Đến 2015, hoàn thành thoái vốn và cổ phần hóa 500/1069 DN Nhà nước
Trải lời Đại biểu quốc hội bằng văn bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Phấn đấu đến hết năm 2015 hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính và thực hiện cổ phần hóa (CPH) khoảng 500 trên tổng số 1.069 DNNN.
Ngày 13-1-2014, Cổng thông tin Chính phủ đã đăng văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, chiều 21-11-2013, sau khi đọc Báo cáo giải trình trong khuôn khổ thời gian của Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ đã trả lời trực tiếp 3 Đại biểu Quốc hội với 4 câu hỏi. Ngày 26-12-2013, Thủ tướng Chính phủ đã trả lời bằng văn bản chất vấn của 11 Đại biểu còn lại.
Theo văn bản trả lời, Đại biểu Trần Du Lịch đặt vấn đề: Trong Báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội, khi đánh giá về những nguyên nhân hạn chế, yếu kém, có nguyên nhân là "Nhận thức trên một số vấn đề về chủ trương, quan điểm phát triển đã được đề ra vẫn còn khác nhau, dẫn đến đổi mới thể chế chính sách có một số vấn đề ngập ngừng, thiếu nhất quán, nhất là vai trò của nhà nước và vai trò của kinh tế nhà nước trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Xin Thủ tướng cho biết và làm rõ hướng tới như thế nào nhằm bảo đảm sự nhất quán trong thực thi đẩy mạnh đổi mới thể chế chính sách để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cấu trúc DNNN, tạo niềm tin thị trường.
Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta kiên định xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Đây là con đường chưa có tiền lệ. Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 2011 của Đảng ta xác định “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”, trong đó “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”; “các yếu tố thị trường phải được tạo lập đồng bộ, các loại thị trường từng bước được xây dựng, phát triển, vừa tuân thủ theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 đã nêu rõ “Thực hiện tốt chức năng của Nhà nước, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường”. Và Hội nghị Trung ương 6, khóa XI của Đảng xác định “DNNN là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, là lực lượng vật chất quan trọng, là công cụ hỗ trợ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Những chủ trương lớn trên đây của Đảng phải được quán triệt, thể chế hóa và tổ chức thực hiện. Nhưng vai trò của Nhà nước, của Kinh tế nhà nước và của Doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là những vấn đề rất mới, chưa có sẵn mô hình. Trong quá trình triển khai, nhận thức về phạm vi, nội hàm, định lượng, giải pháp, lộ trình, bước đi… ý kiến cũng rất khác nhau, phải chờ đợi nhau và phải dành nhiều thời gian thảo luận để cụ thể hóa. Phải vừa làm, vừa tổng kết rút kinh nghiệm, lấy kết quả thực tiễn để khẳng định sự phù hợp cũng như phương hướng và cách làm tiếp theo. Vì vậy, việc triển khai thực hiện có lúc, có việc chưa dứt khoát, chưa mạnh mẽ, chưa nhất quán và kết quả đạt được chưa như mong muốn.
Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu, Đại biểu Đỗ Thị Hoàng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết kết quả tái cơ cấu DNNN thời gian qua và các giải pháp tiếp tục thực hiện lộ trình từ nay đến năm 2015.
Thủ tướng không nhắc lại kết quả tái cơ cấu DNNN vì kết quả này đã được trình bày trong các báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp.
Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là CPH, kể cả các tập đoàn kinh tế; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả. DNNN chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước. Kiện toàn cán bộ quản lý và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.
Phấn đấu đến hết năm 2015 hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính và thực hiện cổ phần hóa khoảng 500 trên tổng số 1.069 DNNN.
Hiệp Hòa
hải quan
|