Thứ Sáu, 17/01/2014 13:37

Phá sản ngân hàng cần cơ chế đặc thù

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa họp cho ý kiến về Luật Phá sản sửa đổi, trong đó có nội dung cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) phá sản, bởi Luật Phá sản ban hành năm 2004 chưa đề cập đến, dù nội dung này đã được nhắc tới tại Nghị định 05 của Chính phủ.

Cần cơ chế riêng?

Theo một chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB), cần có quy định riêng về việc đóng cửa các ngân hàng bởi tính dễ đổ vỡ, tháo chạy khỏi ngân hàng và rủi ro hệ thống. Vị chuyên gia này phân tích, hoạt động ngân hàng có sự chênh lệch kỳ hạn giữa bên tài sản bao gồm các khoản cho vay dài hạn không dễ chuyển thành tiền mặt và bên nợ, bao gồm các khoản nợ đặc biệt thanh khoản dưới hình thức các khoản tiền gửi.

“Tình trạng chênh lệch kỳ hạn giữa tiền cho vay và tiền gửi khiến ngân hàng rất nhạy cảm với tình trạng tháo chạy nếu những người gửi tiền đòi tiền đồng thời, ngân hàng không thể đáp ứng được tất cả những yêu cầu đó”, vị chuyên gia trên phân tích. “Điều này tạo ra lợi thế cho những người hành động trước, do đó tình trạng tháo chạy khỏi ngân hàng bị kích hoạt bởi bất kỳ yếu tố ngoại sinh nào cũng có thể tự trở thành hiện thực, khiến các ngân hàng đặc biệt dễ bị tổn thương với việc công chúng mất niềm tin”.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, việc đổ vỡ một ngân hàng lại gây ra đổ vỡ đối với ngân hàng hoặc định chế tài chính khác và việc rút tiền hàng loạt sẽ khiến tình hình leo thang, trở thành khủng hoảng hệ thống, hệ thống thanh toán bị trật ray, tác động tiêu cực đối với cả nền kinh tế. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, đổ vỡ ngân hàng có thể dẫn đến thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ, gây ra suy thoái và cũng có thể làm giảm nguồn cung các khoản cho vay của ngân hàng, đặc biệt bất lợi đối với nguồn tài trợ của các DN nhỏ và vừa.

“Thông lệ tốt của quốc tế khuyến nghị rằng, các ngân hàng sẽ không tuân thủ luật phá sản chung, do bản chất nghĩa vụ của ngân hàng và phá sản ngân hàng dễ gây tác động dây chuyền, hoạt động này xứng đáng được xử lý theo cơ chế đặc thù”, vị chuyên gia của WB nhấn mạnh.

Qua tòa án hay cơ chế hành chính?

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, các cơ quan quản lý phải có thẩm quyền mở thủ tục phá sản ngân hàng và nên được tham gia vào tất cả các giai đoạn của quá trình trên. Sự can thiệp kịp thời của cơ quan quản lý để đóng cửa ngân hàng không còn đủ vốn là hết sức quan trọng nhằm làm giảm nhẹ tác động bất lợi của phá sản ngân hàng.

“Luật cần phải xác định rõ ngưỡng để mở thủ tục phá sản. Một cách lý tưởng, nên có một ngưỡng thấp ban đầu cho phép các cơ quan quản lý tài chính mở thủ tục quản lý chính thức và nắm giữ quyền kiểm soát đối với ngân hàng đang gặp khó khăn ở giai đoạn đủ sớm”, chuyên gia của WB nói.

Hiện nay, chưa có sự đồng thuận về cơ chế phá sản ngân hàng theo thủ tục tòa án hoặc thủ tục hành chính. Bởi cơ chế đặc biệt cho phá sản ngân hàng có thể qua đường tòa án hoặc có tính chất hành chính, nhưng chưa thể khẳng định tính ưu việt của một trong hai phương án này.

Trong khi một hệ thống dựa trên tòa án có thể thúc đẩy trách nhiệm giải trình lớn hơn và đảm bảo để quyền của tất cả các bên liên quan được bảo vệ đầy đủ, nó cũng có thể không phù hợp ở những quốc gia mà thủ tục tòa án thường chậm chạp và tòa án thiếu kinh nghiệm cần thiết về các vấn đề ngân hàng. Một cơ chế phá sản ngân hàng đặc biệt có tính chất hành chính sẽ trao quyền ra quyết định vào tay những chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng và cho phép họ được tiến hành giải quyết phá sản ngân hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả.

“Khung pháp lý không nên quy định việc áp đặt lệnh hoãn nợ tự động khi mở thủ tục hành chính chính thức; việc hoãn nợ nên được tuyên bố nếu xét thấy cần thiết. Tuy nhiên, việc chuyển một ngân hàng sang tình trạng thanh lý nên dẫn tới việc tự động ngừng mọi hoạt động thu nợ đối với ngân hàng”, chủ tịch HĐQT một NHTM nêu quan điểm.

“Bên cạnh đó, Luật nên quy định rõ ai có thẩm quyền chỉ định thanh lý viên. Khi được chỉ định, thanh lý viên phải ngay lập tức được được trao quyền kiểm soát toàn bộ đối với tài sản của ngân hàng, trở thành người đại diện theo pháp luật, tiếp quản và kế tục mọi quyền của cổ đông và lãnh đạo ngân hàng”.

Quan trọng là phải hành động ngay

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước và từng TCTD đã có những nỗ lực lớn trong việc tái cơ cấu hệ thống nhưng trước tình hình phức tạp của hệ thống tài chính, Luật Phá sản sửa đổi được kỳ vọng sẽ hiện thực hóa quá trình phá sản các TCTD yếu kém, giảm áp lực đối với nền kinh tế và xã hội. Bài học về phá sản ngân hàng trên thế giới đã chỉ rõ, hành động sớm có tầm quan trọng cốt yếu: tài sản tài chính có thể bị tẩu tán một cách kín đáo, nhanh chóng và vì thế, các cơ quan quản lý ngân hàng cần có khả năng can thiệp nhanh chóng để ngăn chặn tổn thất của người gửi tiền.

Đồng thời, cần cân nhắc đến tình trạng dễ tổn thương của ngân hàng đối với khả năng tháo chạy, mất niềm tin của công chúng. Hành động không chắc chắn hoặc chậm chạp trong trường hợp đổ vỡ ngân hàng có thể gửi đi tín hiệu sai lầm, kích hoạt thêm tình trạng mất niềm tin và những đợt tháo chạy khỏi những TCTD khác. Thủ tục tòa án chính thức gắn liền những yêu cầu về công bố, hình thức và công bằng về thủ tục có xu hướng kéo dài thủ tục phá sản.

Chuyên gia của WB nói: “Điểm kích hoạt cho phá sản ngân hàng cần được cơ quan giám sát tài chính quyết định. Thông thường, với việc phá sản DN, thường là khi bên mắc nợ không trả được nợ khi đến hạn. Tuy nhiên, trong trường hợp của ngân hàng, định nghĩa đó không còn phù hợp, vì tình trạng không trả được nợ không hẳn là bằng chứng của phá sản, bởi có thể do tình trạng thiếu thanh khoản tạm thời. Vì cơ quan giám sát ngân hàng có nhiệm vụ đánh giá vốn của ngân hàng và đánh giá chất lượng tài sản của ngân hàng, chính cơ quan này sẽ quyết định thời điểm ngân hàng không còn khả năng tồn tại và phải đóng cửa”.

Mặc dù mới là Dự thảo Luật, nhưng có lẽ nhận thức được tầm quan trọng của cơ chế phá sản các TCTD, tại buổi thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, hầu hết các ý kiến đều tán thành xây dựng một chương riêng trong Luật Phá sản sửa đổi để quy định về việc đóng cửa các ngân hàng.

Nhuệ Mẫn

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm (17/01/2014)

>   Bắt phó giám đốc quỹ tín dụng nhân dân thụt két gần 6,5 tỷ đồng (17/01/2014)

>   Vụ án bầu Kiên: Ông Phạm Trung Cang có tội hay không? (17/01/2014)

>   USD chợ đen: Bao nhiêu cũng có! (16/01/2014)

>   Ly kỳ “bệnh nhân tâm thần” chiếm đoạt gần 5 tỷ đồng của VIBank (16/01/2014)

>   Danh tính các dự án sẽ bị Kiểm toán soi năm 2014 (16/01/2014)

>   Vụ phá cây ATM MaritimeBank: “Trảm nóng” Phó trưởng CA phường Giảng Võ (16/01/2014)

>   Một vụ án, ACB mất cả dàn lãnh đạo cao cấp (16/01/2014)

>   Thêm 'cửa' xử lý ngân hàng (16/01/2014)

>   Thống đốc không cho phép các ngân hàng cơ cấu lại nợ (16/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật