Lãi suất sẽ “nhảy cùng nhịp” lạm phát
Theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, năm 2014 NHNN sẽ điều hành lãi suất và tỷ giá ở mức phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, mục tiêu cung tiền tệ, đặc biệt là diễn biến của lạm phát, góp phần ổn định thị trường, bảo đảm giá trị đồng Việt Nam. Điều mà rất nhiều DN kỳ vọng là chính sách lãi suất sẽ tiếp tục được NHNN điều hành linh hoạt và đa số các DN vẫn mong muốn lãi suất sẽ giảm thêm.
“Đúng là mặt bằng lãi suất cho vay của các NHTM đã giảm nhiều so với trước đây và giảm về mức bằng với thời điểm năm 2006-2007. Tuy nhiên, với các DN sản xuất hàng xuất khẩu phải cạnh tranh với nhiều nước trong khu vực trong khi họ lại được vay với lãi suất thấp hơn chúng tôi. Do đó, nếu ngân hàng giảm được lãi suất thêm nữa sẽ hỗ trợ tốt hơn cho DN” – Giám đốc một DN làm hàng dệt may xuất khẩu cho biết.
Trên thực tế, lãi suất có giảm được hay không còn phải dõi theo chỉ số CPI hàng tháng. Sở dĩ các nước khu vực có lãi suất thấp hơn của Việt Nam bởi chỉ số lạm phát của họ được kiềm chế ở mức rất thấp.
Theo đánh giá của bộ phận thống kê ASEAN (ASEAN Stats) lạm phát của Việt Nam năm 2013 chỉ thấp hơn Lào và Indonesia, nhưng cao hơn nhiều nước trong khu vực như Philippines 1%, Singapore 4%, Thái Lan 2%... Như vậy, có thể nói sự cạnh tranh gay gắt của các DN trong nước với các DN cùng ngành nghề ở các nước trong khu vực là tất yếu. Vấn đề là DN Việt cần lấy những yếu tố lợi thế so sánh như giá nhân công; giá nhiên liệu; dịch vụ công của Việt Nam để bù đắp cho “khoảng trống” chênh lệch lãi suất.
Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, để tạo được mặt bằng lãi suất như hiện nay phải ghi nhận sự nỗ lực, chấp nhận thu hẹp khoảng cách lợi nhuận ròng của ngành Ngân hàng. Bởi còn nhớ, thời điểm năm 2011, lạm phát ở Việt Nam còn ở mức trên 18%, khi đó mặt bằng lãi suất cho vay lên đến 23%, và đến năm 2013 lạm phát giảm còn 6,04% đã là một kỳ tích.
Trên cơ sở đó, NHNN đã điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất theo “nhịp điệu” của lạm phát một cách kịp thời. Tuy nhiên các NHTMCP đã chấp nhận chịu thiệt khi giảm lãi suất cho vay trước khi giảm lãi suất huy động. Và hiện họ đang rất nỗ lực hỗ trợ DN và cũng chính là tự giúp mình vượt qua khó khăn.
Năm 2014, định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ là kiểm soát lạm phát ở mức 6,5% - 7%. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, thì khả năng mục tiêu này nằm trong tầm kiểm soát của NHNN. Về lý thuyết, nếu lạm phát ở mức trên thì khó giảm thêm được lãi suất, nhất là một số tổ chức quốc tế nhận định kiểm soát lạm phát năm 2014 của Việt Nam sẽ khá khó khăn.
Báo cáo về kinh tế vĩ mô - triển vọng thị trường số tháng 1/2014 của HSBC đã đưa ra nhận định: với việc Bộ Tài chính cho phép các nhà bán lẻ tăng giá gas và xăng dầu thì lạm phát năm 2014 dự kiến sẽ tăng khoảng 7,9%. Đặt giả thuyết, nếu lạm phát năm 2014 ở mức 6,5% - 7% thì rất khó còn dư địa để giảm lãi suất huy động bởi người gửi tiền luôn đòi hỏi lãi suất phải thực dương. Bên cạnh đó, lãi biên của các ngân hàng hiện đã rất thấp, chỉ dưới 3% nên rất khó giảm thêm lãi suất cho vay khi lãi suất huy động chưa giảm.
Tuy nhiên, ở góc nhìn ngược lại, TS. Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác là chứng khoán, bất động sản khó khăn thì thậm chí nếu lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức 6%/năm thì người gửi tiền vẫn sẽ chọn kênh gửi tiền ngân hàng. Nếu người gửi tiền vẫn chấp nhận mức lãi suất thấp hơn thì NHTM có thể giảm được lãi suất cho vay xuống thấp nữa.
Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, khi nhiều NHTM vẫn đang tồn đọng vốn thì cũng buộc phải giảm lợi nhuận, thậm chí chấp nhận cho vay hòa vốn để giữ chân khách hàng. Bên cạnh đó, việc NHTM cắt giảm chi phí khác cũng có thể là điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ DN hơn nữa.
Lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh thông thường ở khối NHTMCP hiện nay ở mức 9,5-11,5%/năm sẽ có thể giảm xuống từ 8,5%-10,5%/năm trong năm 2014. Còn kỳ vọng có thể giảm lãi suất xuống nữa hay không thì còn phải lắng nghe “nhịp điệu CPI” hàng tháng trong năm 2014.
Chí Kiên
thời báo ngân hàng
|