang, chuyên sản xuất giày thể thao xuất khẩu sang Hoa Kỳ và châu Âu với tổng mức đầu tư dự kiến trên 1.200 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn tất và đưa vào hoạt động vào năm 2015. Giai đoạn 2, dự kiến đưa vào sản xuất vào năm 2016, nâng tổng công suất lên 15 triệu đôi giày/năm. Với dự án này, nhà máy TBS Kiên Giang sẽ là thành viên giúp TBS tiếp tục thực hiện chiến lược "Phát huy nguồn lực trong nước làm chủ ngành công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế nước nhà”. Bên cạnh dệt may, giày dép được xem là mặt hàng sẽ được hưởng lợi và kỳ vọng gia tăng xuất khẩu thông qua cơ hội tiếp cận thị trường chính như: Hoa Kỳ, Nhật hay các thị trường tiềm năng mà Việt Nam chưa ký FTA như Canada, Mexico, Peru... Theo đó, nếu có sự chuẩn bị kỹ, DN Việt Nam sẽ có cửa để "đối đầu" trực diện với DN FDI.


Để chuẩn bị cho đầu ra sản phẩm, theo ông Thuấn, TBS Group đã làm việc với nhiều khách hàng Hoa Kỳ, EU để mở rộng công suất thiết kế sản phẩm, nâng công suất các ngành phụ trợ tại TBS như sản xuất đế, phom, khuôn, in ép... ngay từ đầu năm 2014. Điều này đảm bảo dự án sẽ vận hành ngay sau khi hoàn tất phần xây dựng và lắp đặt thiết bị.

Theo đánh giá chung, hàng loạt điều kiện thuận lợi đang đặt ra "vận hội" mới cho ngành công nghiệp da giày trong 10 năm nữa, giúp DN Việt Nam lấy lại vị thế đang mất vào tay các DN FDI. Hiện, Việt Nam đang đứng thứ 2 (sau Trung Quốc) xuất khẩu giầy dép sang các thị trường EU, Mỹ...

Tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu cho ngành da giày đã đạt 50%, góp phần làm giá trị gia tăng của ngành đạt từ 40 - 50%, thậm chí có DN đạt trên 60%. Một trong các yếu tố giúp các DN đạt được kết quả này là nhờ đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ, giúp ngành tự chủ được trên 50% nguyên phụ liệu.

Chẳng hạn, riêng đế giày sản xuất ở Việt Nam đã chiếm trên 90% và mũ giày đã tự chủ trên 50%. Đây là lợi thế của ngành công nghiệp này trong những năm vừa rồi và những năm tiếp theo, nhất là khi nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa ngày càng được chú trọng trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương như TPP, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN...

Theo hiệp định này, hầu hết cam kết thuế quan của các nước thuộc khối ASEAN năm 2014 là từ 1% -3%, 2015 là 0% đối với giày dép các loại và ngành da giày Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trong việc lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là nguyên phụ liệu.

Theo ông Thuấn, ngành da giày, túi xách sẽ tiếp tục nâng dần tỷ lệ nội địa các sản phẩm, phấn đầu năm 2014 tỷ lệ nội địa hóa đạt 60 - 65%, tiếp tục nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho các dòng sản phẩm cấp trung, giày thể thao, giày trẻ em, dép các loại.

Hồng Nga - Bích Loan

doanh nhân sài gòn

Các tin tức khác

>   Quảng Ninh sẽ tổ chức hội thảo quốc tế về đặc khu kinh tế (13/02/2014)

>   Viber phủ nhận tin “bán mình” cho Viettel (13/02/2014)

>   Giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ xây dựng nông thôn mới (13/02/2014)

>   Việt Nam - Campuchia đặt mục tiêu trao đổi thương mại 5 tỉ USD (13/02/2014)

>   Cơ hội sàng lọc ngành cá tra (13/02/2014)

>   “Nghịch lý ngành xi măng”: Bán rẻ, đối tác nhập khẩu vẫn chê (13/02/2014)

>   Bia ngoại giá cao mấy cũng mua (13/02/2014)

>   Thị trường thức ăn nhanh: Nguyên liệu nội trắng tay (13/02/2014)

>   Việt Nam nằm trong top 3 thị trường lạc quan nhất (12/02/2014)

>   Tư vấn pháp lý trong doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiệp vẫn… thờ ơ (12/02/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật