Kinh tế châu Á sẽ khởi sắc
Tăng trưởng ở nhiều nước và khu vực châu Á trong năm 2014 được kỳ vọng sẽ cải thiện nhẹ so với năm 2013 nhờ vào sự hồi phục của nhu cầu trong và ngoài nước.
Theo nhật báo Asahi của Nhật Bản, kinh tế tăng trưởng ở hầu hết các nước châu Á trong năm mới nhờ vào việc xuất khẩu được dự báo sẽ phục hồi khi các nền kinh tế công nghiệp hóa ở Mỹ và châu Âu lấy lại sức mạnh. Tuy nhiên, vì một số nền kinh tế đang nổi sẽ không tăng trưởng với tốc độ vốn có trước đó nên sự phục hồi sẽ mất đi phần nào động lực.
Khối ASEAN tăng trưởng tốt
Các nền kinh tế như Hàn Quốc hay Đài Loan được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 3,5% trong khi các nước ASEAN sẽ tăng trưởng 5-6%. Riêng Indonesia đang có những quan ngại về các tác động của việc tăng lãi suất và lạm phát tăng cao nhưng những tác động này được dự báo sẽ hạn chế.
Trong khi Trung Quốc hướng đến mức tăng trưởng đều đặn khoảng 7,5% thì Ấn Độ được dự báo tăng trưởng ở mức 4,9%, tăng nhẹ so với năm 2013. Đó là bởi Ấn Độ tiếp tục tập trung vào bình ổn giá hàng hóa và thực hiện cải tổ cấu trúc kinh tế để phát triển bền vững.
Asahi dẫn lời nhà kinh tế Hidehiko Mukoyama thuộc Viện Nghiên cứu Nhật Bản nhận định có ba điểm đáng chú ý về kinh tế châu Á năm 2014.
Thứ nhất là nền kinh tế Trung Quốc. Xét về viễn cảnh, một điểm quan trọng là tăng trưởng kinh tế có được duy trì đều đặn mà không cần dùng tới các biện pháp kích cầu kinh tế lớn hay không. Vào năm 2013, ngay cả khi nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc đã không thực hiện các giải pháp kích cầu kinh tế quy mô lớn, như những giải pháp được giới thiệu sau sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers.
Một điểm khác nữa là tác động của việc thúc đẩy cải tổ. Tháng 11-2013, chính sách cải tổ cơ cấu toàn diện đã được đưa ra tại Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, bao gồm cả các chính sách về tài chính. Các giải pháp cụ thể sẽ được thực hiện từ năm 2014. Thách thức của Trung Quốc sẽ là việc làm sao để duy trì tăng trưởng đều đặn cùng lúc với thúc đẩy cải cách kinh tế.
Điểm chú ý thứ hai là nền kinh tế Hàn Quốc. Theo ông Mukoyama, Hàn Quốc đang bị sức ép phải chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng tập đoàn “chaebol” truyền thống. Mức độ dân chủ hóa nền kinh tế (hay sự cùng tồn tại của các tập đoàn lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ) thành công tới đâu sẽ là phép thử cho chính phủ của Tổng thống Park Geun Hye.
Trong khi đó, International Business Times dẫn lời nhà kinh tế Rob Subbaraman thuộc Tập đoàn tư vấn tài chính, ngân hàng Nomura cũng dự đoán GDP của Hàn Quốc sẽ tăng 4% năm 2014 so với 2,9% năm 2013 nhờ vào xuất khẩu, một phần do nhu cầu ở Mỹ, các nước sử dụng đồng euro và Nhật Bản đang cải thiện.
Dòng chảy hội nhập kinh tế
Điểm chú ý thứ ba ở châu Á trong năm 2014 được đánh giá là sự hội nhập kinh tế trong khu vực. Ở châu Á, sự phụ thuộc lẫn nhau đã thật sự hình thành thông qua thương mại và đầu tư. Có thể kể đến như sự hội nhập kinh tế trong khối ASEAN (sẽ hình thành cộng đồng kinh tế chung vào năm 2015), các thỏa thuận đối tác kinh tế giữa ASEAN và các nước ngoài khối như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Thêm vào đó là các thỏa thuận đối tác kinh tế song phương.
Năm 2013, đã có một sáng kiến hướng tới việc công nhận một Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao hàm các điều trên. Mười nước ASEAN sẽ cùng với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand thành lập một quan hệ đối tác 16 nước. Tổng GDP của những nước này vào khoảng 20.000 tỉ USD, tương đương 30% toàn cầu và có dân số 3,4 tỉ người, khoảng một nửa dân số thế giới. Các cuộc đàm phán đã bắt đầu năm 2013 và dự kiến hoàn thành vào năm 2015.
Trong sự kết nối này, theo nhà kinh tế Mukoyama, các hoạt động của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ là tâm điểm chú ý. Trung Quốc và Hàn Quốc đã bắt đầu các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do (FTA) từ năm 2012. Một thỏa thuận cơ bản về các phương thức đã đạt được từ tháng 9-2013.
Thêm vào đó, các cuộc đàm phán FTA giữa ba bên là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đã bắt đầu từ tháng 5-2013.
Tuy còn phải đợi xem quan điểm của ba chính phủ khi giải quyết các vấn đề nhạy cảm như nông nghiệp hay sản xuất xe hơi thì đây cũng là một bước tiến ý nghĩa hướng tới hội nhập kinh tế trong châu Á nếu các thỏa thuận về FTA này được thực hiện.
Nhà kinh tế Mukoyama còn cho rằng vấn đề tỉ giá thất thường ở Ấn Độ và Indonesia cũng như các rủi ro về bất ổn chính trị ở Thái Lan và Đài Loan cần được theo dõi cẩn thận.
Việt Phương
Chủ tịch Trung Quốc làm tổ trưởng cải cách
Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc vừa bổ nhiệm Chủ tịch Tập Cận Bình giữ chức tổ trưởng tổ cải cách toàn diện trong năm 2014. Tổ này sẽ lãnh đạo những cải cách quan trọng cấp quốc gia và xử lý các vấn đề có tầm ảnh hưởng đến toàn quốc: thiết kế cải cách dựa trên cơ sở toàn diện, sắp xếp và phối hợp cải cách, đẩy mạnh cải cách toàn diện, giám sát việc thực thi các kế hoạch và chính sách cải cách quan trọng.
Ông Tạ Xuân Đào, giáo sư Trường Đảng Trung Quốc, cho biết tổ cải cách toàn diện được thành lập trước thềm năm 2014 là rất cần thiết cho Trung Quốc, bởi lần cải cách này có quy mô và mức độ lớn chưa từng có ở nước này. Mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc là phải đạt được những kết quả “mỹ mãn” trong cải cách ở những lĩnh vực then chốt đến năm 2020.
Mỹ Tâm
Philippines tăng trưởng, Thái Lan vẫn tươi sáng
Chứng khoán Philippines trong ngày hoạt động cuối cùng của năm 2013, hôm 27-12, với thông tin tăng khoảng 2% - Ảnh: Reuters
Theo International Business Times, trong năm 2013 Tập đoàn Nomura đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Philippines xuống 7,1% từ mức 7,3%. Tuy nhiên, trong năm 2014, Nomura lại nâng mức dự báo cho Philippines từ 6,2% lên 6,7% khi đánh giá việc tái thiết sau trận siêu bão Haiyan sẽ đẩy mạnh các hoạt động kinh tế trong những tháng tới.
Cũng theo Nomura, nền kinh tế Philippines được xây dựng trên những nền tảng vững chắc: sự kết hợp của tăng trưởng mạnh, thặng dư đối ngoại vững chắc, chính trị ổn định và các triển vọng cải cách tích cực.
Trong khi đó, tại Thái Lan, Nomura chỉ ra một số vấn đề nước này đang đối mặt như thiếu thốn vốn và lao động lành nghề, chính trị bất ổn, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) yếu. Hãng tin Bloomberg cũng bình luận rằng bất ổn chính trị ở Thái Lan diễn ra trùng hợp với thời điểm các nước trong khu vực như Myanmar và Philippines đã có sự tăng trưởng nhanh và được hưởng một thời kỳ chính trị ổn định.
Trưởng bộ phận kinh tế châu Á thuộc Ngân hàng HSBC ở Hong Kong, ông Frederic Neumann nhận định: “Các nhà đầu tư ngày càng lo lắng hơn về rủi ro chính trị ở Thái Lan”. Ông nhận xét thêm rằng những căng thẳng gần đây ở Thái Lan đã đặt thêm rủi ro cho một viễn cảnh tăng trưởng dài hạn.
Tuy nhiên, bất chấp các rủi ro chính trị, theo Bloomberg, Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn xếp Thái Lan đứng trước Philippines và Indonesia trong bảng xếp hạng hằng năm về mức độ dễ dàng trong làm ăn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Lae Dilokvidhyarat thuộc Trường đại học Chulalongkorn (Bangkok) nhận xét rằng cho dù Thái Lan có thay đổi bao nhiêu chính phủ cũng sẽ không ảnh hưởng đến chính sách chung đối với đầu tư nước ngoài. “Tôi nghĩ FDI sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể nhưng du lịch thì có thể vì ngành này rất nhạy cảm với tình hình chính trị như thế này” - giáo sư Lae nói.
Việt Phương
|
tuổi trẻ
|