Thứ Ba, 21/01/2014 08:31

Ngân hàng có thể phải cung cấp thông tin cho thừa phát lại

Thừa phát lại sẽ được quyền yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về tài sản, tài khoản của người phải thi hành án gửi tại tổ chức tín dụng để thi hành án dân sự, nếu thông tư liên tịch giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp được thông qua.

Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và một số công việc khác.

Theo dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn việc xác minh điều kiện thi hành án của thừa phát lại tại các tổ chức tín dụng, thừa phát lại có thẩm quyền như chấp hành viên đối với việc yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về tài sản, tài khoản của người phải thi hành án gửi tại tổ chức tín dụng để thi hành án dân sự.

Cụ thể, khi nhận được yêu cầu của thừa phát lại và các tài liệu có liên quan, tổng giám đốc, giám đốc hoặc người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng đang quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài sản, tài khoản của người phải thi hành án gửi tại tổ chức tín dụng.

Thời hạn cung cấp thông tin không quá 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu; trong trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án thì việc cung cấp thông tin được thực hiện ngay sau khi nhận được yêu cầu.

Khi yêu cầu cung cấp thông tin trực tiếp, thừa phát lại phải xuất trình thẻ thừa phát lại và lập biên bản về việc cung cấp thông tin (có chữ ký của thừa phát lại, người cung cấp thông tin; xác nhận của tổ chức tín dụng cung cấp thông tin). Trong trường hợp tổ chức tín dụng chưa thực hiện được ngay việc cung cấp thông tin thì trong biên bản phải nêu rõ lý do.

Đối với yêu cầu cung cấp thông tin bằng văn bản thì văn bản yêu cầu cung cấp thông tin của thừa phát lại phải có đầy đủ các nội dung như lý do cần cung cấp thông tin (nêu rõ tên bản án, quyết định; quyết định thi hành án) và các thông tin cần cung cấp…

Trong khi đó, việc cung cấp thông tin của tổ chức tín dụng bắt buộc phải được thực hiện bằng văn bản của người có thẩm quyền theo quy định. Và văn bản cung cấp thông tin phải ghi đầy đủ các nội dung: thời gian cung cấp thông tin; địa điểm cung cấp thông tin; nội dung chi tiết các thông tin cung cấp; mục đích sử dụng thông tin được cung cấp; người đại diện cho bên cung cấp và bên được cung cấp thông tin; những người tham gia vào việc cung cấp và được cung cấp thông tin…

Tất nhiên, các văn bản yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến tài sản, tài khoản của khách hàng gửi tại tổ chức tín dụng và các thông tin được cung cấp phải tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước. Cụ thể, dự thảo yêu cầu tổ chức tín dụng và thừa phát lại khi cung cấp thông tin và được cung cấp thông tin phải thực hiện đúng các quy định về giữ bí mật, lưu trữ, cung cấp các thông tin liên quan đến tài sản, tài khoản của khách hàng theo quy định. Nếu có hành vi vi phạm thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Được biết, sau khi thí điểm mô hình thừa phát lại tại TPHCM, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ”Đề án tiếp tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại”. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan lựa chọn 12 địa phương mở rộng thực hiện thí điểm ngoài TPHCM, gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long.

Và để kịp thời triển khai quy định trên và hoàn thiện thể chế liên quan đến việc thí điểm chế định thừa phát lại, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn việc xác minh điều kiện thi hành án của thừa phát lại tại các tổ chức tín dụng.

Dự kiến Thông tư liên tịch này sẽ được ban hành vào tháng 2/2014.

Theo Bộ Tư pháp, tăng quyền cho thừa phát lại là đúng vì thể chế hóa chính sách xã hội hóa thi hành án dân sự theo Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Thực tế cho thấy lượng án dân sự còn tồn đọng hiện nay (qua nhiều năm) là hơn 200.000 việc. Cụ thể năm 2010, tỷ lệ việc thi hành xong trong số việc có điều kiện thi hành là 86,35%; năm 2011 là 88%; năm 2012 là 88,58%; năm 2013 là 86,53%.

Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và một số công việc khác. Thừa phát lại tương tự như chức mõ tòa (Người giữ việc báo tin và thi hành các quyết định của tòa án trong xã hội cũ, có khi trông nom cả việc bán các động sản của Nhà nước) và chấp hành viên.

Thừa phát lại được làm những công việc sau (theo nghị định 61/2009 của Chính phủ):

1. Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự.

2. Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

3. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.

4. Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.

Khi thực hiện công việc về thi hành án dân sự, Thừa phát lại có quyền như Chấp hành viên – trừ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và mọi cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Thừa phát lại theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối trái pháp luật yêu cầu của Thừa phát lại thì phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại nếu có.

Văn phòng thừa phát lại là tổ chức hành nghề của thừa phát lại. Tên gọi văn phòng thừa phát lại bao gồm cụm từ “Văn phòng thừa phát lại” và phần tên riêng liền sau. Người đứng đầu Văn phòng thừa phát lại là thừa phát lại và là người đại diện theo pháp luật của văn phòng thừa phát lại.


Đá Bàn

tbktsg

Các tin tức khác

>   Ngân hàng rục rịch tăng giá USD ngày cận tết (21/01/2014)

>   Đón “sóng” kiều hối (20/01/2014)

>   Ngân hàng Xây dựng Việt Nam đứng thứ 147 trong BXH VNR500 năm 2013 (20/01/2014)

>   Hám lợi mở đường cho tín dụng đen (20/01/2014)

>   Lãi suất sẽ “nhảy cùng nhịp” lạm phát (20/01/2014)

>   VietinBank giảm lãi suất cho vay hỗ trợ và đầu tư nhà ở xuống 5%/năm (20/01/2014)

>   Vietinbank tiếp tục vào Top 20 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (20/01/2014)

>   Nợ xấu: Những con số màu hồng (20/01/2014)

>   Ngân hàng mở kho giữ nông sản (19/01/2014)

>   Chuyên gia: Cần thu hẹp chênh lệch lãi suất huy động và cho vay (18/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật