Thứ Hai, 06/01/2014 18:51

Phó Chủ tịch VAMC: VAMC hoạt động không phải vì mục tiêu lợi nhuận

“Năm 2014 tiếp tục là năm đầy áp lực đối với Công ty quản lý tài sản của của các tổ chức tín dụng (VAMC). Tuy nhiên, chúng tôi đã lên kế hoạch mua nợ từ 70 đến 100.000 tỷ đồng bằng trái phiếu đặc biệt.”

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch VAMC.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị VAMC. Để hiểu rõ hơn về tình hình giải quyết nợ xấu thời gian qua và triển vọng trong năm 2014, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Hùng xung quanh vấn đề này.

- Ông có thể cho biết VAMC đã xử lý vấn đề nợ xấu trong thời gian qua như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Có thể nói chỉ trong một thời gian ngắn sau khi thành lập, VAMC đã nỗ lực tối đa để “thu gom” những khoản nợ xấu theo đúng tinh thần đã hứa với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Tính đến ngày 31/12/2013, VAMC đã mua 39.800 tỷ đồng của 34 tổ chức tín dụng bằng trái phiếu đặc biệt.

Tuy nhiên, nếu VAMC ra đời sớm hơn thì tin chắc hiệu ứng tốt hơn, tác dụng tích cực hơn đối với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng để họ sớm có hướng xử lý tái cấu trúc và tư duy về nợ xấu sẽ mạch lạc hơn.

Nhớ lại những ngày đầu, khi rà soát lại khoản nợ, các tổ chức tín dụng chỉ đăng ký lác đác vài nghìn tỷ đồng, khi đó chúng tôi rất lo vì đặt ra mục tiêu phải mua được khoảng 30.000 tỷ đồng.

Điều phấn khởi nhất là các tổ chức tín dụng đã hiểu được lợi ích việc bán nợ nên họ rất tự nguyện. Ngân hàng Nhà nước chưa dùng một biện pháp hành chính nào cả. Có tổ chức tín dụng có nợ xấu dưới 3% vẫn tự nguyện bán.

Tôi nghĩ thành công việc mua bán nợ 2013 là nhờ Thông tư 19, 20 và quan trọng nhất là hướng dẫn của Nghị định 53 phù hợp với thực tiễn khách quan, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.

- Khi làm việc với các ngân hàng thương mại, ông thấy các ngân hàng thường muốn bán nợ xấu cho VAMC theo phương thức nào?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Thực tế, chưa có ngân hàng nào chào bán nợ xấu của mình theo giá thị trường. Nếu có những khoản nợ như vậy thì hiện tại chưa chắc VAMC đã mua được vì nhiều lý do.

Trước hết, với nguồn vốn điều lệ 500 tỷ đồng hiện nay, VAMC chắc không thể có khả năng mua những khoản nợ xấu kiểu này. Bên cạnh đó, cán bộ có năng lực, trình độ quản lý các khoản nợ đó cũng chưa đi vào thực tiễn, chúng tôi vừa làm vừa học hỏi nên phải có thời gian.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là cơ chế mua bán giữa VAMC và ngân hàng bán nợ, cũng như giữa VAMC và các nhà đầu tư mới, trong đó cơ chế định giá nợ nên thế nào để tạo chủ động, rút ngắn thủ tục và thời gian cho các bên, ai là những người có thể tham gia vào các giao dịch này.

Đối với VAMC, đây còn là thách thức về năng lực, trình độ của nguồn nhân lực, bởi lẽ các khoản nợ phải được đánh giá, phân tích…

Đa số các tổ chức tín dụng đồng thuận mua bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt. Và, hiện nay các tổ chức tín dụng rất đồng thuận, tham gia tích cực mua bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt này.

- Có ý kiến cho rằng mua nợ thực chất là chuyển từ dạng này sang dạng kia, ông có bình luận gì về ý kiến này?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Về việc này, tôi từng phản biện một số chuyên gia kinh tế và tôi khẳng định việc mua bán nợ thể hiện bằng hợp đồng. Khoản nợ đó sau khi mua, VAMC quản lý và hoàn toàn chịu trách nhiệm, chứ không phải chuyển từ dạng này từ sang dạng kia.

Lúc đó, VAMC có quyền xử lý, điều chỉnh nợ, miễn giảm lãi, tái cấu trúc và kể cả bán nợ. Tổ chức hay cá nhân nào muốn mua khoản nợ đó thì phải được sự chấp thuận của VAMC và sẽ nhận được trái phiếu đặc biệt sau khi trừ dự phòng rủi ro đã trích.

Việc mua bán nợ được thể hiện bằng hợp đồng (mua đứt bán đoạn, bằng trái phiếu đặc biệt) và hạn chế tối đa rủi ro cho doanh nghiệp, tổ chức tín dụng... Do đó, VMAC hoạt động không phải vì mục tiêu lợi nhuận mà tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và có lợi cho nền kinh tế.

- Ông có thể chia sẻ về kế hoạch của VAMC trong năm 2014?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Năm 2014 tiếp tục là năm đầy áp lực đối với VAMC. Tuy nhiên, chúng tôi đã lên kế hoạch mua nợ từ 70 đến 100.000 tỷ đồng bằng trái phiếu đặc biệt.

Chúng tôi tiếp tục mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, bên cạnh đó sẽ cố gắng hoàn thiện Đề án mua nợ theo giá thị trường (kèm theo Đề án này là mua hẳn, bán hẳn).

Tuy nhiên, Đề án này sẽ đặt ra nhiều vấn đề. Đầu tiên, để thu mua nợ xấu hoặc bảo lãnh tài sản thế chấp cần có rất nhiều tiền, song vốn điều lệ của VAMC chỉ có 500 tỷ đồng nên cần phải bổ sung hoặc có thể đi vay nhưng thời gian vay tối thiểu cũng chỉ 5-7 năm. Chính vì vậy, chúng tôi dự kiến đề suất xin tăng vốn điều lệ lên khoảng 2.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhưng lực không có thì kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài và tái cấu trúc.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản về pháp lý cần phải tháo gỡ như vấn đề sở hữu tài sản, đặc biệt tài sản là bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài hay vấn đề tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp không có khả năng phục hồi thì phải tìm cách xử lý bằng cách phát mại, hóa giá tài sản... tuy nhiên, khó khăn ở đây là việc hoàn thiện thủ tục, xử lý và đấu giá.

Chúng tôi sẽ cố gắng hết mình nhưng cũng cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành để hoàn thiện thủ tục pháp lý. Vì khi các nhà đầu tư đồng ý tham gia thì họ sẽ yên tâm hơn với khoản nợ đó có đầy đủ yếu tố pháp lý.

Tôi khẳng định rằng khoản nợ đã mua qua VAMC thì chúng tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đối với việc xử lý nợ xấu đã mua, đây là một nội dung VAMC phải làm, nhưng để triển khai cũng không phải đơn giản. Nợ xấu trước hết phải mua về, sau đó phân loại để bán. Cụ thể, phân loại khoản nợ nào tái cấu trúc được thì tái cấu trúc, khoản nào không tái cấu trúc được thì xử lý ngay.

Hiện tại, VAMC đã thành lập bộ phận rà soát và tiến hành phân loại nợ, nhưng không thể cùng lúc làm tất cả mọi việc nhưng trong năm nay VAMC mới tiến hành bán nợ. Tuy nhiên, việc mang nợ đi bán rẻ bằng mọi giá không phải là một giải pháp tốt.

Hiện cũng có nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước có ý định tham gia mua lại nợ xấu của VAMC.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản về pháp lý cần phải tháo gỡ như vấn đề sở hữu tài sản, đặc biệt là tài sản là bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài hay vấn đề tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các DN... trước khi bán nợ.

- Ông đánh giá thế nào về việc Thông tư 02 nếu áp dụng từ tháng 6/2014 thì nợ xấu sẽ ở mức độ nào?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Theo tôi, Thông tư 02 hướng tới hoạt động các tổ chức tín dụng đi vào hoạt động ổn định hơn. Việc giãn thêm một năm cho Thông tư này cũng đã tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng rồi.

Nhưng dù trước mắt có gặp nhiều khó khăn thì theo tôi vẫn nên đưa vào thực hiện. Việc thực hiện theo Thông tư 02 sẽ là dịp để các tổ chức tín dụng nhìn lại nợ xấu của mình và phải có trách nhiệm xử lý nó.

Tôi nghĩ, nếu thực hiện từ tháng 6/2014 thì khoản nợ xấu VAMC mua sẽ tăng vì lúc đó nhiều khoản nợ có thể sẽ bị chuyển thành nợ xấu. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng đang xem xét để có lộ trình từng bước đưa Thông tư này đi vào hoạt động.

- Cảm ơn những chia sẻ của ông!

vietnam+

Các tin tức khác

>   QLNH đối với việc cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú (06/01/2014)

>   Bên cho vay, bên bảo lãnh phải tự chịu rủi ro về pháp lý và tài chính (06/01/2014)

>   Thị trường tiền tệ - hoạt động ngân hàng: Tín hiệu tốt đầu năm (06/01/2014)

>   NHNN ghi dấu ấn chính sách tiền tệ và xử lý nợ xấu (06/01/2014)

>   Xôn xao “danh sách” thưởng Tết của 33 ngân hàng (06/01/2014)

>   Xét xử vụ lừa đảo 4.000 tỉ đồng: Bác đề nghị của Ngân hàng Nam Việt, tiếp tục phiên tòa! (06/01/2014)

>   Bắt chẹt khách vay tiền mua nhà (06/01/2014)

>   Góc nhìn của tôi: Tỷ giá 2014 “nhảy” trong biên độ nào? (06/01/2014)

>   Khi tín dụng tăng nhanh như... thổi! (06/01/2014)

>   Điểm tên 9 thách thức ngành ngân hàng đối mặt (05/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật