Thứ Hai, 20/01/2014 13:30

Doanh nghiệp mới lên sàn có hấp dẫn?

Năm 2013, diễn biến TTCK khá khởi sắc, cổ phiếu lên giá đều đặn, VN-Index và HNX-Index theo đó cũng ghi nhận tăng trưởng. Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp tìm đến kênh chứng khoán để huy động vốn lại thấp kỷ lục và doanh nghiệp phải rời sàn tăng cao đột biến.

Một năm đã trôi qua, VN-Index đã tăng hơn 22% và HNX-Index tăng 18% so với thời điểm đầu năm, trong đó cổ phiếu của các công ty kinh doanh tốt luôn thu hút được các nhà đầu tư và tăng trưởng mạnh. Dẫu vậy, số lượng doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường lại giảm sút nghiêm trọng. Theo thống kê của Vietstock, toàn thị trường chỉ ghi nhận thêm 14 doanh nghiệp niêm yết mới trên HOSE và HNX trong năm. Như vậy, số lượng doanh nghiệp niêm yết mới đã giảm phân nửa so với con số 29 doanh nghiệp chào sàn trong năm 2012.

Ông Tống Minh Tuấn, Trưởng phòng Tư vấn Tài chính doanh nghiệp VCBS, cho biết điều khiến doanh nghiệp e ngại lên sàn gồm 4 yếu tố. Thứ nhất là quy định công bố thông tin, để đáp ứng quy định này những đơn vị lớn cần có bộ phận riêng bởi trường hợp kiêm nhiệm chắc chắn phải có sai sót, điều này làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp. Thứ hai là việc bắt buộc kiểm toán BCTC giữa và cuối niên độ, hiện còn nhiều doanh nghiệp có bộ phận kế toán chưa chuyên nghiệp và không đáp ứng được các chuẩn mực kế toán. Thứ ba là lo ngại thị giá cổ phiếu không được như kỳ vọng của Ban lãnh đạo và cổ đông mong muốn. Cuối cùng, nguy cơ thâu tóm cũng là một yếu tố cản trở doanh nghiệp lên sàn.

Dẫu vậy, những lợi ích của việc niêm yết trên thị trường có tổ chức vẫn là động lực để doanh nghiệp cân nhắc. Bởi một khi đã niêm yết trên thị trường có tổ chức, đặc biệt là HOSE hay HNX, các cơ hội tiếp cận với nhà đầu tư được nâng cao hơn và danh tiếng, thương hiệu của doanh nghiệp cũng được lan rộng. Đồng thời, cổ phiếu doanh nghiệp cũng sẽ được đánh giá khác đi, nếu chưa niêm yết giá cổ phiếu chỉ ngang với mệnh giá nhưng khi niêm yết, đặc biệt vào đúng thời điểm thị trường đi lên, thị giá sẽ cao hơn nhiều.

Đơn cử như trường hợp của Nam Long (NLG), ông Nguyễn Vĩnh Trân - Tổng Giám đốc công ty chia sẻ, Nam Long có kế hoạch lên sàn từ rất lâu và năm 2013 là năm thực hiện điều này. Một trong những mục tiêu lên sàn của công ty là thu hút nhà đầu tư ngoại. Ông cho biết, nhà đầu tư ngoại hiện nay rất thận trọng, họ phải xem doanh nghiệp hoạt động ra sao, cách quản trị như thế nào, chiến lược hướng đến là gì trước khi quyết định đầu tư. Bởi vậy, để thu hút được họ, doanh nghiệp cần đáp ứng được các yêu cầu về minh bạch thông tin, công bố rộng rãi các tài liệu liên quan. Qua đó, các nhà đầu tư nước ngoài có thể tìm hiểu và mạnh dạn rót vốn.

Danh sách DNNY mới trong năm 2013
(*) FLC không phải là một doanh nghiệp mới lên sàn, công ty đã chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE Nguồn: VietstockFinance

Chất lượng hàng mới ra sao?

Để có thể niêm yết trên hai sàn giao dịch HNX và HOSE trong năm 2013, tất cả doanh nghiệp này phải đảm bảo đáp ứng được chuẩn niêm yết mới theo Nghị định 58. Có thể thấy, chỉ riêng việc đáp ứng được chuẩn mới này, những đơn vị chào sàn trong năm nay đã có chất lượng vượt trội. Bởi hiện trên sàn có rất nhiều doanh nghiệp dưới chuẩn niêm yết mới.

Như trường hợp của CTCP Điện cơ Hải Phòng (HNX: DHP), từ năm 2010 đến nay kinh doanh luôn có lãi, tuy doanh thu, lợi nhuận không tăng trưởng mạnh nhưng khá đều đặn. Tỷ suất lợi tức trên vốn cổ phần (ROEA) trên 20%. Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 200.7 tỷ đồng và lãi ròng 12.4 tỷ đồng, gần chạm đến mức đã đạt được trong cả năm 2012. Hay HLD, NDX,PSD cũng là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ổn định qua nhiều năm.

Ngoài ra, CTCP Đầu tư FIT(HNX: FIT) cũng cần nhắc đến khi doanh thu và lợi nhuận quý 3/2013 tăng đột biến. Nguyên nhân là do trong kỳ công ty đã hoàn tất một số hợp đồng tư vấn dẫn đến doanh thu thuần từ cung cấp dịch vụ tăng mạnh lên 11.6 tỷ đồng, gấp 2.6% lần cùng kỳ năm trước; đồng thời doanh thu tài chính (chủ yếu từ lãi vay) cũng nhảy vọt lên 49.7 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi. Nhờ vậy mà lãi ròng đạt 15.3 tỷ đồng, gấp 7.4 lần cùng kỳ năm 2012.

Nói là đột biến bởi lũy kế 6 tháng đầu năm, lãi ròng của FIT chỉ vỏn vẹn chưa đầy 3 tỷ đồng, và kết quả kinh doanh 3 năm trước đạt cao nhất là vào năm 2010 cũng chỉ 10.7 tỷ đồng.

Tương tự, CTCP Thanh Hoa Sông Đà (HNX: THS) tuy lợi nhuận 3 năm gần nhất giảm dần từ 3 tỷ đồng năm 2010 xuống 1.9 tỷ đồng năm 2012 nhưng kết quả 9 tháng đầu năm 2013 lại khá khả quan. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2013 công ty ghi nhận 121.8 tỷ đồng doanh thu thuần; lãi ròng 2.3 tỷ đồng, tăng gấp 1.5 lần so với cùng kỳ năm trước và vượt kết quả đạt được trong cả năm 2012. Điều này đạt được là do THS có lợi nhuận khác đến 3.4 tỷ đồng từ nhượng bán, thanh lý tài sản cố định và hàng khuyến mãi, hỗ trợ bán hàng.

Ngược lại, những doanh nghiệp như FCM, TTZ, SHA, KSQ… lại có xu hướng giảm dần lợi nhuận. Thậm chí với CTCP Đầu tư Xây dựng và Công nghệ Tiến Trung (HNX: TTZ) đã bị lỗ trong quý 3 ở mức 329 triệu đồng, dẫn đến lũy kế 9 tháng lỗ ròng gần 100 triệu đồng.

Trong số các doanh nghiệp mới niêm yết, Nam Long là doanh nghiệp lỗ nặng nhất. Tính đến cuối quý 3/2013, NLG đã bị lỗ 36 tỷ đồng. Dù vậy, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Vĩnh Trân tự tin Nam Long sẽ đạt được kế hoạch kinh doanh năm dựa trên đánh giá về tình hình bán hàng và kinh doanh.

Giá cổ phiếu đồng pha lợi nhuận

Xét về giá cổ phiếu, sau khi lên sàn thì các doanh nghiệp lộ diện kết quả kinh doanh yếu kém đều sụt giảm đáng kể. Ví như TTZ, thị giá đã giảm đến 60% so với thời điểm chào sàn, cả SHA, KSQ, FCM đều sụt giảm trên 40%. Ngược lại, những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt như FIT, THS, KLF, HLD hay FLC lại tăng mạnh mẽ.

Đặc biệt, tăng mạnh nhất là cổ phiếu FLC chuyển từ HNX sang HOSE ở mức giá 5,800 đồng, đến nay đã tăng 83% lên 10,600 đồng. Là cổ phiếu được giới đầu cơ ưa chuộng ngay từ khi niêm yết trên sàn HNX, khi qua sàn HOSE, FLC tiếp tục nhận được nhiều quan tâm của nhà đầu tư khi bình quân mỗi phiên giao dịch có khoảng 7 triệu đơn vị được khớp. Hơn nữa, việc Chủ tịch HĐQT và người nhà thực hiện nhiều giao dịch mua đi bán lại cũng gây nhiều sự chú ý.

Biến động giá cp mới niêm yết năm 2013

Ở trường hợp của NLG, thị giá cổ phiếu đã giảm 20% so với thời điểm mới lên sàn. Nhận xét về điều này, ông Trân cho rằng, do Nam Long mới niêm yết trong thời gian ngắn nhà đầu tư chưa nhận biết nhiều về tiềm năng của Tập đoàn. Ông cũng kỳ vọng qua thời gian các nhà đầu tư sẽ đánh giá đúng hơn về giá trị của Nam Long.

Với Nghị định 108 có hiệu lực thi hành vào ngày 15/11/2013, trong đó có quy định bắt buộc đưa chứng khoán giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán khi đủ điều kiện niêm yết, dự trù trong năm 2014 này sẽ xuất hiện làn sóng ồ ạt niêm yết với hàng loạt “ông lớn” và “ông nhỏ”, đặc biệt là các định chế ngân hàng chưa niêm yết như BIDV, OCB, SouthernBank, NamABank

Mỹ Hà

công lý

Các tin tức khác

>   BIDV: 24/01 chính thức giao dịch với giá tham chiếu 18,700 đồng/cp (20/01/2014)

>   BHS: Quyết định niêm yết bổ sung cổ phiếu (17/01/2014)

>   ASM: Quyết định niêm yết bổ sung cổ phiếu (17/01/2014)

>   BID được chấp thuận niêm yết hơn 2.8 tỷ cp trên HOSE (17/01/2014)

>   Cổ phiếu BIDV sẽ chào sàn ngày 24-1 (17/01/2014)

>   TV4: 20/01 chính thức giao dịch 3.64 triệu cp niêm yết bổ sung (15/01/2014)

>   BHS: Nhắc nhở chậm công bố đăng ký niêm yết bổ sung (14/01/2014)

>   Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang đăng ký niêm yết hơn 17 triệu cp trên HOSE (13/01/2014)

>   SEC: Thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành (10/01/2014)

>   TV4: Chấp thuận niêm yết bổ sung cổ phiếu (10/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật