Đột phá về chính sách tài khóa
Mức chi thường xuyên của ngân sách trong năm 2014 sẽ được kiểm soát để không vượt quá 70% so với năm 2013, trong khi vẫn phải đảm bảo chi cho tiền lương và an sinh xã hội. Đây là một quyết định chưa từng có được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại hội nghị ngành tài chính tổng kết năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014.
Các chuyên gia nhận định, quyết định này không chỉ hứa hẹn khởi đầu một bước cải cách đột phá về chính sách tài khóa, tạo nền tảng để tiến tới cân bằng ngân sách, tăng cao hiệu quả chi tiêu công, mà còn góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Năm 2013 là năm thực sự khó khăn đối với ngành tài chính-ngân hàng. Tổng lợi nhuận lũy kế của các ngân hàng tăng 3,2% so với cuối năm 2012, nhưng giảm 53% so với năm 2010 và giảm 63% so với năm 2011.
Đặc biệt, trong số 100 tổ chức tín dụng có lãi, có đến hơn 50% số tổ chức có lợi nhuận giảm 50% so với năm 2012. Sở dĩ nhiều ngân hàng kinh doanh thua lỗ hay không đạt được mục tiêu lợi nhuận là do tín dụng khó tăng trưởng trong khi nợ xấu vẫn ở mức cao. Theo một số chuyên gia tài chính, ngân hàng, nợ xấu tiếp tục ở mức cao, buộc các ngân hàng phải trích lập dự phòng ở mức cao hơn. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I-2014 đối với các tổ chức tín dụng cho thấy những triển vọng kinh doanh khả quan hơn.
Vụ Dự báo thống kê tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước nhận định rằng, những yếu tố nội tại ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh đều diễn biến thuận lợi hơn trong quý IV-2013 so với quý trước và sẽ tiếp tục cải thiện trong năm nay.
Mặt khác, các nhân tố khách quan về môi trường kinh doanh như chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá, cơ chế quản lý và quy định về an toàn hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước; tổng cầu của nền kinh tế, sự cạnh tranh lành mạnh của các tổ chức tín dụng cũng có diễn biến ổn định, thuận lợi hơn trong năm 2014. Hầu hết các tổ chức tín dụng đều kỳ vọng huy động vốn từ nền kinh tế và dư nợ tín dụng trong năm 2014 sẽ tăng so với năm 2013 với mức tăng phổ biến từ 10-20%. Tình hình thanh khoản cũng được duy trì ổn định, theo hướng tích cực.
Cùng với chính sách tài chính-ngân hàng, thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng sẽ mở đường cho những cơ chế, luật pháp mang tính cải cách nhằm giảm tính chất bao cấp vẫn còn khá nặng nề trong chính sách chi tiêu công hiện nay. Đó là giảm mạnh tình trạng bao cấp của Nhà nước còn tồn tại trong nhiều loại hình dịch vụ do các đơn vị sự nghiệp cung cấp, tạo ra cơ chế để khu vực tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào các lĩnh vực dịch vụ, với giá cả theo cơ chế thị trường mà lâu nay Nhà nước vẫn ôm đồm.
Chủ trương tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh ra khỏi nhiệm vụ chính trị, công ích của doanh nghiệp nhà nước, cũng sẽ góp phần hạn chế tình trạng nhiều đơn vị sự nghiệp vin vào lý do “nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ công ích” để vòi tiền ngân sách.
Đan Thanh
an ninh thủ đô
|