“Ông lớn” Sabeco sao chưa lên sàn?
LTS: Bài viết “Viglacera IPO với nhiều chữ “nếu” đăng trên báo ĐTTC số 695 ra ngày 16-1-2014 đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc. Tòa soạn trích đăng ý kiến của NĐT Nguyễn Minh Hà xung quanh câu chuyện “IPO-niêm yết” của các công ty đầu ngành hiện nay.
Theo những gì lãnh đạo Viglacera đã công bố, sau khi hoàn thành IPO tổng công ty này sẽ niêm yết trong vòng 1 năm. 1 năm thực chất là mốc thời gian bắt buộc công ty chào bán CP phải niêm yết, nên điều này Viglacera không nói NĐT cũng… dự báo được.
NĐT hiện nay mong muốn một lịch trình cụ thể hơn, quý nào, tháng nào doanh nghiệp sẽ niêm yết chứ không chỉ nói chung chung. Ai cũng mong muốn với những tên tuổi như Viglacera việc sớm lên sàn là điều dễ hiểu. Nhưng sẽ thật khó hiểu nếu những công ty đầu ngành, thu hút các NĐT lại không chịu lên sàn.
Một trường hợp cũng “khó hiểu” điển hình là Tổng CTCP Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Nếu Viglacera có thể gặp đôi chút thách thức từ ngành nghề trong bối cảnh hiện nay, thì Sabeco gần như không gặp khó khăn gì trong hoạt động của mình, tính từ khi hoàn tất IPO (năm 2008) cho đến hiện nay.
9 tháng năm 2013, Sabeco đạt doanh thu hơn 19.700 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 14% so với cùng kỳ năm 2012, lãi sau thuế hơn 2.200 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước đó. Ngoài ra Sabeco còn khoảng 5.500 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng.
Tất cả NĐT, từ tổ chức cho tới cá nhân đều có chung nhận định: Sabeco sẽ là món hàng “hot” nếu lên sàn. Vậy mà cho đến nay vẫn chưa thấy lời hứa. Điểm khó hiểu là Sabeco đã cổ phần hóa từ năm 2008, cùng giai đoạn với một loạt công ty đầu ngành khác như Vietcombank, Bảo Việt…
Tức cũng rất mau mắn trong IPO chứ không chần chừ như một số đơn vị khác. Vậy tại sao chỉ còn một bước cuối cùng là đưa CP lên sàn Sabeco lại không thực hiện?
Khi một công ty tiến hành cổ phần hóa, việc tái cấu trúc hoạt động, nâng cao hiệu quả là điều bắt buộc phải làm Sabeco cũng đã làm rồi. Vào năm 2012, HĐQT và Ban Giám đốc Sabeco đã có những thay đổi về mặt nhân sự. Việc này có thể hiểu nhằm nâng cao hơn nữa công tác quản trị doanh nghiệp, phát huy hiệu quả kinh doanh.
Về mặt hình ảnh có thể nói Sabeco cũng đã làm tốt. Thương hiệu Sabeco - Bia Sài Gòn luôn là một trong những thương hiệu mạnh, các hoạt động quảng cáo, PR, các chương trình xã hội cũng được triển khai bài bản. Sabeco cũng đã có một số bước tiếp cận với TTCK như việc niêm yết tại HOSE đối với một đơn vị thành viên là CTCP Vận tải và Giao nhận bia Sài Gòn (SBC) vào tháng 6-2010; Sabeco cũng đã từng có một công ty quản lý quỹ (nay đã giải thể).
Chỉ một điều băn khoăn ở đây là những động thái của Sabeco có vẻ tập trung về bề rộng hơn là chiều sâu. Chẳng hạn quảng cáo rất nhiều, PR rất nhiều, nhưng việc chia sẻ thông tin chuyên sâu để các NĐT, các quỹ có thể hiểu rõ hơn ít thấy.
Công ty quản lý quỹ trước khi giải thể không thấy được hiệu quả, ngay cả trong việc hỗ trợ Sabeco có chiến lược tiếp cận với TTCK một cách hợp lý. Hiện nay website của Sabeco cũng đã đăng tải BCTC cũng như một số thông tin quan trọng của công ty, nhưng chừng đó là chưa đủ.
So về lượng thông tin công bố ra bên ngoài của Sabeco với các công ty cùng ngành thực phẩm-thức uống như Vinamilk (VNM) hay Masan (MSN), chênh lệch có thể thấy rất rõ. Có thể Sabeco chưa niêm yết, nên không cần và cũng không bắt buộc phải công bố thông tin như các đơn vị đã niêm yết, nhưng điều NĐT cần ở đây là một sự cởi mở về thông tin có lẽ chưa cảm thấy thỏa mãn.
Để khắc phục những điểm này cũng không khó, đó là chỉ cần Sabeco… lên sàn. Khi lên sàn, nhận được sự kỳ vọng của thị trường, tất nhiên Sabeco sẽ hoàn thiện những điểm chưa được của mình để ngày một tốt hơn.
Dù là một đơn vị đầu ngành, nhưng Sabeco cũng không tránh khỏi sự cạnh tranh trên thị trường bia cũng vô cùng quyết liệt trong những năm gần đây. Các nhãn hiệu bia mới xuất hiện, các chiến dịch quảng bá, PR “dội bom” cũng sẽ buộc Sabeco phải nỗ lực hơn nữa để giữ vững vị thế của mình.
Và để củng cố cho sức mạnh, một trong những giải pháp hữu hiệu đó là việc phải lên sàn, gọi vốn và những sự hợp tác từ các NĐT khác nhau. Mặt khác, càng chậm niêm yết, hình ảnh của Sabeco trong mắt các NĐT về sau này cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Là một “ông lớn”, hẳn Sabeco cũng ý thức được điều này.
Giả định Sabeco sẽ đưa 641,2 triệu CP (tương đương vốn điều lệ 6.412 tỷ đồng) lên sàn với giá tương đương giá đấu thành công của đợt IPO là 7.0, như vậy giá trị vốn hóa của thị trường sẽ tăng thêm gần 45.000 tỷ đồng. Cũng với giá 7.0, chỉ cần mỗi phiên có khoảng 500.000 CP của Sabeco được giao dịch, thanh khoản của thị trường cũng có thể bổ sung thêm khoảng 35 tỷ đồng.
Tất nhiên Sabeco cũng sẽ trở thành một trong những CP có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường. Với những lợi thế hiện có của Sabeco có lẽ đến giờ NĐT vẫn còn đang rất kiên nhẫn chờ đến ngày “đại gia” này lên sàn. Nhưng cần lưu ý rằng, thời gian kiên nhẫn tính ra cũng đã khoảng… nửa thập niên rồi.
TTCK cũng như các thị trường khác, có cầu ắt phải có cung, tất cả phải theo xu hướng cân bằng, không bên nào lệ thuộc bên nào mới có thể phát triển nhịp nhàng. Cái gì quá cũng không tốt, nên việc Sabeco hay một số công ty khác nói chung “quá kiên nhẫn” trong việc niêm yết đến mức NĐT không thể “kiên nhẫn” đợi được nữa thì quả thực sẽ rất gay go.
Nguyễn Minh Hà (TPHCM)
sài gòn đầu tư tài chính
|