Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng - cần cách tiếp cận mới
Sau hơn 6 tháng triển khai, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mới giải ngân được khoảng 2% và thời hạn của gói sẽ kéo dài đến hết năm 2014. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để gói tín dụng này phát huy hiệu quả tốt nhất trong thời gian chỉ còn chưa đầy 1 năm?
Trong năm 2013, công tác phát triển nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã được đẩy mạnh, với hàng loạt giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Vì vậy, cả nước đã có 124 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai với quy mô xây dựng khoảng gần 79.000 căn. Các chủ đầu tư đã ký hợp đồng bán 1.050 căn hộ nhà ở xã hội. Cơ cấu hàng hóa bất động sản đã được điều chỉnh sát với nhu cầu của thị trường, tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại diện tích nhỏ, giá bán thấp, hướng tới nhu cầu của số đông người dân. Giá nhà ở đã giảm nhiều so với thời điểm sốt giá giai đoạn 2008 - 2010, hầu hết các dự án đã giảm từ 10 - 30%, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006, do đó có lợi cho người mua. Lượng giao dịch thành công trên thị trường tăng dần trong những tháng cuối năm. Tồn kho bất động sản có xu hướng giảm dần, tính đến giữa tháng 12.2013, tổng giá trị tồn kho khoảng gần 95.000 tỷ đồng, giảm 26,5% so với quý I.2013, tập trung chủ yếu ở phân khúc căn hộ vừa và nhỏ. Các căn hộ có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các đô thị lớn được tiêu thụ mạnh, hầu như không còn tồn kho. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, thị trường bất động sản đã ấm dần lên trong những tháng cuối năm 2013, lượng giao dịch tăng lên nhiều so với các tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng bất động sản cao hơn so với mức tăng tín dụng chung...
Trong các giải pháp phát triển nhà ở năm 2013, thì gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được cho là một điểm nhấn. Bởi dù đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế song mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy các giao dịch bất động sản. Theo một số chuyên gia tài chính, gói tín dụng chưa tác động nhiều đến thị trường, thậm chí là có dấu hiệu thất bại, khi mà sau 1/3 thời gian triển khai mới chỉ có 2% số vốn được giải ngân. Tiến độ giải ngân chậm của gói tín dụng hỗ trợ thị trường này được Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm cho là do đã đặt ra quá nhiều rào cản, từ đó dồn gánh nặng lên các ngân hàng.
Thực tế cũng cho thấy, một số người thu nhập thấp đã mua được nhà ở xã hội giờ đang muốn trả lại nhà do không phù hợp với điều kiện làm việc. Tại các dự án chuyển đổi công năng từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội thì có nguy cơ xảy ra tranh chấp, vì những người đã góp vốn đầu tư từ trước giai đoạn 2012 sẽ khó chấp nhận. Vướng mắc này cũng được đại diện nhiều địa phương phản ánh và mong muốn Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xử lý. Do đó, chuyên gia tài chính, Ts Vũ Đình Ánh cho rằng, cần thay đổi cách tư duy về gói tín dụng này, bởi nếu chỉ hướng đến những khách hàng đang gặp nhiều khó khăn thì dễ dẫn đến tăng nợ xấu.
Nhiều ý kiến cho rằng, điều quan trọng trong triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là phải minh bạch các thông tin liên quan đến các dự án được hưởng lợi như chất lượng xây dựng, tiến độ công trình, giá thành xây dựng của từng mét vuông... Thậm chí, yêu cầu minh bạch không chỉ phải đặt ra với riêng những dự án được hưởng lợi từ gói 30.000 tỷ đồng này, mà phải đặt ra cho toàn bộ thị trường bất động sản. Để thị trường bất động sản phát triển thì cần minh bạch cả về vốn và đất đai để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường dễ dàng.
Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định sẽ không ngừng giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, mà sẽ mở rộng số lượng ngân hàng được tham gia cho vay gói tín dụng này và hạ lãi suất 1% xuống còn 5%/năm. Về phía Bộ Xây dựng cũng ban hành các văn bản mở rộng đối tượng được vay. Nhưng điều quan trọng đối với gói tín dụng này là hiệu quả chứ không phải số lượng, nếu quá nới lỏng mà không thực hiện tốt công tác hậu kiểm thì nguy cơ nợ xấu có thể đến bất cứ lúc nào.
Thu Thủy
đại biểu nhân dân
|