Một vụ án, ACB mất cả dàn lãnh đạo cao cấp
Cả một dàn lãnh đạo với những người từng trải với nhiều thành tích được vinh danh đã lần lượt bị bắt. ACB đã mất gần như trọn bộ lãnh đạo cấp cấp nhất: Chủ tịch, Tổng giám đốc cho đến thành viên HĐQT và điều hành… Không những thế, nhiều đại gia có liên quan có thể bị xem xét trong thời gian tới khi mà hồ sơ vụ Bầu Kiên được trả lại để làm rõ thêm.
Gần một năm rưỡi trôi qua, mọi thứ đã dần ổn định trở lại, đã sang năm 2014 nhưng tuần thứ 3 tháng 8 năm 2012 là khoảng thời gian không thể quên khi thị trường tài chính rúng động bởi cụ án Bầu Kiên và những liên quan đến ACB. Kinh nghiệm đối phó khủng hoảng năm 2003 khi có tin đồn TGĐ ACB bỏ trốn đã giúp NH không để xảy ra tình trạng hoảng loạn, đổ xô đi rút tiền. Tuy nhiên, những thay đổi sau đó cũng như biến động trên thị trường tài chính là điều ít người hình dung được hết.
Sụp cả một dàn lãnh đạo
Chiều 20/8/2012, Cơ quan Công an đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) về tội “kinh doanh trái phép” theo điều 159 - Bộ Luật hình sự và theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 08/C46 (P10) ngày 20/8/2012.
Quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB đánh dấu sự thay đổi đầu tiên trong ban lãnh đạo của NH này cũng như bắt đầu chuỗi những biến động trên thị trường tài chính NH.
Ông Nguyễn Đức Kiên dù không nắm một chức vụ cụ thể nào tại ACB nhưng được xem là một đại gia, nắm giữ cổ phần ở nhiều ngân hàng, đầu tư vào nhiều công ty và có một quyền uy rất lớn tại ACB và lĩnh vực mà ông hoạt động. Những gì diễn ra sau đó đã vượt qua sự tưởng tượng của nhiều người, không còn nằm ở những vi phạm pháp luật liên quan tới 3 công ty riêng của ông Kiên mà đến toàn bộ ACB cũng như liên quan đến nhiều tổ chức khác.
Chỉ trong vòng 3 ngày sau khi bầu Kiên bị bắt, TTCK bốc hơi hơn 5 tỷ USD, gần như toàn bộ các cổ phiếu liên quan tới các lĩnh vực tài chính, chứng khoán lao dốc.
Sóng gió ập đến với ACB, chỉ 3 ngày sau đó. Ông Lý Xuân Hải - nguyên TGĐ ACB cũng bị bắt tạm giam. Và chỉ khoảng hơn một tháng sau đó, ngày 27/9/2013, nguyên Chủ tịch HĐQT - Trần Xuân Giá và 3 nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB lần lượt từ nhiệm và bị khởi tố. Diễn biến này khác khá nhiều so với những lời trấn an trước đó và nó cho thấy mức độ phức tạp của vụ việc.
Điều khiến nhiều người giật mình là NH này được dẫn dắt bởi một vị chủ tịch độc lập, một cựu quan chức, có rất nhiều kinh nghiệm quản lý nhà nước, là người chủ trì dự thảo Luật DN.
Những điều tra sau đó cho thấy, ông Giá đã cùng với ông Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải, Phạm Trung Cang và Trịnh Kim Quang cùng ký biên bản cuộc họp Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ngày 22/3/2010 ra chủ trương dùng tiền huy động của người dân ủy thác cho nhân viên và các công ty con gửi tiền VND và USD vào các tổ chức tín dụng - một chủ trương đã khiến họ rơi vào rắc rối do một phần bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.
Bị bắt ngay sau bầu Kiên, ông Lý Xuân Hải cũng là một trường hợp sụp đổ đáng tiếc. Cựu CEO ACB từng có những quan niệm rất đẹp về kinh doanh và từng được bình chọn là lãnh đạo NH xuất sắc nhất Việt Nam trong 2 năm (2007 và 2010). Gần 20 năm làm việc tại ACB, trải qua rất nhiều các vị trí, ông Hải đã gặt hái rất nhiều thành công. Tuy nhiên, mối gắn kết duyên nợ với ông trùm tài chính nhiều tham vọng lại kết thúc bằng những sai phạm gây hậu quả lớn.
Còn nhiều khúc quanh?
Gần một năm rưỡi trôi qua, tình hình tại NH ACB đã có nhiều thay đổi. Gia đình ông Trần Mộng Hùng - một trong các sáng lập viên của ACB quay trở lại với con trai là Trần Hùng Huy lên nắm vị trí chủ tịch HĐQT.
Tuy nhiên, những “người cũ” của NH này vẫn đang chờ ngày ra tòa xét xử, chờ lĩnh án.
Thông tin vài ngày qua cho thấy, vụ án Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm đã bị TAND TP. Hà Nội hoàn trả cho cơ quan truy tố để làm rõ vai trò của một số cá nhân liên quan cho dù trước đó cơ quan điều tra đã có quan điểm xử lý đối với các cá nhân này.
Theo đó, hành vi của ông Phạm Trung Cang, nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB và Huỳnh Quang Tuấn (người thay thế vị trí ông Cang) có dấu hiệu đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 12/12/2013, Viện KSND Tối cao đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Phạm Trung Cang. Theo đó, ông Cang không phải chịu trách nhiệm về hậu quả làm thất thoát số tiền 718,9 tỷ đồng. Cáo trạng cho biết, ông Cang có tham gia cuộc họp của Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB vào ngày 22/3/2010 đề ra chủ trương uỷ thác cho các cá nhân gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, ngày 31/12/2010, ông Cang có đơn xin từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT Ngân hàng ACB khi Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 chưa có hiệu lực thi hành và đã được ngân hàng chấp nhận.
Vụ bầu Kiên chưa biết sẽ khép lại như thế nào, án phạt cho từng cựu lãnh đạo NH ACB chưa biết sẽ ra sao… Tuy nhiên, cho tới giờ, giới đầu tư đã chứng kiến một tình huống hy hữu trong lịch sử ngân hàng khi cả dàn lãnh đạo cáo cấp của một ngân hàng dính án và bị thay thế.
Bên cạnh đó, nhiều vị trí lãnh đạo làm theo chỉ đạo của bầu Kiên có thể vẫn còn nằm trong tầm ngắm của các cơ quan chức năng. Hàng loạt các NH, tổ chức tín dụng nhận tiền gửi từ nhân viên ACB trái quy định về trần lãi suất có thể sẽ bị điều tra.
Huấn Tú
diễn đàn kinh tế việt nam
|