Thứ Tư, 15/01/2014 14:02

Ngăn nợ xấu phát sinh từ thẩm định chất lượng khoản vay

“Mỗi ngân hàng phải tập trung vào các giải pháp tín dụng, nhưng cần quán triệt mở rộng và tăng trưởng tín dụng phải giữ nghiêm kỷ luật tiêu chuẩn tín dụng mới có thể thay đổi tình hình nợ xấu” - ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Theo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2013, 71% nợ xấu thuộc về các DN trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó DNNVV chiếm khoảng 30,5% trong tổng nợ xấu trên địa bàn. 29% nợ xấu là các khoản cho vay tín dụng thuộc lĩnh vực đầu tư bất động sản, chứng khoán, vay tiêu dùng… Theo đó, tổng nợ xấu đến cuối năm 2013 của các TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vào khoảng 5,49% so với 5,5% của cuối năm 2012.

Về hình thức xử lý nợ xấu, ngoài hơn 6.200 tỷ đồng nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cuối năm 2013, thì nợ xấu phát sinh tại các TCTD được đảm bảo bằng hai nguồn chủ yếu là quỹ dự phòng rủi ro tín dụng và tài sản đảm bảo nợ vay. Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2013 các TCTD tại TP. Hồ Chí Minh đã sử dụng quỹ dự phòng rủi ro là 4.594 tỷ đồng, bán tài sản bảo đảm 522 tỷ đồng.

Nhìn vào những con số nợ xấu trên có thể thấy tình trạng nợ xấu trong cho vay sản xuất rất cao có một phần do sức mua của thị trường yếu đã ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu cao trong lĩnh vực chiếm tỷ trọng tín dụng cao nhất. Mặt khác, một lượng vốn của các NHTM đang “tồn ứ” là các khoản đầu tư trái phiếu DN trước đây lại không được tính vào doanh số tăng trưởng tín dụng.

Nhưng trong thực tế, khi một DN phát hành trái phiếu để kêu gọi vốn phục vụ vào các dự án thì luôn phải có một ngân hàng đứng ra bảo lãnh. Nếu trường hợp DN không bán hết số trái phiếu đó, thì thông thường ngân hàng đành phải “ôm” số trái phiếu còn lại. Do vậy, đã có một số ý kiến cho rằng, phải đưa giá trị trái phiếu DN mà các NHTM đang “ôm” vào doanh số để tính tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đứng ra bảo lãnh.

Trong đánh giá của cơ quan thanh tra ngân hàng, tình trạng ngân hàng bảo lãnh cho DN phát hành trái phiếu không còn tràn lan như những năm trước. Tuy vậy, các khoản góp vốn, mua cổ phần của một số TCTD chưa hiệu quả, khả năng thu hồi thấp đối với một số trái phiếu DN thuộc các lĩnh vực “nhạy cảm” như bất động sản, chứng khoán.

Thực tế, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường lãi suất huy động, như cho vay cầm cố sổ tiết kiệm với kỳ hạn dài nhưng linh hoạt cho rút vốn bất cứ lúc nào, hoặc lãi suất thả nổi… đã gây rủi ro cho ngân hàng. Thậm chí mấy năm trước đây, các ngân hàng vay vốn lẫn nhau nhiều vòng đã làm tăng tổng tài sản ảo lên cũng là những hệ lụy đến nay cần tiếp tục phải giải quyết. Ví như hệ số sử dụng vốn của khối ngân hàng liên doanh tại TP. Hồ Chí Minh hiện có tỷ lệ lên tới 110,6%, trong khi tỷ lệ này của hệ thống ngân hàng trên địa bàn là 83,3% - theo báo cáo của NHNN chi nhánh thành phố.

Theo ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, năm 2014 ngành Ngân hàng tiếp tục tập trung các giải pháp xử lý nợ xấu. Ngoài việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ từ VAMC, việc chủ động và tự xử lý được nợ xấu của mỗi TCTD sẽ là những kết quả quan trọng. Theo đó cần phân tích, đánh giá đầy đủ bản chất nợ, phân loại nợ, đánh giá đúng mức độ rủi ro của nợ để có biện pháp xử lý.

Đặc biệt, NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung kiểm soát việc thực hiện trích lập dự phòng rủi ro để đảm bảo an toàn tài chính, an toàn trong hoạt động ngân hàng, nhằm mục tiêu trước hết đảm bảo nguyên tắc có nguồn để xử lý nợ xấu. Cùng với đó là các giải pháp trực tiếp: thu nợ bằng tiền, bằng xử lý tài sản bảo đảm nợ vay, mua bán nợ, từng bước xử lý nợ xấu và giảm nợ xấu để tăng trưởng và phát triển.

“Mỗi ngân hàng phải tập trung vào các giải pháp tín dụng, nhưng cần quán triệt mở rộng và tăng trưởng tín dụng phải giữ nghiêm kỷ luật tiêu chuẩn tín dụng mới có thể thay đổi tình hình nợ xấu” - ông Tô Duy Lâm cho biết. Đại diện NHNN thành phố cho rằng, khi thị trường phục hồi sức khỏe, DN khỏe mạnh, phần nợ xấu trong sản xuất kinh doanh sẽ rất dễ tháo gỡ. Nhưng bản thân các ngân hàng phải kiểm soát tốt hệ số sử dụng vốn thì mới hạn chế các rủi ro kỳ hạn, rủi ro lãi suất.

Nguyễn Lan Phương

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   PVcomBank: Ông Nguyễn Thiện Bảo chính thức làm Tổng giám đốc (15/01/2014)

>   Bóc mẽ mánh khóe “ăn gian” lãi suất (15/01/2014)

>   Vietcombank đột ngột thu phí chuyển khoản nội mạng (15/01/2014)

>   Vụ siêu lừa Huyền Như: TPBank phản bác Viện kiểm sát (15/01/2014)

>   Chống Đô-la hóa: Việt Nam được ADB đánh giá cao (14/01/2014)

>   Vụ lừa đảo 120 tỷ: Nhiều bị cáo được trả tự do tại tòa (14/01/2014)

>   DaiABank, chuyện “cưỡi lưng hổ” và cái kết với HDBank (14/01/2014)

>   SeABank gặp rắc rối với tài sản đảm bảo (14/01/2014)

>   Bốn thách thức cho Ngân hàng Nhà nước trong 2014 (14/01/2014)

>   DATC ký 15 hợp đồng mua nợ với giá trị gần 1.800 tỷ đồng năm 2013 (14/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật