Thứ Tư, 01/01/2014 21:43

Kinh tế toàn cầu 2014: Tâm điểm Mỹ

Năm 2014 sẽ là năm rút khỏi chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Mỹ, bắt đầu từ tháng 1 này.

Ngân hàng Trung ương nước Mỹ (Fed) đang tin tưởng vào khả năng tự hồi phục của nền kinh tế lớn nhất thế giới và nếu mọi chuyện suôn sẻ, nhu cầu khổng lồ của nó sẽ là cú hích đối với phần còn lại của thế giới.

Nền kinh tế Mỹ luôn có ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu. Nếu phục hồi tốt, nhu cầu khổng lồ của nó sẽ là cú hích đối với phần còn lại của thế giới, hấp thu hàng hóa xuất khẩu từ khắp mọi nơi. Nhưng cũng có những nguy hiểm tiềm tàng.

Đối với một vài nền kinh tế mới nổi, bất cứ sự đảo chiều nào của các dòng vốn cũng tiếp tục cho thấy sự cần thiết phải cải cách, điều mà giới lãnh đạo chính trị các nước này sẽ không muốn thực hiện trong những năm bầu cử tới.

Sự phục hồi của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) lúc tốt nhất cũng còn rất mong manh. Ở cả khối tiền tệ chung và ở Mỹ, áp lực giảm lạm phát vẫn hiển hiện khi tiền công tiếp tục tăng chậm ngay cả khi các hoạt động sản xuất - kinh doanh được cải thiện.

Tất cả những điều này, cùng với sự không chắc chắn đến từ những cải cách mà Bắc Kinh ưu tiên thực hiện, sẽ khiến cho năm 2014 trở thành một năm có rất nhiều thách thức kinh tế phải vượt qua.

Giờ hãy cùng xem xét triển vọng của từng nền kinh tế lớn.

Mỹ

Từ 4 năm trước, các nhà phân tích đã dự đoán về một sự tăng tốc sắp xảy ra đối với nền kinh tế Mỹ, và họ đã sai. Thành tích đạt được của nền kinh tế này chỉ là xoàng xĩnh với 2,5% tăng trưởng năm 2010, 1,8% năm 2011, 2,8% năm 2012 và khoảng 2% năm 2013.

Nhưng không nao núng, các chuyên gia dự báo tiếp tục cho rằng, năm 2014 sẽ thực sự là một năm của tăng trưởng, và họ đang tin tưởng vào điều đó hơn bao giờ hết. Fed kỳ vọng mức tăng trưởng sẽ là 3%, còn Wall Street dự đoán thấp hơn một chút.

“Tăng trưởng đang tăng và thất nghiệp đang giảm”, bà Christine Lagarde, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận xét về kinh tế Mỹ. “Và tất cả điều đó cho chúng tôi một niềm tin mạnh mẽ vào triển vọng năm 2014, khiến chúng tôi nâng các mức dự báo của mình”.

Lý do của sự lạc quan này là kỳ vọng những lực cản đối với nền kinh tế Mỹ sẽ yếu đi. Các hộ gia đình đã giảm được đáng kể số nợ tồn đọng và vì vậy, họ có thể đi vay trở lại; chính sách tài khóa đã được thu xếp cho hai năm tới và sẽ không cản trở tăng trưởng; và hoạt động xây mới nhà ở đang gia tăng…

Eurozone

Đối với khối tiền tệ chung, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chỉ đưa ra dự báo tăng trưởng cho năm 2014 là 1,1%. Tỷ lệ thất nghiệp, đang gần với kỷ lục 12,1%, chưa thể giảm mạnh trong năm 2014, trong khi lạm phát vẫn đì đẹt ở mức thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ECB.

Triển vọng eurozone sẽ phụ thuộc vào tình hình tăng trưởng đầu tư kinh doanh và tiêu dùng, đặc biệt tại Đức. Nền kinh tế lớn nhất khu vực này được kỳ vọng sẽ đạt đến sát trạng thái tối đa tiềm năng và niềm tin đang tăng của người tiêu dùng nơi đây có thể kích thích hoạt động chi tiêu. Tuy nhiên, tất cả các lĩnh vực đầu tư quan trọng đều vẫn còn khá yếu.

Và sự thiếu vắng cải cách ở các nền kinh tế lớn khác là một mối lo. Tây Ban Nha có thể có tiến triển với cải cách thị trường lao động, nhưng Ý và Pháp, hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba của eurozone, thì vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Hệ thống ngân hàng vẫn yếu và ECB đang phải cân đối giữa việc đảm bảo cho hệ thống vững chắc lâu dài đồng thời tránh được sự hoảng loạn của thị trường trước mắt. Đồng euro mạnh lên sẽ làm vấn đề trở nên phức tạp hơn do nó làm cho các nền kinh tế đang rất cần xuất khẩu kém cạnh tranh đi.

Nếu tăng trưởng gây thất vọng hay tình trạng giảm lạm phát trở nên tồi tệ, ECB được dự đoán sẽ hành động. Một số nhà kinh tế tin rằng, năm 2014 sẽ là năm mà ngân hàng trung ương này sẽ phải sử dụng đến chính sách nới lỏng định lượng. Hiện tại, đây là lựa chọn nằm ngoài danh sách - các biện pháp có thể được áp dụng trước tiên là cắt giảm lãi suất tiền gửi và cung cấp nhiều hơn các khoản vay dài hạn giá rẻ thông qua nghiệp vụ thị trường mở.

Trung Quốc

Sau khi dành cả năm 2013 để tạo dấu ấn, dự báo 2014 sẽ là năm mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thực thi các chính sách kinh tế của mình thực chất hơn.

Ông Tập muốn trao cho các doanh nghiệp nhà nước thêm sự tự do trong kinh doanh, siết chặt việc vay nợ của chính quyền địa phương và xúc tiến bãi bỏ các quy định về lãi suất. Tân chủ tịch muốn phó thác nhiều hơn cho các động lực của thị trường với niềm tin rằng, mô hình tăng trưởng dưới dự dẫn dắt của chính phủ mà Trung Quốc áp dụng lâu nay đang đi đến hồi kết.

Các nhà đầu tư đã phản ứng thuận lợi với những kế hoạch của ông Tập, nhưng con đường thực thi chất đầy thách thức. Triển vọng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2014 sẽ phụ thuộc không nhỏ vào việc tân chủ tịch sẽ hối thúc thực hiện các cải cách khó khăn trước, hay chọn làm các công việc dễ dàng hơn đầu tiên.

Trong trường hợp thứ hai, Chính phủ sẽ tốn rất ít chi phí để cho phép các công ty tư nhân được đầu tư vào nhiều lĩnh vực hơn, từ ngân hàng đến năng lượng. Những cải cách khó khăn hơn, như kiểm soát nợ chính quyền địa phương, chắc chắn sẽ gặp phải sự chống đối và làm chậm đà tăng trưởng ngay lập tức.

Những kết quả đã đạt được đến nay là lẫn lộn. Ông Tập làm được nhiều hơn với những cải cách dễ dàng hơn, như nới lỏng chính sách một con. Cùng lúc, ông để cho lãi suất trên thị trường tiền tệ tăng lên, một hành động cần thiết để kiểm soát nợ gia tăng, nhưng cũng có thể kìm hãm tăng trưởng năm 2014.

Nhật Bản

Rất khó để nhìn về sau tháng 4/2014. Thuế tiêu dùng tăng từ 5% lên 8% có hiệu lực từ thời điểm đó được dự đoán sẽ tác động tiêu cực nghiêm trọng đến kinh tế Nhật. Các nhà kinh tế do Bloomberg khảo sát ước tính, tiêu dùng cá nhân sẽ giảm khoảng 1/10 từ quý I đến quý II/2014, khiến toàn bộ nền kinh tế nước này co lại khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu đúng như vậy, đó có thể là cú giảm đầu tiên của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới kể từ khi ông Shinzo Abe trở lại nắm chính phủ nước này. Đó cũng sẽ là bằng chứng cho những gì mà các nhà tư vấn của ông đã cảnh báo về chính sách tăng thuế.

Mặc dù vậy, tốc độ phục hồi mạnh hơn có thể cứu cho kinh tế Nhật không bị tụt lại sau “cú đánh thuế”. Năm 2013, tăng trưởng thực tế khoảng 1,8% có được là nhờ vào sự hỗ trợ của cả chính sách tài khóa mở rộng lẫn chính sách tiền tệ nới lỏng và trong năm 2014, các biện pháp hỗ trợ tương tự có thể được lặp lại. Ngoài ra, các cải cách về thể chế cũng có thể đóng vai trò tích cực đối với tăng trưởng.

Nhưng đến tháng 11, Chính phủ sẽ phải tiếp tục tăng thuế tiêu dùng lên 10%, áp dụng đến tháng 10/2015. IMF cho rằng, bước đi đó là cần thiết nếu Nhật Bản muốn kìm cương nợ, hiện đã gấp khoảng 2,5 lần quy mô nền kinh tế. Nếu tăng trưởng bị tác động bởi lần tăng thuế đầu, ông Abe, hiện đang đối diện với cuộc bầu cử lãnh đạo đảng vào tháng 9/2015, có thể sẽ tìm cách trì hoãn lần tăng thứ hai.

Các thị trường mới nổi

Các thị trường mới nổi đã có phần lớn năm 2013 chịu ảnh hưởng bởi kế hoạch rút khỏi chính sách nới lỏng định lượng của Fed. Giờ đây, kế hoạch đó đã được công bố, nên hoạt động bán tháo bừa bãi rất khó xảy ra, nhưng các nhà đầu tư vẫn lo lắng về những thách thức cơ cấu mà các nước đã trì hoãn cải cách phải đối mặt.

Các nước có thể hưởng lợi từ sự phục hồi của Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác đang có cơ hội tốt nhất. Đó là Mexico hay các nước có khu vực sản xuất cạnh tranh ở Trung và Tây Âu.

Tuy nhiên, ảnh hưởng tích cực của tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm bớt nếu nó dẫn đến việc Fed giảm gói kích thích nhanh hơn dự đoán. Các nền kinh tế đã vay mượn nhiều từ nước ngoài để tài trợ tăng trưởng có thể sẽ phải đương đầu với khó khăn, nhất là các nước chuẩn bị bước vào mùa bầu cử, việc sẽ gây trở ngại cho các hoạt động cải cách.

Tại Brazil, Chính phủ đang đối mặt với áp lực lạm phát và sẽ không sẵn sàng giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách khi cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần. Ấn Độ, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể sẽ không mặn mà với thay đổi cơ cấu khi bước vào mùa bầu cử, cho dù yêu cầu là bức thiết hơn nhiều so với các cuộc bầu cử trước đây.

Nhưng rủi ro lớn hơn có lẽ chính là sự thay đổi đột ngột về chính trị từ bên trong. Vừa tháng trước, các cuộc biểu tình chống chính phủ đã lan ra khắp các đường phố ở Ukraine, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, và tại nhiều nước, các cử tri ở tầng lớp trung lưu chưa bao giờ sẵn sàng bày tỏ sự bất mãn với giá cả leo thang, thu nhập tù túng, đàn áp chính trị và tham nhũng lan tràn… như hiện nay. Họ có lẽ đều mong muốn những tỷ lệ tăng trưởng cao hơn mức mà các thị trường mới nổi có thể đạt được.

Quang Huy ­­(Theo báo chí nước ngoài)

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Kinh tế châu Á sẽ khởi sắc (01/01/2014)

>   Tăng trưởng kinh tế Singapore cao hơn dự đoán (01/01/2014)

>   Vàng bốc hơi 28% năm 2013, đứt mạch 12 năm tăng giá ròng rã (01/01/2014)

>   Những scandal ngân hàng gây rúng động thế giới năm 2013 (31/12/2013)

>   Venezuela sẽ thiết lập trật tự kinh tế mới trong năm 2014 (31/12/2013)

>   Vàng nới rộng đà sụt giảm mạnh nhất trong 30 năm (31/12/2013)

>   Các địa phương Trung Quốc nợ chồng chất (31/12/2013)

>   Hy Lạp sẽ không cần thêm gói cứu trợ vào năm tới (31/12/2013)

>   Quan chức Ấn Độ lên tiếng bảo vệ chính sách FTA (30/12/2013)

>   Kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2014 (30/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật